Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ tăng khi chứng chỉ hành nghề là yêu cầu bắt buộc

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội.

 Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, đã thông tin một số vấn đề chung về Dự thảo Luật Nhà giáo như sự cần thiết ra đời của Luật Nhà giáo; các giai đoạn xây dựng, soạn thảo Luật Nhà giáo; chính sách và cấu trúc trong Dự thảo Luật Nhà giáo; nguyên tắc xây dựng và một số chính sách nổi bật của Dự thảo Luật Nhà giáo.

Nhấn mạnh nhà giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh phát triển của một quốc gia, PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho biết: Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Các cơ quan cấp phép yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn, và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khóa đào tạo nâng cao.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trao đổi tại hội thảo

PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trao đổi tại hội thảo

Muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề

"Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp", PGS.TS Lê Thái Hưng nhận định.

Liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội, cho rằng cần có những điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo cả khu vực công, khu vực tư và được áp dụng đối với cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học.

Đồng tình với các ý kiến cho rằng cần phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, trên thế giới, một lĩnh vực nào đó trở thành một nghề thì đó là bước chuyển rất quan trọng cho một khái niệm. Để một việc làm trở thành một nghề thì đội ngũ phải được đào tạo ở trình độ đại học, phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và có tổ chức nghề nghiệp.

Khi công bố dạy học là một nghề sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. "Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp", TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận các vấn đề xung quanh hai nội dung là chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo liên quan đến quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên, quy định về đạo đức nhà giáo, kinh nghiệm và bài học quốc tế…

Luật Nhà giáo là vấn đề mới, khó, phức tạp nên cần phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và mọi tầng lớp trong xã hội. Các chuyên gia tại hội thảo khẳng định phải có và cần chuyên nghiệp hóa chứng chỉ hành nghề nhà giáo.

Các ý kiến tại hội thảo đã nêu rõ, để phát triển đội ngũ giáo viên và phát triển ở 5 yếu tố quan trọng nhất gồm: công tác quản lý phát triển, cơ sở đào tạo giáo viên phát triển, cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên phát triển, bản thân nhà giáo phát triển và học sinh phát triển.

Ngoài đạo đức của một công dân, một viên chức bình thường thì cần có những đặc trưng riêng của ngành nghề. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo vừa là tôn vinh, trách nhiệm và tạo nên vị thế của nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

G.D

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chat-luong-doi-ngu-nha-giao-se-tang-khi-chung-chi-hanh-nghe-la-yeu-cau-bat-buoc-20240521170307858.htm