Cô giáo cắm bản và hành trình 'gieo chữ' đầy gian nan nơi biên giới

Gian nan vất vả, thế nhưng với sự nhiệt huyết, yêu nghề, tình thương dành cho học sinh dân tộc, cô giáo Phạm Thị Liên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, dành trọn tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp 'trồng người' nơi rẻo cao, biên giới.

Hơn 10 năm gắn bó với học sinh Bru - Vân Kiều

Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), là một bản nghèo nằm sát biên giới Việt - Lào. Từ trung tâm xã Lâm Thủy vào bản Bạch Đàn khoảng chừng 10km nhưng đường đi thì hết sức khó khăn vì bùn đất lầy lội, sạt lở luôn rình rập.

Con đường vào bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, nơi nhiều cô giáo công tác bùn lầy, thường xuyên gặp sạt lở

Giao thông cách trở, đời sống bà con người Bru - Vân Kiều ở bản Bạch Đàn cũng khó khăn, vất vả trăm bề. Nơi bản nghèo này hiện có 1 điểm trường tiểu học, thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy với 2 giáo viên và 18 em học sinh.

Trong số 2 giáo viên cắm bản Bạch Đàn thì cô Phạm Thị Liên (SN 1989) là người đã có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với học sinh dân tộc tại các bản làng Bru-Vân Kiều của xã Lâm Thủy. Từ bản Eo Bù – Chút Mút, Xà Khía, Tân Ly và nay là Bạch Đàn, nơi nào cũng có dấu chân của cô giáo Liên.

Dù còn nhiều gian nan, vất vả, nhưng cô Liên vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày, mang tri thức về với các em học sinh vùng sâu, vùng xa

Theo chia sẻ của cô Liên, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quảng Bình vào năm 2011, cô đã bén duyên với mảnh đất Lâm Thủy và công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy từ đó đến nay.

Nhớ lại những ngày đầu về công tác ở vùng biên giới, cô Liên bùi ngùi cho cho biết, cách đây 10 năm, các điểm trường ở Lâm Thủy chưa có điện, không sóng điện thoái, muốn vào bản cũng phải trèo đèo lội suối. Khó khăn chồng chất lại sống giữa núi rừng hoang vu, đã không ít lần cô giáo trẻ phải bật khóc vì nhớ nhà và tính đến chuyện bỏ nghề.

Thế nhưng, được sự động viên của các thầy cô giáo đi trước, sự nhiệt huyết, yêu nghề trong cô Liên lại trỗi dậy, tình thương đối với các cô, cậu học trò dân tộc dần giúp cô giáo trẻ chiến thắng những khó khăn, thử thách. Với những giáo viên cắm bản như cô Liên, bên cạnh việc học trên lớp, các cô giáo cũng thường xuyên phải gõ cửa từng nhà vận động phụ huynh và động viên các em không bỏ học lên rẫy, rồi đón từng em về lớp theo đuổi con chữ.

“Sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết hay nghỉ hè, tâm lý các em là không chịu đến lớp nên cô giáo phải đến tận nơi để vận động các em đến lớp. Có những lần các em theo bố mẹ vào rừng, lên rẫy, thầy cô cũng phải lên tận nơi khuyên bảo rồi đưa các em trở lại trường. Tôi chọn nghề giáo bởi vì muốn được đứng trên bục giảng, dạy học cho các em học sinh. Với tôi, được nhìn thấy các em tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất”, cô Liên chia sẻ.

Cô giáo Liên đến tận nhà, đón các em học sinh đến lớp

Những hi sinh thầm lặng

Đồng hành cùng cô Liên tại điểm trường bản Bạch Đàn còn có một nữ giáo viên khác. Cứ vào thứ 2 đầu tuần, 2 cô giáo lại “tay xách nách mang” vào bản, cuối tuần mới ra lại trung tâm. Ở điểm trường Bạch Đàn, vì không có nhà nội trú nên lớp học cũng là nơi ngủ lại qua đêm của các giáo viên cắm bản với nhiều bất cập, thiếu thốn.

Cô giáo Liên cũng cho biết, nhà cô cách nơi công tác đến 130km, do đó vài ba tuần cô mới có dịp về thăm nhà. Cả 2 vợ chồng đều là giáo viên, công tác xa nên điều băn khoăn lớn nhất vẫn là 2 đứa con nhỏ đang gửi gắm bà nội trông nom. Nếu như những ngày còn trẻ là nỗi nhớ nhà, thì giờ đây trong cô Liên lại “cồn cào” nỗi nhớ con nhỏ.

“Dạy ở bản đến cuối tuần mới có thể về xuôi, những khi gặp thời tiết xấu phải ở lại bản, nghĩ đến việc con ở nhà ngóng mẹ tôi lại tủi thân mà khóc. Thế nhưng cũng không biết phải làm thế nào vì công việc của mình như vậy đành chấp nhận. Cũng rất may là ở bản, chúng tôi được bà con thương mến, quan tâm nên cũng đỡ buồn”, cô Liên tâm sự thêm.

Với những người giáo viên cắm bản nơi biên cương Tổ quốc, để đưa được “con chữ” đến cho các em học sinh vùng sâu vùng xa, thực hiện phổ cập giáo dục, các cô giáo đã phải hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh.

Sự cống hiến của các giáo viên vùng biên viễn nói chung và ở xã Lâm Thủy nói riêng không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hi sinh vì sự nghiệp “trồng người” ở những nơi vùng cao, biên giới đầy gian khó.

Thầy Trương Như Thuần, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy cho biết, toàn trường hiện có nhà trường có 227 học sinh, 18 lớp và học sinh học ở 4 điểm trường (có 3 điểm trường lẻ).

Học sinh ở đây chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều, cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên hầu như việc học, phụ huynh đều “khoán trắng” cho nhà trường. Hiện trường có 120 em học sinh ở lại nội trú và được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.

Cô Liên đã có hơn 10 năm cắm bản, đồng hành cùng học sinh Vân Kiều nơi biên giới

Theo thầy Thuần, ở các bản làng thuộc xã Lâm Thủy, đói nghèo cùng những hủ tục lạc hậu khiến nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra, nhất là sau những ngày lễ, Tết, nghỉ hè. Do vậy, để duy trì sĩ số, các thầy, cô giáo phải đến từng bản, đi từng nhà gặp gỡ và thuyết phục gia đình cho các em trở lại trường.

Nhờ những nỗ lực của thầy cô nhà trường, năm học vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh đến Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy của đạt 99,7% ở cả 2 cấp học.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/co-giao-cam-ban-va-hanh-trinh-gieo-chu-day-gian-nan-noi-bien-gioi-i308493/