Chông chênh giảng đường

Thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh...

Tiếp theo kỳ trước

Theo đuổi niềm đam mê môn Vật lý

Dẫu cuộc sống còn lắm điều lo âu bởi hoàn cảnh gia đình chồng chất khó khăn nhưng vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Lan Đình, xã Phong Bình, huyện Gio Linh vẫn động viên cậu con trai Nguyễn Quốc Quân (SN 2004) theo đuổi niềm đam mê môn Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm Huế.

Nguyễn Quốc Quân tranh thủ học bài trước lúc đi làm thêm - Ảnh: NVCC

Hoàn cảnh gia đình Quân rất khó khăn, bố mắc nhiều căn bệnh nặng cùng lúc phải chữa trị thường xuyên, nhà lại đông người nhưng chỉ có mẹ là lao động chính. “Chồng tôi bị tai biến mạch máu não, gai cột sống, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp đã nhiều năm nay, thời gian đi viện điều trị nhiều hơn ở nhà, vì thế kinh tế gia đình cứ suy sụp dần.

Để nuôi 4 người con ăn học, thuốc thang cho chồng, tôi đã tần tảo sớm hôm buôn bán, làm vườn, chăn nuôi nhưng không sao lo đủ. Cứ mỗi lần chồng nhập viện, con vào năm học mới là tôi lại đi vay mượn khắp nơi. May nhiều người thương tình nên cứ cho mượn lần này sang lần khác nhưng tôi cũng chẳng thể dựa vào tình thương đó mãi được”, bà Hoa buồn bã tâm sự.

Cách đây khoảng 1 năm, bà Nguyễn Thị Hoa thấy sức khỏe suy giảm, thường xuyên quặn thắt vùng bụng nhưng không đi khám mà chỉ tự mua thuốc uống, nén cơn đau để mưu sinh lo cho cả gia đình. “Tôi buôn bán nhỏ lẻ, chủ yếu là rau, củ, quả trong vườn nên lời lãi chẳng bao nhiêu, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Số nợ ngân hàng, tiền mượn người thân, bà con lối xóm chưa biết khi nào mới trả hết được”, bà Hoa lo lắng.

Để mẹ đỡ vất vả hơn, Quân cùng 3 người anh vừa học, vừa kiếm việc làm thêm. Tuy việc làm thêm tốn nhiều thời gian, mệt nhọc nhưng Quân cùng các anh đều học tập tốt khiến ba mẹ vui lòng.

Lo lắng việc học dừng lại giữa chừng

Trần Thị Thanh Thủy (SN 2004), ở Khóm 2, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đã là sinh viên năm thứ Nhất, Trường Đại học Kinh tế Huế. Hơn một tháng nay kể từ ngày nhập học, cô sinh viên nghèo luôn lo sợ việc học của mình sẽ có thể dừng lại giữa chừng bởi kinh tế gia đình rất khó khăn.

Trần Thị Thanh Thủy luôn chăm chỉ học tập - Ảnh: NVCC

Cách đây 11 năm, bố của Thủy bị tai biến mạch máu não, kèm thêm căn bệnh tiểu đường, mỡ máu nên phải chữa trị dài ngày rất tốn kém. “Hơn chục năm qua, tôi một mình chăm chồng bệnh nặng nằm liệt giường vừa lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học nên kinh tế dần rơi vào kiệt quệ. Tôi làm thuê đủ nghề từ cạo mủ cao su đến bán hàng ở chợ thị trấn nhưng vẫn không đủ trang trải cho cả gia đình. Nợ nần ngày một lớn thêm nhưng vì thương con luôn khát khao việc học nên tôi đành tiếp tục vay mượn để cho cháu đến trường. Cả cuộc đời tôi chưa từng thấy giảng đường đại học như thế nào, bây giờ mong con học hành đến nơi đến chốn”, bà Dương Thị Lành (mẹ của Thủy) giải bày.

Những ngày đầu vào học, Thủy gặp không ít khó khăn bởi tiền nhập học, tiền trọ, ăn ở, sinh hoạt và mua sắm dụng cụ học tập tiêu tốn khá nhiều. “Nếu em không nhanh chóng tìm được công việc làm thêm phù hợp thì khả năng việc học sẽ dừng lại giữa chừng là rất lớn. Mẹ đã quá vất vả nên em muốn đỡ đần một phần để tự chủ hơn trong việc học, sinh hoạt”, Thanh Thủy trầm ngâm.

Hiện nay, sức khỏe bố của Thủy ngày càng xấu đi khiến em lo lắng. Chị Lành ngày đêm túc trực chăm sóc cho chồng nên chẳng làm được gì, trong khi các khoản nợ thì cứ đến hạn trả. Việc học của em trai Thủy cũng gặp không ít khó khăn.

Nỗi lo của cậu sinh viên mồ côi cha

Mấy tháng nay dẫu đã nhập học nhưng cứ cuối tuần là em Hoàng Văn Đức (SN 2004), sinh viên năm thứ Nhất, Trường Đại học Nông lâm Huế lại thu xếp trở về nhà ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa để phụ giúp mẹ việc nương rẫy. “Ba em mất sớm, một mình mẹ hay ốm đau, đặc biệt là căn bệnh gai cột sống nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho 3 chị em ăn học. Gần đây, mẹ thường xuyên nhập viện điều trị dài ngày nên việc nương rẫy không ai làm, rau, củ, quả đến thời kỳ thu hoạch cũng bỏ dở.

Nhiều năm nay, nguồn thu chính của cả gia đình em đều trông chờ vào việc cạo mủ cao su thuê của mẹ và làm nương rẫy, tiền lương ít ỏi từ việc làm công nhân của chị gái. Tổng thu nhập hằng tháng thấp lại khá bấp bênh nhưng phải lo cho cả gia đình, chữa bệnh và trả nợ số tiền vay mượn chữa bệnh cho bố từ nhiều năm trước nên mọi việc đều thiếu trước hụt sau”, Đức bộc bạch.

Hoàng Văn Đức phụ giúp mẹ làm vườn - Ảnh: NVCC

Hiện nay, chị gái của Đức phải từ bỏ công việc ổn định ở miền Nam để về nhà chăm sóc mẹ và làm nương rẫy lo cho Đức học đại học. “Gia đình em vẫn còn một số nợ khá nhiều, mẹ lại hay ốm đau, không thể làm thuê thường xuyên như trước. Việc nương rẫy giao cho chị gái cũng chưa biết ra sao? Trong khi đó chi phí cho việc học, sinh hoạt trong 4 năm em học đại học là quá lớn. Để chặng đường phía trước với bớt chông chênh, em sẽ kiếm việc làm thêm, cố gắng vượt khó đến chừng nào còn có thể”, Đức chia sẻ.

Vượt lên nghịch cảnh

Mồ côi bố, gia đình thuộc diện hộ nghèo và bản thân bị khuyết tật nhưng em Lê Hoàng Liêm (SN 2004), ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đã vượt lên nghịch cảnh để học tập tốt và trở thành sinh viên năm thứ Nhất, Khoa Y, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

Lê Hoàng Liêm say mê học tập - Ảnh: N.B

“Khi mới sinh ra, Liêm đã bị khuyết tật ở khớp háng nên lớn lên việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Trước đây, những tưởng cháu sẽ nghỉ học giữa chừng vì nhiều bất lợi, trường học lại xa nhà nhưng không ngờ Liêm lại vượt khó vươn lên khiến tôi rất tự hào. Vợ chồng tôi cùng 2 con từng có thời gian sinh sống ở miền Nam, khi chồng mất thì tôi mới mang con về quê sinh sống. Tôi không có việc làm ổn định, thu nhập cũng thấp và chỉ quanh quẩn vài ba sào ruộng, làm vườn, chăn nuôi.

Kinh tế quá eo hẹp nên chỉ đủ trang trải việc sinh hoạt cho gia đình và chăm sóc mẹ già gần 80 tuổi thường xuyên đau ốm. Nay Liêm vào đại học, tôi dự định sẽ kiếm việc làm thêm để giúp cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Chừng nào còn khả năng lao động, tôi sẽ gắng hết sức để con mình không dở dang việc học”, bà Phan Thị Bình (mẹ của Liêm) chia sẻ.

Bản thân Liêm bị khuyết tật nên không thể kiếm việc làm thêm dễ dàng như các bạn nhưng cũng đã có kế hoạch làm việc ngoài giờ phù hợp để có tiền chi phí cho học tập, sinh hoạt. Đồng thời, em luôn thể hiện quyết tâm học tập để có thể nhận được học bổng hằng năm của trường nhằm trang trải sinh hoạt, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc học.

(Còn nữa)

Phú Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171876&title=chong-chenh-giang-duong