Chuyện tản mạn ở New Zealand

Bài 1: Câu chuyện về 3 cô bé Zoey

Có cơ hội sống một thời gian ở New Zealand (NZ), tôi thấy xứ sở này có nhiều điều thật thú vị, từ chuyện “quốc gia đại sự” như giáo dục, y tế cho đến chuyện lặt vặt như cái nhà, khu phố.

Học sinh Newlands Primary school trong giờ học ngoài trời. Ảnh: H.Lam

Tôi không thích cái kiểu ra nước ngoài xong quay lại so sánh rồi dè bỉu, chê bai trong nước. Nhưng quả tình, mỗi đất nước đều có những nét văn hóa riêng nên khi “mục sở thị” thì việc so sánh là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên chỉ là để nhìn ra sự khác biệt. Và mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi NZ chỉ có khoảng 5,5 triệu dân trong khi Việt Nam đến 100 triệu người.

Trong khu phố thuộc vùng Newlands (TP.Wellington) nơi tôi ở, có 3 cô bé cùng có tên là Zoey. Mới đây, cô bé Zoey nhỡ vừa tròn 5 tuổi, thế là vào lớp 1 (NZ gọi là year 1). Ở NZ, trẻ em có thể đi học từ 5 tuổi hoặc muộn hơn, nhưng không được quá 6 tuổi. Các trường cũng không có ngày tựu trường cố định, có trường cho các bé nhập học thoải mái vào bất cứ thời gian nào trong năm tùy thích, một số trường khác thì cho học sinh nhập học vào mỗi đầu học kỳ (một năm có đến 4 học kỳ). Vì vậy, trong cùng một lớp học, các bé có trình độ khác nhau, giáo viên sẽ theo dõi riêng để dạy cho phù hợp. Tất nhiên, để làm được như vậy sĩ số lớp học ở đây chỉ khoảng mười mấy em.

Giờ học ở NZ bắt đầu từ 9 giờ nên các bé không phải dậy sớm rồi gà gật đến trường. Ngày đầu tiên vào lớp, cô bé Zoey nhỡ được cô giáo dạy một vài chữ cái, dạy hát và chơi cùng các bạn. Buổi chiều, lớp tan học vào lúc 15 giờ, do chưa quen ngồi học cả ngày, trời lại hiu hiu mát mẻ nên bé lăn quay ra ngủ trong lớp đến tận lúc về. Cô giáo vẫn để yên cho bé ngủ, vì thế Zoey cảm thấy đi học rất vui vẻ, thoải mái.

Gần đây, NZ đang nghiên cứu đề xuất đưa chăm sóc răng miệng vào chương trình y tế công cộng để người dân được miễn phí. Hiện nay, chi phí chăm sóc răng miệng ở NZ khá cao so với thu nhập của người dân như: khám răng, lấy cao răng khoảng 100 đô NZ (1,5 triệu đồng); bọc răng sứ 1.000-1.500 đô/cái (15-22,5 triệu đồng); trồng răng giả 5.500 đô/cái (82,5 triệu đồng).

Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, mà nằm trong phương châm giáo dục của NZ. Các trường học luôn tạo mọi điều kiện để học sinh cảm thấy thoải mái, an toàn và vui vẻ khi đến trường. Mục tiêu giáo dục của NZ là đào tạo những con người tự tin, hội nhập, năng động và có khả năng tự đào tạo suốt đời. Vì thế, trong quãng đời học tập, các giáo viên giúp học sinh xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng: suy nghĩ độc lập, sử dụng ngôn ngữ thành thạo, tự quản lý bản thân, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng và đóng góp cho xã hội.

Cô bé Zoey lớn trong khu phố học ở Newlands Primary school, một hôm đi học về thấy cha mẹ vì muốn tiết kiệm nên tự rửa ô tô tại nhà bằng... nước rửa chén. Cô bé đã “phê bình” cha mẹ không biết bảo vệ môi trường. Do ở NZ quy định tất cả các tiệm rửa xe phải có hệ thống xử lý nước thải hoặc kết nối với nhà máy xử lý nước thải trước khi thải ra tự nhiên, bởi trong nước thải này có nhiều hóa chất nguy hiểm (chất tẩy rửa, xà phòng, dầu nhớt, cặn bẩn từ xe...) nên rửa xe tại tiệm sẽ ít gây ô nhiễm môi trường hơn tự rửa ở nhà. Mới 8 tuổi nhưng Zoey lớn rất có ý thức về môi trường, điều này phần lớn hình thành từ trường học.

Các trường tiểu học NZ (primary school, từ year 1 đến year 6; hết tiểu học là intermediate school, từ year 7 đến year 8, được xem như giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 bậc học, thường đặt chung trong trường tiểu học; tiếp đến là college school, từ year 9 đến year 13) dạy 8 môn học cơ bản theo Chương trình giảng dạy quốc gia gồm: tiếng Anh, các môn nghệ thuật, y tế và giáo dục thể chất, ngôn ngữ, toán học và thống kê, khoa học, khoa học xã hội và công nghệ. Khả năng đọc, viết và toán học của học sinh được đánh giá theo trình độ tuổi, dựa vào tiêu chuẩn quốc gia đã được Bộ Giáo dục quy định. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia hoạt động xã hội và cộng đồng như: hỗ trợ và chơi với các em học sinh lớp nhỏ, dự hội chợ từ thiện, hỗ trợ giáo viên tổ chức hội thao, cắm trại, tham gia nhặt rác, làm vệ sinh trường học... Mỗi môn học liên quan đến môi trường, xã hội, nhà trường đều có những dự án thực tế cho các em cùng tham gia.

Ở các bậc học lớn hơn, học sinh có những hoạt động phong phú hơn như tham gia các CLB toán, lập trình, vẽ, âm nhạc (ca hát, múa ballet), thể thao (đánh kiếm, bơi lội, trượt băng, bóng rổ, bóng đá, bóng chày...). Nền giáo dục NZ chú trọng phát triển cá nhân, vì thế nhà trường tôn trọng sở thích, xu hướng riêng của học sinh. Khi giáo viên phát hiện thế mạnh của học sinh sẽ bàn bạc với phụ huynh, từ đó phối hợp giúp các em phát huy tối đa ưu thế, đam mê của mình. Ở NZ, việc học sinh học “nhảy lớp”, vượt cấp là hết sức bình thường và được khuyến khích để các em bộc lộ tài năng.

Học sinh ở NZ chú trọng phát triển kỹ năng hơn điểm số, và cha mẹ của các em cũng vậy. Vì vậy, ở đây không thấy chuyện học sinh cắm mặt cắm mũi đi học thêm, không thấy giáo viên mở lớp dạy thêm, luyện thi. Nhưng không vì thế mà học sinh kém cỏi. Mới đây, cô bé Trần Ngọc Hân, học sinh một trường công lập ở Auckland đã học vượt cấp, 16 tuổi tốt nghiệp phổ thông, vượt qua hơn 40 ngàn đơn xin học và được nhận vào Đại học Harvard (Mỹ) với suất học bổng hơn 7,6 tỷ đồng. Để vào đại học danh tiếng này, ngoài năng lực học tập, Ngọc Hân còn thể hiện năng lực về hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, thể thao, kinh nghiệm sống, kỹ năng lãnh đạo... là những điều chỉ có thể rèn luyện từ trong nhà trường. Các trường công lập Việt Nam với nội dung giảng dạy như hiện nay xem ra khó đáp ứng được các yêu cầu này. Thật ra, các trường công ở NZ cũng giống như Việt Nam, chương trình dạy phải theo chuẩn của Bộ Giáo dục, gọi là Core Education Curriculum. Đây là bộ đề cương xây dựng giáo án chung, trên cơ sở đó các trường sẽ tự xây dựng giáo trình riêng phù hợp. Có điều, Core Education Curriculum bớt phần học thuật và chú trọng đến xây dựng các kỹ năng, thể thao, hoạt động ngoại khóa và cộng đồng. Cũng không chắc “chuẩn” của nước nào hay hơn, chỉ là phù hợp với các mục tiêu khác nhau.

Nói đến trường công lập, ở NZ hầu hết trẻ em đều học trường công, tỷ lệ lên đến hơn 90%, đơn giản là vì được học miễn phí đến tận 19 tuổi (tức là năm đầu đại học vẫn còn được miễn học phí), kể cả một số môn học ngoại khóa nằm trong chương trình của Core Education Curriculum, nếu học ngoài các môn trong quy định thì phải tự đóng tiền. Ngân sách Chính phủ cấp cho các trường công không theo kiểu “cào bằng”, mà có xem xét hỗ trợ nhiều hơn cho những trường thuộc khu dân cư nghèo, thu nhập thấp để đảm bảo học sinh con nhà nghèo vẫn được hưởng thụ nền giáo dục tốt như con nhà khá giả. Được học miễn phí, nhưng trẻ em cũng có “nghĩa vụ” là phải học cho đến 16 tuổi, học giỏi dở gì không biết nhưng chưa đủ 16 tuổi thì bắt buộc vẫn phải đi học, sau đó có thể đi làm nếu không thích học nữa.

Ở NZ, việc trừng phạt học sinh bằng các biện pháp đánh đòn hay “tác động vật lý” lên cơ thể học sinh đều bị nghiêm cấm. Với những học sinh vi phạm, giáo viên phạt bằng cách cho thêm bài tập về nhà hoặc ở lại trường trễ hơn để làm bài, thật là “một công đôi ba việc”.

Trong khu phố còn một cô bé Zoey, gọi là Zoey bé, mới 7 tháng tuổi. Zoey sinh non 6 tuần, do đó từ lúc sinh đến lúc 5 tuần tuổi bé được chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Wellington. Trong thời gian này, cha mẹ bé được bố trí ở một khu khách sạn đối diện; khi sức khỏe bé ổn định, cha mẹ về nhà nhưng hàng ngày được xe của bệnh viện đón tận nhà để chăm sóc bé. Tất cả đều miễn phí, kể cả thuốc cho mẹ và vitamin các loại cho bé sau khi xuất viện. Hàng tháng đều có midwife (nhân viên hộ sinh) đến tận nhà thăm khám cho bé. Chỉ một chuyện nhỏ vậy cũng đủ thấy hệ thống y tế công cộng NZ thực chất như thế nào.

Ở NZ, công dân, thường trú nhân đều được cấp số quản lý sức khỏe NHI (National Health Index) để Bộ Y tế quản lý nhằm chăm sóc tốt hơn, tránh nhầm lẫn. Hệ thống y tế của NZ chia ra 2 phần: chăm sóc cơ bản (primary healthcare) và chăm sóc cấp hai (Secondary healthcare). Bình thường, khi bị bệnh, người dân đến bác sĩ gia đình (chăm sóc cơ bản). Nếu bác sĩ thấy tình trạng sức khỏe cần phải đến bệnh viện điều trị hoặc đi gặp bác sĩ chuyên khoa thì mới chuyển, hướng dẫn bệnh nhân đến đó (chăm sóc cấp hai). Vì vậy, các bệnh viện ít khi rơi vào tình trạng quá tải. Ngay cả lúc NZ bị bão lũ nguy cấp hồi tháng 2 và 3-2013, chính quyền cũng liên tục nhắc nhở người dân không đến bệnh viện khi không cần thiết.

Hà Lam

Bài 2: Chuyện phố, chuyện nhà

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202305/chuyen-tan-man-o-new-zealand-3165305/