Chiêm ngưỡng những công trình mang đậm kiến trúc Pháp giữa lòng Hà Nội

Các công trình kiến trúc Pháp cổ mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính, sang trọng mà thanh lịch, góp phần làm nên nét độc đáo riêng biệt của thủ đô.

Vẻ đẹp của những tòa nhà mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp giữa lòng Thủ đô Hà Nội đã khiến nhiều du khách ấn tượng, thích thú. Thời gian có thể làm phai mờ đôi chút những nét hoa văn trang trí tinh tế trên mỗi khung cửa hay trên những mái nhà cổ kính nhưng không thể xóa đi nét độc đáo, tráng lệ của trời Âu giữa một thành phố "nghìn năm văn hiến".

Xen kẽ giữa những công trình mang tính biểu tượng của Việt Nam là những ngôi nhà, biệt thự,... mang đậm dấu ấn Pháp.

Trước đây, thực dân Pháp muốn xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương. Họ xây dựng nhiều công trình mang đặc trưng kiến trúc Pháp. Trải qua các thời kỳ lịch sử, những công trình Pháp xây dựng đã tạo một điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, có giá trị cả về phương diện văn hóa, lịch sử, kiến trúc… đồng thời góp phần tạo nên diện mạo riêng của Hà Nội, vừa cổ kính vừa hiện đại…

Phủ Chủ tịch nằm ngay phía Bắc của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được xây dựng từ năm 1900 đến năm 1906. Công trình kiến trúc tân cổ điển này đã từng là nơi sống và làm việc của tổng đốc Đông Dương. Đến năm 1945, tòa nhà được đổi tên thành Phủ Chủ tịch và được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ quốc gia hoặc tiếp đón các nhà ngoại giao, lãnh đạo nước ngoài.

Nhà thờ Cửa Bắc – một nhà thờ Công giáo La Mã, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội - được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp – Ernest Hébrard. Được xây dựng từ những năm 1925 – 1931, Nhà thờ Cửa Bắc sở hữu nhiều nét độc đáo khi được thiết kế phi đối xứng và mang phong cách Á – Âu (phong cách kiến trúc trang nghiêm và cổ kính).

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thành lập vào ngày 17/7/1956. Đây là công trình điển hình về kiến trúc Thuộc địa Pháp.

Tòa nhà Bộ ngoại giao được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hebrard và mang phong cách Indochine riêng biệt, pha trộn giữa truyền thống phương Đông và hiện đại phương Tây. Công trình từng là trụ sở của Bộ Tài chính Đông Dương và trở thành trụ sở của Bộ Ngoại giao Việt Nam từ 3/10/1945. Đến năm 2016 được công nhận là di tích cấp quốc gia và là một trong những những ví dụ về kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội.

Bốt Hàng Đậu được xây dựng từ năm 1894 với chức năng là cung cấp nước cho người dân trong Khu Phố Cổ. Từ năm 1954, tháp nước đã bị bỏ hoang và giữ nguyên hình dạng ban đầu (sau đó đã nhiều lần được trùng tu, tân trang lại để đảm báo tính thẩm mỹ và an toàn). Sự hiện diện của Bốt Nước Hàng Đậu là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Được xây dựng từ năm 1889 và mang đậm phong cách Pháp, chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ lâu đời và lớn nhất của Hà Nội. Nơi đây vừa là là biểu tượng, nét truyền thống và cũng là niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Cầu Long Biên chính thức được xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương Doumer. Ban đầu cây cầu được đặt theo tên của Paul Doumer nhưng sau giải phóng Thủ đô năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Điều này được lí giải là do cây cầu nằm cách Hoàng thành Thăng Long không xa, nhìn từ đất liền giống như một con rồng đang bay qua sông Hồng.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng là một trong những công trình kiến trúc thuộc địa của Pháp đẹp nhất Hà Nội. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 1926 và khánh thành năm 1932. Chính phủ Việt Nam tiếp quản bảo tàng vào năm 1958 và mở cửa cho du khách vào ngày 3/ 9/1958.

Nhà hát lớn Hà Nội cũng là công trình mang dấu ấn của phong cách kiến trúc châu Âu từ thời kỳ Phục hưng. Nhà hát do người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1911, là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cố điển. Ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít tinh ủng hộ mặt trận Việt Minh; đây cũng là nơi đã diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, vào ngày 2/3/1946...

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956, là một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, đa lĩnh vực. Ngôi trường trước đây là Viện Đại học Đông Dương, do kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard thiết kế năm 1926 theo phong cách kiến trúc Đông Dương và có sự giao thoa của Á – Âu. Năm 1993 Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội thành Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1886–1889 đến năm 1898-1901. Đây là nhà tù được thực dân Pháp sử dụng cho các tù nhân chính trị. Nhà tù Hỏa Lò được biết đến với một cái tên khác là Hanoi Hilton, từng được thực dân Pháp gọi là Maison Centralle có nghĩa là nhà tù trung tâm.

Nhà thờ Lớn là nhà thờ cổ nhất Hà Nội. Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1884 trên khuôn viên chùa Báo Thiên. Đây là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1888. Với lối kiến trúc Gothic tiêu biểu, bên trong Nhà thờ được thiết kế với những ô cửa kính nhiều màu sắc và mái vòm cao, xung quanh là những bức tranh về Chúa Giêsu Kitô.

Khách sạn Metropole Hà Nội được xây dựng vào năm 1901 bởi hai nhà đầu tư người Pháp André Ducamp và Gustave-Émile Dumoutier. Công trình kiến trúc Tân cổ điển này là khách sạn 5 sao đầu tiên cũng như lâu đời nhất ở Hà Nội.

Chỉ vài bước chân từ khách sạn Sofitel Metropole, một dinh thự lớn màu vàng với lá cờ Việt Nam được treo ở mái trước sẽ xuất hiện, đó là Nhà khách Chính phủ. Công trình kiến trúc trang nhã này được xây dựng vào năm 1918, sở hữu vẻ đẹp cổ điển của phong cách kiến trúc Pháp với mặt bằng và mặt tiền đối xứng, mang phong cách Châu Âu đích thực.

Trụ sở ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xây dựng năm 1928 theo phong cách tân cổ điển trước đây là Ngân hàng Đông Dương của Pháp tại Hà Nội. Đến đầu năm 1930, công trình được thiết kế lại theo phong cách art deco.

Cùng ngắm nhìn 15 công trình mang đậm kiến trúc Pháp giữa lòng Hà Nội:

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chiem-nguong-nhung-cong-trinh-mang-dam-kien-truc-phap-giua-long-ha-noi-169221024132008077.htm