Căn bệnh khiến cô gái 25 tuổi chỉ nặng 30kg

Cô gái 25 tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 1 vào bệnh viện cấp cứu với chỉ số đường huyết cao kèm nhiều biến chứng ở thận, mắt.

Chị L.N.B (25 tuổi, trú tại Hưng Yên) được chẩn đoán đái tháo đường type 1 đã điều trị tại địa phương. Gần đây, chị B. tự đo đường huyết thấy chỉ số tăng cao, mệt mỏi nên đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) khám.

Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Thùy Linh, Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, cho biết, khi vào viện, bệnh nhân B. có chỉ số đường huyết cao tới 14,4 mmol/l kèm theo nhiều biến chứng mắt, thận và thần kinh do đái tháo đường.

Theo bác sĩ Linh, chị B. chưa tuân thủ điều trị và dinh dưỡng, thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường type 1. Bác sĩ đã nhanh chóng kê thuốc để hạ đường huyết và bổ sung dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân đã đạt chỉ số đường huyết ổn định, cân nặng tăng 1kg.

Bác sĩ Linh tư vấn dinh dưỡng cho chị B. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, bệnh đái tháo đường type 1 xuất hiện chủ yếu ở trẻ em, thanh thiếu niên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị không đúng, chưa hiểu về bệnh dẫn đến đường huyết tăng cao hoặc hạ thấp, biến chứng mắt, thận như chị B. rất nhiều.

Bệnh đái tháo đường type 1 nguy hiểm và cần tư vấn kỹ cho người bệnh và cả gia đình. Nếu điều trị không đúng có thể dẫn tới tăng đường huyết do ăn quá nhiều tinh bột hoặc hạ đường huyết do tiêm insulin không đúng cách. Những sai lầm phổ biến gồm tiêm insulin với liều lượng cao, thời điểm xa bữa ăn hoặc kỹ thuật chưa đúng khiến hấp thu insulin quá nhanh dẫn đến hạ đường huyết.

Các bác sĩ tư vấn cần có thực đơn dinh dưỡng chuẩn với từng bệnh nhân, thời gian vận động. Không cần bỏ hoàn toàn tinh bột, có thể thay đổi cơm, bún, miến, phở hằng ngày.

Những thực phẩm tốt gồm gạo lứt, bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên cám, trái cây ít tăng đường huyết như thanh long, dưa chuột, ổi, táo ta… Người bị đái tháo đường cần ăn tối thiểu 400-500g rau xanh mỗi ngày, hạn chế tăng đường huyết.

Bác sĩ Linh khuyến cáo, bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh nhưng type 1 gần như không thể ngăn ngừa được. Người dân cần chú ý các triệu chứng của tăng đường huyết như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, đặc biệt là trẻ em.

Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường type 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ mắc bệnh và cần theo dõi, điều trị sát sao.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), trên thế giới hiện có khoảng 463 triệu người mắc đái tháo đường và dự kiến đến năm 2030 là 578 triệu ca. Trung bình, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 ca mắc mới, cứ sau 8 giây có 1 người tử vong do căn bệnh này.

Tại Việt Nam, 3,53 triệu người đang mắc bệnh, mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng có liên quan. Dự báo con số này có thể tăng lên đến 6,3 triệu vào năm 2045.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-25-tuoi-nang-30kg-suy-kiet-vi-duong-huyet-tang-2274837.html