Đề xuất làm 'đảo vườn nổi' giữa sông Sài Gòn

Liên danh tư vấn AVSE Global cùng IPR đã đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn, đây là ý tưởng mới được nêu trong báo cáo quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TP.HCM.

Đề xuất làm “đảo vườn nổi” giữ sông Sài Gòn là ý tưởng mới được nêu trong báo cáo quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TP.HCM do Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng tác giả.

Theo nghiên cứu của liên danh tư vấn, dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau, nên nhóm đề xuất chia làm 4 phân khu để phát triển dựa trên những lợi thế và đặc trưng riêng ở mỗi khu vực. Việc xây dựng các đảo nối giữa dòng sông thuộc phân khu thứ 4- vùng lõi giao giữa quận 1 và Thủ Thiêm.

 Phối cảnh các cầu đi bộ kết nối xuống đảo vườn (Ảnh: Liên danh tư vấn)

Phối cảnh các cầu đi bộ kết nối xuống đảo vườn (Ảnh: Liên danh tư vấn)

Nhóm cũng đề xuất ý tưởng riêng nhằm tạo nên "dòng chảy cơ hội", một động lực phát triển mới cho sông Sài Gòn. Trong đó, phân khu trung tâm, chảy dọc từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm, được nhóm nghiên cứu nhận định là khu vực lý tưởng để phát triển “sân khấu sông đô thị” sôi động. Khu vực này sẽ có các không gian cộng đồng chất lượng cao dọc và ngang hai bờ sông, tạo điểm nhấn và sức hút mới cho thành phố.

Theo nhóm nghiên cứu, bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ trở thành những địa điểm hàng đầu trong khu vực đô thị này. Sự nổi bật của các địa điểm này sẽ được nâng cao hơn nữa nếu hai bờ sông được kết nối liền mạch thông qua nhiều điểm giao nhau.

Do đó, nhóm đề xuất phát triển ở đây một số loại “bậc thang kiểu Nhật” dưới dạng “đảo vườn” nổi hoặc cố định, được liên kết với nhau và nối với bờ bằng cầu dành cho người đi bộ. Quá trình tái tạo đô thị tích hợp này sẽ không chỉ mang lại các hoạt động mới mà còn cung cấp không gian mới cho cây xanh và người đi bộ, cùng với tuyến xe điện chạy dọc bờ sông. Điều này không chỉ làm khu vực lõi của đô thị trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn mà còn giúp ứng phó với các đợt nắng nóng và thủy triều cao trong tương lai.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, ở hạ nguồn, khu công nghiệp Tân Thuận và cảng được đề xuất chuyển đổi thành trung tâm đổi mới và sản xuất công nghệ xanh, phát triển đô thị bền vững. Cuối cùng là đoạn hợp lưu sông Sài Gòn qua quận 7, Nhà Bè được đề xuất bảo tồn không gian tự nhiên, tạo cảnh quan cho du khách.

 Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm đảo vườn. Đồ họa: Khánh Hoàng

Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm đảo vườn. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ở ba phân khu còn lại, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các hướng quy hoạch mới. Theo đó, phân khu một ở cuối sông Sài Gòn băng qua huyện Củ Chi nối thị xã Bến Cát (Bình Dương). Nhóm nghiên cứu dự định phát triển một hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.

Ở phân khu 2, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.

Tại phân khu 3 (khu vực Thanh Đa - Thảo Điền), nhóm đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha. Hai khu này liên kết với nhau bằng tuyến cáp treo công suất cao.

Bắt đầu tại ga Metro Phước Long, cáp treo sẽ có các điểm dừng ở Trung tâm bán đảo Thanh Đa, nơi tập trung các dịch vụ, cửa hàng trung tâm… tích hợp thành một làng nghề truyền thống.

Cuối cùng tuyến cáp treo kéo dài đến ga Bình Triệu sau khi nâng cấp tuyến đường sắt để phục vụ các đoàn tàu đi ngoại thành.

Được biết TP.HCM đang điểu chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Trong đó, sông Sài Gòn được xác định là trung tâm và điểm nhấn trong các quy hoạch này. Tháng 6 năm ngoái, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác ở Thành phố cũng đi tham quan sông Senine, học kinh nghiệm quy hoạch phát triển ở dòng sông nổi tiếng này.

Những đảo vườn sẽ đảm nhận vai trò là điểm "dừng chân", kết nối các cầu đi bộ khi được thành phố bổ sung xây dựng. Ý tưởng này nhằm tạo liên kết, thu hẹp không gian hai bờ khi mặt sông Sài Gòn ở khu vực này rộng khoảng 250 m - khoảng cách lớn hơn nhiều các dòng sông đã được quy hoạch bài bản như sông Seine (Pháp) hay Singapore.

Liên danh tư vấn cũng gợi ý những đảo này có thể xây cố định hoặc nổi, bố trí gần bờ nơi có dòng chảy chậm, hạn chế ảnh hưởng đi lại của tàu thuyền. Trên đảo có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, quán cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi... giúp tăng trải nghiệm vượt sông cũng như tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn cho khu trung tâm.

Thùy Trinh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-lam-dao-vuon-noi-giua-song-sai-gon-88041.html