Các doanh nhân tiêu biểu của ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân vừa được thành lập, trong đó ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty FPT làm Trưởng ban, và ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, làm Phó ban.

Thủ tướng Chính phủ vừa qua cho phép thành lập Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân. Ban này có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính

Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956, tại Nghệ An. Ông từng theo học Đại học Lomonosov, CHLB Nga, năm 1979. Tiến sĩ Toán Lý, Đại học Tổng hợp Lomonosov, CHLB Nga, năm 1982. Ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991 tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT. FPT hiện diện tại 21 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm: Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Slovakia, Singapore, Úc, Philippines, Lào, Thái Lan, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Kuwait, Malaysia, Myanmar. Ở Việt Nam, FPT hiện diện tại 63/63 tỉnh thành. Công ty đặt trụ sở chính tại Tòa nhà FPT, lô B2 phố Duy Tân, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội có 8 công ty thành viên và 2 công ty liên kết.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới - thành viên.

Ông Don Di Lam sinh năm 1967, quốc tịch Canada. Ông là đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn VinaCapital. Năm 2003, VinaCapital quản lý một quỹ trị giá 10 triệu USD. Cho đến nay, tập đoàn này đã trở thành một tổ chức đầu tư đang quản lý bốn quỹ trị giá trên 2,2 tỷ USD và cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp và bất động sản.

Với nhiều năm kinh nghiệm, Don là một chuyên viên về đầu tư, sáp nhập và mua lại, tái cơ cấu doanh nghiệp và tư nhân. Ông là một diễn giả thường xuyên tại các cuộc hội thảo đầu tư quốc tế và được xem như “Mr. Wall Street “trong tạp chí Fortune. Don có bằng Cử nhân Thương mại và khoa học chính trị của Đại học Toronto, Canada và là một thành viên của Viện Kế toán của Canada.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương

Ông Mai Hữu Tín sinh năm 1969 tại Bình Dương, ông có học vị Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nam California. Ông từng là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 4 (nhiệm kỳ 2011-2014), Đại biểu Quốc hội khóa 12. Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup).

Được biết, ông Mai Hữu Tín từng có thời gian công tác ở Ngân hàng TMCP Kiên Long. Năm 2017, ông Tín là Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Trong mấy năm gần đây, công ty này hoạt động trong khó khăn. Mới đây, Gỗ Trường Thành mới bị cảnh báo về khả năng bị hủy niêm yết, nếu kết quả kinh doanh thời gian tới không khả quan.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận - thành viên

Ông Nguyễn Hoàng Anh đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung. Công ty gần 20 năm tuổi này có 6 cơ sở sản xuất tôm giống từ Nghệ An đến Bạc Liêu với tổng diện tích 30 ha, tổng công suất thiết kế sản xuất 12 tỷ con tôm giống. Nhìn vào thành quả ngày hôm nay, người ít biết về doanh nhân này khó tin hành trình từ cậu bé nghèo làng chài ven biển “lột xác” trở thành doanh nhân thành đạt là sự thật.

Công ty của doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh sở hữu quy mô 7 cơ sở sản xuất tôm giống đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất tôm giống từ 10-12 tỷ con giống/năm và 30 ao nuôi tôm thịt với diện tích 30 ha. Mỗi năm, công ty cung cấp 6 tỷ con giống và gần 1 ngàn tấn tôm thịt cho thị trường từ Bắc tới Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Anh từng phát biểu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam rằng, con số 3-4 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm chưa phản ánh hết tiềm năng của ngành tôm. Nếu được đầu tư bài bản, ngành tôm hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch 10 tỷ USD/năm.

Ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban cố vấn Diễn đàn kinh tế tư nhân

Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959. Ông tốt nghiệp Kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Cử nhân kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện nay, ông Vũ Văn Tiền đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco); Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình; thành viên Ban cố vấn Diễn đàn kinh tế tư nhân.

Thành lập từ năm 1993, Geleximco thuở ban đầu chỉ có vốn 2,5 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này có số vốn điều lệ đạt 6.000 tỷ đồng, gấp hơn 2.400 lần.

Trong phiên đầu buổi đối thoại tại diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2/2017, ông Vũ Văn Tiền cho biết: Doanh nghiệp tư nhân khi sinh ra đã là tâm huyết của doanh nhân. Chúng tôi khát khao cống hiến cho sự nghiệp của chính mình, cho xã hội. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào ngoài hành động, nên đến giờ này, doanh nghiệp tư nhân rất xúc động khi được xã hội, chính phủ đánh giá cao.

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch - thành viên

Ông Trần Trọng Kiên sinh năm 1973. Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ngành Bác sĩ đa khoa thực hành. Ông Kiên cũng được Đại học Tổng hợp Hawaii cấp chứng nhận Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.

Hiện nay, ông Trần Trọng Kiên giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh. Trải qua hơn 23 năm hình thành và phát triển, công ty đã trở thành một trong những tập đoàn du lịch khách sạn hàng đầu trong khu vực.

Ngoài ra, ông Kiên còn là thành viên trong ban quản trị của một số tổ chức khác như: Ngân hàng TMCP Á Châu, Đại học Fulbright Việt Nam, Vinaland, Hiệp hội Du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cac-doanh-nhan-tieu-bieu-cua-ban-nghien-cuu-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d62228.html