Bí ẩn đường kẻ thẳng tắp trên sa mạc Bolivia khiến chuyên gia 'rối não'

Sa mạc ở phía Tây Bolivia hấp dẫn giới nghiên cứu bởi hàng nghìn đường thẳng bí ẩn. Những đường kẻ thẳng tắp này hằn sâu trên mặt đất và được cho có từ hơn 1.000 năm trước.

Hàng nghìn đường thẳng bí ẩn ở sa mạc phía Tây Bolivia khiến giới chuyên gia "vắt óc" đi tìm lời giải trong suốt nhiều năm qua. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, chúng được gọi là đường thẳng Sajama.

Những đường thẳng Sajama bao phủ trên diện tích hơn 22.000 km2. Theo các chuyên gia, những đường thẳng này có kích thước lớn, được tạc hằn sâu trên mặt đất.

Nhiều đường thẳng Sajama chạy ngang dọc đè lên nhau trông khá phức tạp và dường như không theo quy luật nào. Dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng, đường thẳng Sajama được con người tạo ra có chủ đích nhưng chưa rõ mục đích là gì.

Theo các chuyên gia, đường thẳng Sajama có niên đại hơn 1.000 năm tuổi. Sau nhiều nghiên cứu, họ vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm những đường thẳng bí ẩn này được tạo ra.

Các chuyên gia phát hiện mỗi đường thẳng có bề rộng chỉ vài mét, được tạo ra bằng cách cạo đi vật liệu sẫm màu bị oxy hóa trên mặt đất. Từ đó, bề mặt sáng màu hơn ở bên dưới sẽ lộ ra.

Phương pháp tương tự cũng được các chuyên gia ghi nhận dùng để tạo ra đường kẻ Nazca ở Peru. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, đường thẳng Sajama có thể liên quan đến các đường kẻ Nazca.

Theo quan điểm này, đường thẳng Sajama và đường kẻ Nazca có thể là sản phẩm của những nền văn minh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Một nghiên cứu công bố năm 2016 chỉ ra "tác giả" của đường thẳng Sajama có khả năng là người Carangas. Nền văn minh này đã phát triển ở khu vực phía nam dãy Andes này trong thời gian từ năm 1000 - 1476.

Thế nhưng, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm được bằng chứng khoa học nào giúp xác thực nền văn minh Carangas đã tạo ra đường thẳng Sajama với mục đích gì.

Vì vậy, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã và đang nỗ lực nghiên cứu với hy vọng sẽ sớm giải mã thành công những bí ẩn về đường thẳng Sajama.

Mời độc giả xem video: Bí ẩn thành phố ngầm khổng lồ có sức chứa tới 20.000 người.

Tâm Anh (theo Amusingplanet)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bi-an-duong-ke-thang-tap-tren-sa-mac-bolivia-khien-chuyen-gia-roi-nao-1881662.html