Daisugi - Kỹ thuật lâm nghiệp kỳ lạ của Nhật Bản có thể giúp cứu rừng

Được phát minh từ thế kỷ 14, kỹ thuật lâm nghiệp Daisugi có thể áp dụng ở bất cứ vùng đất nào, cho phép người trồng rút ngắn chu trình thu hoạch, tăng sản lượng, đặc biệt lấy gỗ không cần chặt cây.

Từ một gốc cây tuyết tùng Daisugi mẹ có thể cung cấp hàng trăm cây gỗ trong vòng 200-300 năm. (Nguồn: Wrath of Gnon)

Từ một gốc cây tuyết tùng Daisugi mẹ có thể cung cấp hàng trăm cây gỗ trong vòng 200-300 năm. (Nguồn: Wrath of Gnon)

Bao phủ hơn 30% bề mặt Trái đất, các khu rừng trên thế giới là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho hành tinh và nhân loại.

Vai trò của rừng đối với sự sinh tồn của con người là vô tận. Rừng giúp lưu trữ lượng carbon khổng lồ, đảm bảo đa dạng sinh học, làm sạch nước và không khí, cũng như cung cấp sinh kế cho người dân trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, với sự phát triển quá mức của ngành lâm nghiệp và khai thác gỗ toàn cầu, mỗi phút trôi qua, thế giới lại mất đi một khoảnh rừng tương đương 30 sân bóng đá.

Theo ước tính, thị trường lâm nghiệp và khai thác gỗ toàn cầu được định giá 176,960 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 242,230 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR là 4,1% trong giai đoạn dự báo 2024-2030.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lợi ích kinh tế từ hoạt động này rất khó lường.

Theo Báo cáo tình trạng rừng thế giới (SOFO), trong giai đoạn 1990-2020, khoảng 420 triệu ha rừng đã mất đi, xấp xỉ 10,34% tổng diện tích rừng toàn cầu. Ước tính khoảng 289 triệu ha rừng sẽ bị tàn phá trong giai đoạn 2016-2050 chỉ riêng ở vùng nhiệt đới, dẫn đến phát thải 169 tỷ tấn CO2.

Nếu điều này tiếp tục diễn ra, không chỉ hàng trăm triệu người sống phụ thuộc vào rừng sẽ mất sinh kế mà sự đa dạng sinh học ở nhiều khu vực trên thế giới cũng sẽ biến mất.

Để bảo vệ “lá phổi của hành tinh,” nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm phòng chống nạn phá rừng, bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp trồng rừng và khai thác lâm nghiệp bền vững. Trong đó, một kỹ thuật khai thác gỗ cổ xưa của Nhật Bản đã được đề xuất, cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả và bền vững cho ngành lâm nghiệp các nước.

Vào khoảng thế kỷ 14-15, tại quận Kyoto của Nhật Bản gặp phải tình trạng thiếu cây giống cũng như đất đai để trồng cây, trong bối cảnh nhu cầu về gỗ tuyết tùng Kitayama - một loại gỗ thẳng và không có mắt gỗ - rất cao. Thêm vào đó, do địa hình ít bằng phẳng nên việc trồng và chăm sóc cây trên các sườn dốc trở nên vô cùng khó khăn.

 Những chồi cây tuyết tùng thường xuyên được cắt tỉa để chúng luôn mọc thẳng. (Nguồn: Komori Zouen)

Những chồi cây tuyết tùng thường xuyên được cắt tỉa để chúng luôn mọc thẳng. (Nguồn: Komori Zouen)

Vấn đề này đã dẫn đến sự phát triển của một kỹ thuật làm vườn bản địa có tên gọi là Daisugi, cho phép thu hoạch những khúc gỗ thẳng, đẹp từ cây mà không cần phải chặt gốc và đây trở thành một kỹ thuật lâm nghiệp rất bền vững.

Kỹ thuật Daisugi sử dụng các phương pháp cắt tỉa tương tự như cắt tỉa cây bonsai, nhưng trên các loại cây có kích thước lớn hơn. Người trồng sẽ chăm sóc những gốc cây tuyết tùng Kitayama mẹ để cho ra thật nhiều chồi (những gốc cây lớn có thể mọc tới 100 chồi một lúc). Sau đó, họ sẽ cắt tỉa, chỉ để lại những chồi thẳng nhất để chúng phát triển và vươn cao.

Việc cắt tỉa các nhánh cây được thực hiện bằng tay khoảng 2 năm/lần để đảm bảo rằng tất cả cây mọc thẳng và không có bất kỳ nhánh nào.

Sau khoảng 20 năm, từ gốc cây mẹ, những chồi tuyết tùng phát triển lớn và thẳng, đủ tiêu chuẩn để khai thác lấy gỗ.

Lúc này, thay vì khai thác toàn bộ cây, người trồng chỉ cần chặt phần trên, giữ nguyên cấu trúc gốc, rễ cây mẹ và tiếp tục tái sinh rừng.

 Kỹ thuật Daisugi của Nhật Bản là một cách tiếp cận thông minh để trồng được nhiều gỗ hơn trên diện tích ít hơn. (Nguồn: Shutterstock)

Kỹ thuật Daisugi của Nhật Bản là một cách tiếp cận thông minh để trồng được nhiều gỗ hơn trên diện tích ít hơn. (Nguồn: Shutterstock)

Vì cây tuyết tùng Daisugi có thể sống từ 200-300 năm nên người trồng rừng có thể khai thác một lượng gỗ đáng kể chỉ từ một cây duy nhất. Ngày nay, bạn sẽ tìm thấy những gốc cây tuyết tùng Daisugi mẹ trên khắp Nhật Bản với đường kính có thể lên đến 15 mét.

Không chỉ tăng sản lượng, chất lượng gỗ được sản xuất bằng công nghệ này cũng có độ đặc và bền hơn 200%, độ linh hoạt cao hơn 140% so với gỗ tuyết tùng thông thường, khiến chúng trở thành lựa chọn lý tưởng để sử dụng làm xà nhà và gỗ mái nhà nhờ khả năng chống bão cao.

Với đặc tính thẳng, dẻo và đặc, gỗ tuyết tùng Daisugi là vật liệu chính của nhiều công trình kiến trúc ở Nhật Bản và sau 600 năm, đến nay chúng vẫn tiếp tục được người Nhật ưa chuộng, sử dụng cho mọi thứ từ đũa ăn cho đến đến đồ nội thất.

Có thể thấy rằng kỹ thuật Daisugi cho phép người trồng rừng khai thác gỗ nhanh chóng hơn, chất lượng gỗ tốt hơn và nếu được nhân rộng, nó có thể giúp ngăn chặn nạn phá rừng, bảo tồn được khả năng thu giữ và lưu trữ carbon của rừng, qua đó làm giảm tác động tổng thể của sự nóng lên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/daisugi-ky-thuat-lam-nghiep-ky-la-cua-nhat-ban-co-the-giup-cuu-rung-post946831.vnp