Chất lính của một Nhà giáo Nhân dân

Với hành trang '3 không' cùng quyết tâm đổi mới mang đậm chất lính, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền đã xây dựng ngôi trường tiểu học tư thục đầu tiên tại Hà Nội, nổi tiếng về chất lượng giáo dục mang tên Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Bén duyên với ngành giáo dục

“Đỗ đại học là điều tôi chưa từng nghĩ tới và trở thành giáo viên cũng không nằm trong chủ ý của gia đình”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền mở đầu câu chuyện khi nói về cái duyên với nghề “bảng đen, phấn trắng” của mình. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tỷ lệ học sinh đỗ đại học rất thấp, chỉ chiếm 10-15%. “Năm 1963, tôi đăng ký thi vào Khoa Nga văn-Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như là cuộc thi chơi chứ không hy vọng đỗ, thậm chí, gia đình đã tìm cho tôi một chỗ làm ở Nhà máy Dệt 8-3. Ngày trường công bố kết quả thi đại học, tôi không đi xem, cho đến khi bạn bè thông báo đỗ, tôi cũng không dám đến trường vào ban ngày mà chờ đến tối, cầm đèn pin vào trường soi kết quả. Đỗ đại học là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi”, cô Hiền bộc bạch.

“Trên thực tế, tôi bén duyên với nghề dạy học từ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, tôi làm nhiệm vụ phiên dịch kết hợp dạy tiếng Nga cho bộ đội”, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền bồi hồi nhớ lại. Đó là thời điểm xảy ra chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ, cả Hà Nội phải đi sơ tán. Khoa Nga văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Một ngày cuối năm 1965, khi buổi học vừa kết thúc, thầy giáo đọc danh sách sinh viên chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Nghe thầy xướng tên mình, cô vui và tự hào vô cùng. Ngay sau đó, cô cùng các bạn, trong đó có 8 nữ, đi tàu từ Thái Nguyên về Hà Nội, đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (đêm 31-12-1965).

Sau 3 tháng ở Phòng Đối ngoại của Quân chủng Phòng không-Không quân để làm quen với việc dịch kỹ thuật, cô Hiền và một số bạn được phân công về Xưởng Sửa chữa tên lửa A31 ở chợ Bụa, Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhiệm vụ của các nữ sinh viên là phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Liên Xô, hướng dẫn bộ đội phòng không Việt Nam học cách sử dụng khí tài.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Hãy tin rằng mình có thể”. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đến năm 1968, sau gần 3 năm phục vụ trong Quân đội, nữ Trung sĩ Nguyễn Thị Hiền trở về trường đại học tiếp tục học năm cuối.

Tốt nghiệp đại học năm 1969, cô Hiền được cử về Tổ Tâm lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Sau đó, cô học Văn bằng 2 ở Khoa Tâm lý giáo dục rồi mới chính thức dạy môn Giáo dục học ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Đến năm 1979, cô được chuyển về dạy tiếng Nga tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ.

Thay đổi để tồn tại, đổi mới để phát triển

Năm 1997, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền cùng một số đồng nghiệp được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thành lập trường tiểu học dân lập theo mô hình song ngữ của thành phố Hà Nội trên cơ sở các lớp tiểu học thuộc Dự án dạy tăng cường tiếng Pháp của Trường Phổ thông bán công chuyên Ngoại ngữ. Ngày ấy, khái niệm trường dân lập còn rất mới mẻ, không ít người nghi ngại về hiệu quả của mô hình giáo dục này. Trách nhiệm càng đè nặng lên vai khi cô Hiền được tín nhiệm làm Phó hiệu trưởng phụ trách trường. Cơ hội lớn, song cũng đặt ra bao thách thức đối với một giáo viên vốn chỉ biết đến nhiệm vụ hằng ngày là truyền thụ kiến thức cho học sinh. “Từng là người lính, được tôi luyện trong Quân đội đã tạo cho tôi tính kỷ luật và sự quyết đoán. Vì thế, khi được các lãnh đạo Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tin cậy giao thành lập trường tiểu học dân lập, tôi nhận lời dù trong tay chỉ có “3 không”: Không có chuyên môn tiểu học, chưa từng làm quản lý và không có tiền”, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Vậy làm thế nào để vượt qua những trở ngại đó? Từng có thời gian đi học và công tác ở nước ngoài, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền cảm nhận người Việt Nam có hai điểm yếu: Đó là ngoại ngữ và kỹ năng. Do đó, cô cho rằng cần phải đào tạo ngoại ngữ ngay từ bậc tiểu học, bên cạnh đó hướng tới đào tạo kỹ năng công dân toàn cầu. Khi có ngoại ngữ và kỹ năng công dân toàn cầu, người Việt Nam có thể làm việc ở mọi nơi trên thế giới. Với kinh nghiệm trên cùng sự tin cậy của phụ huynh, cô Hiền và các đồng nghiệp đã tìm ra những điểm mới phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh học sinh và sự phát triển của xã hội mà các trường công lập chưa có điều kiện làm. Quan điểm của cô là “thay đổi để tồn tại, đổi mới để phát triển”. Vì thế, dạy ngoại ngữ cho học sinh cấp tiểu học, tổ chức ăn bán trú, xe đưa đón và các hoạt động trải nghiệm cho học sinh đã được triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập.

Ngày 7-5-1997, UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. “Việc đặt tên trường cũng là câu chuyện đáng nhớ. Ban đầu, tôi muốn đặt tên là Trường Tiểu học chuyên ngoại ngữ nhưng Sở Giáo dục Hà Nội không chấp nhận vì chỉ có cấp 3 mới được gọi là trường chuyên. Một số người khuyên tôi đặt tên trường theo tên danh nhân. Cũng từ đó, ý tưởng đặt tên “Đoàn Thị Điểm”-là tên con phố ngày xưa tôi từng ở-bất chợt lóe lên. Tên trường Đoàn Thị Điểm đã được Sở Giáo dục Hà Nội chấp thuận...”, cô Hiền chia sẻ.

Thế nhưng, vài tháng sau khi Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ chính thức trở thành trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội với tên mới là Trường Đại học Ngoại ngữ, khó khăn lại ập tới. Ngôi trường tiểu học mới ra đời với 14 lớp, hơn 500 học sinh và 50 cán bộ, giáo viên không có chỗ dạy học. “Bà Hiền”-học sinh vẫn thường gọi bà với cái tên trìu mến ấy-gần như rơi vào đường cùng. Ánh sáng le lói cuối đường hầm khi phụ huynh gợi ý bà đi thuê trụ sở ở quận Cầu Giấy làm địa điểm dạy học. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn.

Trong giai đoạn khó khăn đủ bề, một biến cố lớn trong đời xảy ra với gia đình bà. Bệnh tật đã lấy đi người con gái đầu lòng, bà Hiền gần như suy sụp, không còn thiết tha bất cứ công việc gì. Nhưng cũng trong những ngày tháng khó khăn ấy, khi được đọc cuốn sách “Chân dung những nhà giáo ưu tú Việt Nam”, bà như bừng tỉnh. Quyết tâm không để gián đoạn việc học của học sinh, bà quyết định tìm đất xây trường mới. Nhờ sự hỗ trợ của các phụ huynh, cổ đông, sự đồng lòng của giáo viên, ngôi trường mang tên “Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm” đã có địa điểm khang trang, hiện đại tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội từ năm học 2003-2004.

Khác biệt để đi trước đón đầu

Với phương châm “khác biệt để đi trước đón đầu”, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm-Hà Nội luôn tiên phong trong môi trường giáo dục linh hoạt, hướng tới học sinh. Đến nay, hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm có đủ 3 cấp học và 4 cơ sở khang trang, hiện đại tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Nhà trường luôn là nơi nuôi dưỡng tiềm năng của học sinh, chắp cánh ước mơ cho trẻ nhỏ... Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức hàng chục đoàn giáo viên, học sinh tham quan học tập tại Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Singapore... Ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong 25 năm qua, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm-Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Chính phủ, TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều thành tích của giáo viên, học sinh được ghi nhận.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm của một người lính, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền đã lãnh đạo, xây dựng nhà trường phát triển nhanh về số lượng và chất lượng đào tạo. Bà đã được trao nhiều danh hiệu: Nhà giáo Ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, công dân Thủ đô ưu tú, Nhà giáo Nhân dân với ghi nhận là người có công trong việc xây dựng mô hình giáo dục tư thục với những đổi mới thiết thực.

Trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Hãy tin rằng mình có thể” của mình nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2022), Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm-Hà Nội đã chia sẻ: “Dù chặng đường phía trước còn nhiều thử thách nhưng với những thành tựu đã đạt được, với sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp và sự đồng hành của phụ huynh học sinh và toàn xã hội, với tình yêu nghề và nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ giáo viên, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm-Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công và phát triển bền vững”.

PHƯƠNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/chat-linh-cua-mot-nha-giao-nhan-dan-720639