Người chèo lái 'con thuyền' cầu mây nữ Việt Nam

Trong làng cầu mây Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Trần Thị Vui được nhiều người biết đến bởi chị đã dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia giành nhiều huy chương danh giá ở các giải châu lục, thế giới. Ít ai biết rằng, trước khi trở thành HLV bộ môn này, chị từng là vận động viên (VĐV) đá cầu nổi tiếng, 'làm mưa, làm gió' ở nhiều đấu trường.

Trưởng thành từ đá cầu

Mặc dù rất bận với công tác huấn luyện song HLV Trần Thị Vui vẫn dành thời gian tâm sự với phóng viên về sự nghiệp thể thao của mình. Chị sinh năm 1978, quê ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang). Lúc 6 tuổi, cô bé Vui đã bộc lộ năng khiếu đá cầu rất giỏi. Khi mới 12 tuổi, Vui giành 2 Huy chương Vàng (HCV) tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Hà Bắc. Năm 1991, Vui được chọn vào đội tuyển đá cầu của tỉnh - là VĐV chuyên nghiệp.

HLV Trần Thị Vui (thứ 4 từ trái sang) cùng Ban huấn luyện và các VĐV nữ tham dự Giải Cầu mây thế giới năm 2023 tổ chức tại Thái Lan.

Sau 2 năm theo đuổi sự nghiệp thi đấu thể thao đỉnh cao, Trần Thị Vui đã trở thành nhà vô địch đá cầu đơn nữ của Việt Nam. 6 năm gắn bó với bộ môn này, nữ VĐV đã có bộ sưu tập thành tích đáng nể với 2 lần giành HCV cá nhân giải quốc gia, trong đó có 1 HCV giành được khi mới 15 tuổi, cùng hàng chục huy chương ở các giải trẻ, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Ông Ngô Văn Bình, nguyên HLV bộ môn đá cầu - người từng có 7 năm kèm cặp, dìu dắt Trần Thị Vui môn đá cầu nhận xét: "So với các VĐV trong đội tuyển đá cầu của tỉnh, Vui có năng khiếu nổi trội; kỹ thuật đỡ, miết, quét cầu khéo, điêu luyện; tầm quan sát, ý đồ chiến thuật rất tốt; các pha dứt điểm hiểm hóc, gây bất ngờ với đối phương. Ngày đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thầy trò phải tập ở sân gạch song Trần Thị Vui đã khẳng định được bản thân khi giành nhiều HCV ở các giải quốc gia".

Năm 19 tuổi, sự nghiệp đá cầu đang ở đỉnh cao, Trần Thị Vui chuyển sang tập luyện cầu mây khi môn này du nhập về Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, chị "kết duyên" với môn thể thao mới mẻ này và tạo những bước đột phá trong sự nghiệp. Từ năm 1998 đến 2003, tại hầu hết giải đấu khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam thường xuyên giành thành tích cao, trong đó, năm 2000, nữ VĐV quê Bắc Giang và đồng đội lên ngôi vô địch thế giới nội dung đội tuyển 3 người. Cũng sau 6 năm chơi cầu mây, đẳng cấp của chị được nâng lên khi trở thành kiện tướng quốc tế với hàng loạt huy chương, nổi bật là chức vô địch thế giới, Huy chương Bạc (HCB) Asiad 1998, 2002; HCB SEA Games 2003…

Mong muốn đưa cầu mây tới các địa phương, năm 1998, Trần Thị Vui đề xuất thành lập bộ môn cầu mây tỉnh Bắc Giang, chị là VĐV kiêm hướng dẫn viên. Từ đây, đội tuyển cầu mây nữ tỉnh Bắc Giang ra đời, phát triển mạnh mẽ với đỉnh cao là 4 tấm HCV ở các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 và 2014.

Năm 2003, Trần Thị Vui chính thức nghỉ thi đấu, tập trung theo đuổi sự nghiệp huấn luyện. Trước khi trở thành HLV trưởng đội tuyển cầu mây nữ quốc gia, chị giữ các vị trí: HLV cầu mây Bắc Giang - HLV đội trẻ TP Hà Nội - cộng tác với Bộ Công an - phụ trách đội tuyển trẻ cầu mây Việt Nam.

Dù thay đổi công việc khá nhiều nhưng chị vẫn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Sự ham học hỏi, tận tâm, tận lực với công việc giúp chị gặt hái thành công, điển hình là đưa các học trò giành ngôi Á quân nội dung đôi nữ tại SEA Games 29 năm 2017 (sau 10 năm cầu mây nữ Việt Nam mới có được HCB tại đấu trường này); giành 1 HCB đôi nữ, 1 HCĐ đồng đội nữ ở King’Cup (tương đương giải vô địch thế giới) diễn ra cùng năm. Trước đó, khi còn là trợ lý ở đội tuyển, chị góp công sức không nhỏ vào thành tích giành 2 HCV King’Cup năm 2016.

Trong thi đấu, những điểm mạnh của VĐV Trần Thị Vui là sự điềm tĩnh kết hợp quyết tâm cao. Trong công tác huấn luyện, ngoài các phương pháp chuyên môn bảo đảm khoa học, chặt chẽ, HLV Trần Thị Vui luôn truyền cảm hứng cho học trò, giúp các VĐV nâng cao ý thức, trách nhiệm chuyên môn, có tinh thần mạnh mẽ, không lùi bước trước mỗi trận đấu.

Gặt hái những mùa vàng

Năm 2023 được coi là năm gặt hái huy chương của đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam. Thành công có được không chỉ bởi sự khổ luyện, quyết tâm của các VĐV mà còn phải kể đến sự hy sinh thầm lặng của HLV Trần Thị Vui. Tại Asiad 19 tổ chức ở Trung Quốc cuối năm 2023, trong trận chung kết, dù thua Indonesia với tỷ số18-21 ở set 1, đội nữ Việt Nam đã ngược dòng ngoạn mục, đánh bại đối thủ đầy kinh nghiệm với các tỷ số 21-18 và 21-14 ở 2 set sau, giành HCV.

HLV Trần Thị Vui.

Sau 17 năm chờ đợi, kể từ Asiad 2006, cầu mây Việt Nam mới có thêm tấm HCV quý giá ở Asiad. Đặc biệt hơn, tấm huy chương này còn giúp đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại Asiad 19. HLV Trần Thị Vui cho biết: "Trước đây, cầu mây nữ Việt Nam thua không phải vì trình độ mà do tinh thần các VĐV chưa đủ mạnh mẽ. Nhưng tại Asiad 19, tôi đã sốc lại tinh thần cho các học trò. Đó là một trong những chất xúc tác giúp các cô gái Việt Nam chơi ngày càng hưng phấn.

Các VĐV đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành chiến thắng". Trước đó, tháng 7/2023 tại Thái Lan, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam giành HCV Giải Cầu mây thế giới, nội dung đội tuyển 4 người. Đến với SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023, các cô gái đội tuyển cầu mây Việt Nam giành 1 HCV nội dung đôi nữ sau 22 năm tham gia SEA Games. Năm 2024, đội tuyển cầu mây nữ quốc gia sẽ tham dự Giải Cầu mây thế giới dự kiến tổ chức vào tháng 9 và Đại hội Thể thao trong nhà châu Á tổ chức vào tháng 11 với mục tiêu giành HCV. Những ngày này, HLV Trần Thị Vui đang tập trung cao cho công tác huấn luyện đội tuyển.

Mặc dù làm HLV trưởng đội tuyển cầu mây nữ quốc gia nhiều năm, công việc bận rộn song trong lòng chị luôn hướng về quê hương Bắc Giang, luôn biết ơn những người đã kèm cặp, giúp đỡ để chị có cơ hội được thi đấu, cống hiến trong màu áo của đội tuyển đá cầu - cầu mây Bắc Giang một thời. Đó là điểm tựa, nền tảng hình thành nên tính cách, kinh nghiệm và bản lĩnh, giúp chị tự tin, vững vàng trong công tác huấn luyện. Đồng thời chị vẫn luôn theo sát những bước đi của cầu mây Bắc Giang.

HLV Trần Thị Vui chia sẻ, đội tuyển cầu mây nữ của Bắc Giang có tiềm năng phát triển song do ít được thi đấu, tập huấn, giao lưu nên chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Mặc dù hiện tại đang sinh sống ở Hà Nội, nếu có cơ hội, chị sẵn sàng về Bắc Giang giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn chuyên môn để cầu mây Bắc Giang bay cao và vươn xa.

Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguoi-cheo-lai-con-thuyen-cau-may-nu-viet-nam-074849.bbg