Bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa: Tuyển nữ khó tìm nguồn kế cận

Những năm qua, bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa nói chung, đội tuyển nữ nói riêng gặt hái được nhiều thành tích huy chương cho ngành Thể thao tỉnh. Mặc dù hàng năm, đội tuyển luôn chú trọng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng tuyến trẻ, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vận động viên (VĐV) kế cận.

Đội tuyển nữ bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa khó tìm nguồn kế cận.

Trong vòng 10 năm qua, bóng chuyền bãi biển là một trong số ít môn thể thao giữ vững thành tích huy chương cho thể thao thành tích cao Khánh Hòa tại các giải đấu quốc gia. Nổi bật, trong 2 kỳ đại hội thể thao toàn quốc gần đây nhất (lần thứ VIII - năm 2018, lần thứ IX - năm 2022), các VĐV đội tuyển bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa đều xuất sắc giành huy chương vàng. Mới đây nhất, tại giải vô địch quốc gia bóng chuyền bãi biển 4 x 4 diễn ra ở Cần Thơ, đội tuyển nữ Sanvinest Khánh Hòa cũng đăng quang ngôi vô địch, qua đó nối dài chuỗi thành tích 4 lần liên tiếp vô địch nội dung thi đấu này. Với Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa, thành tích này rất đáng tự hào nhưng cũng có nhiều áp lực. Ông Nguyễn Trọng Quốc - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền bãi biển Sanvinest Khánh Hòa cho hay: “Hiện nay, đội tuyển đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn VĐV kế cận, nhất là ở đội tuyển nữ. Hiện tuyển nữ Khánh Hòa có 9 VĐV, song thành tích huy chương chủ yếu dựa vào những gương mặt trụ cột: Thanh Trâm, Tường Vy, Lan Nguyên, Tuyết Vân. Nếu 1 hoặc 2 VĐV gặp chấn thương, hay lý do sức khỏe sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của đội".

Hàng năm, thông qua kênh “vệ tinh” từ các địa phương, trường học, đội tuyển cũng tập trung cho công tác tìm kiếm nguồn VĐV tuyến trẻ để đào tạo, bồi dưỡng song số lượng rất hạn chế. 5 năm qua, đội nữ chỉ tuyển được 4 VĐV trẻ. Các VĐV trẻ muốn có được thành công như đàn anh, đàn chị cần thời gian dài để rèn luyện, không thể một sớm một chiều. Theo tìm hiểu, công tác tuyển chọn VĐV trẻ của ngành Thể thao tỉnh nói chung, môn bóng chuyền bãi biển nói riêng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh việc tập luyện cực khổ, chế độ đãi ngộ thấp, không dễ sống với nghề đã khiến nhiều bạn trẻ có tiềm năng không muốn dấn thân vào nghiệp thể thao. Chẳng hạn, đối với VĐV tuyển nữ bóng chuyền bãi biển, để có được thành tích huy chương ở các giải quốc gia, kỳ đại hội thể thao toàn quốc, hàng ngày họ phải tập luyện rất vất vả trên sân cát ngoài trời, giữa trưa nắng, gió... Nhưng ngược lại, phần thưởng họ đạt được lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Đơn cử mới đây nhất, phần thưởng đội tuyển bóng chuyền bãi biển nữ Sanvinest Khánh Hòa (trong đó có 4 VĐV thi đấu chính thức, 2 VĐV dự bị) nhận được tại giải vô địch quốc gia 4 x 4 tại Cần Thơ chỉ với 10 triệu đồng; Tường Vy đạt danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải đấu với phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Như vậy, số tiền thưởng giải quốc gia chia cho số thành viên đội tuyển thì mỗi VĐV chỉ được 1,5 triệu đồng.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, các chế độ, chính sách đãi ngộ VĐV thành tích cao của tỉnh những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Riêng đội tuyển bóng chuyền bãi biển Sanvinest Khánh Hòa đã nhận được sự hỗ trợ lớn về kinh phí của nhà tài trợ Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa nên các VĐV có thể có thêm động lực theo đuổi với nghề, tiếp tục cống hiến. Nhưng nếu đem so sánh với mặt bằng chung và đặc thù riêng của môn bóng chuyền bãi biển, những gì các VĐV “bỏ ra, nhận lại” vẫn chưa tương xứng và điều đó khiến công tác tuyển chọn đầu vào gặp nhiều khó khăn.

AN NHIÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-trong-nuoc/202312/bong-chuyen-bai-bien-khanh-hoatuyen-nu-kho-tim-nguonke-can-54f52b1/