Bốn dinh thự của vua Bảo Đại ở phố núi Đà Lạt giờ ra sao?

Lúc sinh thời, cựu hoàng Bảo Đại đã sở hữu nhiều dinh thự nguy nga, tráng lệ ở thành phố Đà Lạt. Những công trình này ngày nay được sử dụng vào mục đích gì?

1. Nằm trên đường Trần Quang Diệu ở phường 10 của TP Đà Lạt, Dinh 1 Bảo Đại do một triệu phú người Pháp tên là Robert Clément Bourgery xây dựng vào năm 1940 trên khu đất rộng khoảng 60 ha có địa thế đẹp.

Sau khi người Pháp trở lại nắm quyền (1948), cựu hoàng Bảo Đại về nước vào năm 1949. Ông đã bỏ ra 500.000 đồng tiền Đông Dương để mua lại ngôi biệt thự của Paul Dary và cho sửa sang lại toàn bộ nhằm có nơi làm việc tại Đà Lạt.

Năm 1950, Hoàng triều Cương thổ - vùng đất Tây Nguyên hưởng quy chế hành chính đặc biệt với Bảo Đại là hoàng đế được thành lập. Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ và Dinh 1 trở thành "ngự điện" của Bảo Đại, nơi ông đặt bộ máy quản lý của mình.

Sau các thăng trầm lịch sử, Dinh 1 vẫn được bảo tồn, nhưng các đồ vật gắn với quãng thời gian cựu hoàng Bảo Đại từng ở đây thì không còn. Trong những năm gần đây, công trình đã được cải tạo để mở cửa phục vụ khách tham quan.

2. Tọa lạc ở 12 Trần Hưng Đạo, Phường 10, TP Đà Lạt, Dinh 2 Bảo Đại được xây từ năm 1933. Đây là một "tòa lâu đài" tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng do các kiến trúc sư A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế, kiến trúc sư P. Foinet trang trí nội thất.

Dù tòa nhà từng thuộc quyền sở hữu của vua Bảo Đại nhưng thực tế ông rất ít khi lui tới đây. Công trình được biết nhiều hơn với tư cách là chỗ làm việc của ông Jean Decoux, toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1940-1945. Vì điều này, Dinh 2 còn được gọi là Dinh Toàn Quyền.

So với Dinh 1, Dinh 2 rộng hơn, tráng lệ hơn và hiện đại hơn. Đây cũng được coi là tòa dinh thự cổ có vị trí đắc địa bậc nhất Đà Lạt. Từ khuôn viên của Dinh có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương thấp thoáng qua rừng thông.

Hiện nay, Dinh 2 được sử dụng làm nhà khách của Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Khách du lịch có thể mua vé vào tham quan Dinh hoặc sử dụng dịch vụ nhà hàng ở di tích này.

3. Nằm ở số 1 đường Triệu Việt Vương, thuộc phường 4 TP Đà Lạt, Dinh 3 Bảo Đại được xây trong khoảng từ năm 1933-1938. Tương tự như Dinh 2, Dinh 3 là một công trình kiến trúc đồ sộ với hàng chục phòng. Xung quanh Dinh là những vườn hoa được thiết kế theo phong cách châu Âu.

Từ năm 1938 – 1945, dinh thự này là nơi vua Bảo Đại cùng gia đình đến nghỉ mát, săn bắn vào mỗi mùa hè. Từ năm 1949 – 1954, cựu hoàng Bảo Đại cũng sinh sống ở Dinh khi làm Quốc trưởng.

Tầng dưới của Dinh dùng làm nơi làm việc, hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ. Phòng làm việc của vua Bảo Đại ở tầng này được giữ nguyên như khi ông còn sinh sống với bàn làm việc, điện thoại, bốn thanh kiếm của thị vệ đại thần, ấn tín quân sự, ngọc tỷ...

Toàn bộ tầng 2 được dành cho sinh hoạt gia đình của vị vua cuối cùng trong sử Việt. Ngày nay Dinh 3 Bảo Đại là một trong những địa điểm du lịch hút khách nhất của TP Đà Lạt.

4. Tại số 1A và 1B đường Quang Trung, phường 9 TP Đà Lạt có một tòa biệt thự mang kiểu dáng kiến trúc rất độc đáo. Được xây dựng vào năm 1928, mô phỏng kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha, biệt thự này gồm hai ngôi nhà tách biệt được nối liền bằng một hành lang bán nguyệt.

Công trình vốn thuộc sở hữu của một quan chức Pháp. Năm 1950, khi mới về nước để làm Quốc trưởng, vua Bảo Đại đã mua lại tòa nhà này để tặng cho thứ phi Phi Ánh - một nhân tình của ông. Từ đó, biệt thự đá còn có tên gọi là “biệt thự Phi Ánh”.

Trong thời gian sinh sống tại đây, vua Bảo Đại và bà Phi Ánh có với nhau hai người con: Con gái Nguyễn Phúc Phương Minh và con trai Nguyễn Phúc Bảo Ân. Sau khi Bảo Đại bị phế truất, bà Phi Ánh đã lấy chồng sau đi nơi khác sống. Công trình rơi vào cảnh hoang tàn trong hàng chục năm.

Những năm gần đây, chính quyền TP Đà Lạt đã cho một công ty thuê lại biệt thự để trùng tu khai thác du lịch. Biệt thự Phi Ánh đã thoát khỏi cảnh hoang phế để trở thành một nhà hàng sang trọng.

Mời quý độc giả xem video: Mộng mơ thành phố ngàn hoa Đà Lạt | VTV Review.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bon-dinh-thu-cua-vua-bao-dai-o-pho-nui-da-lat-gio-ra-sao-1909390.html