Bạn đọc tranh cãi giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: 'Bằng tốt nghiệp sư phạm để làm gì?'

Nhiều bạn đọc đồng tình cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo vì hiện các ngành nghề khác cũng có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Tuy nhiên số còn lại cho rằng không cần thiết!

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Đề xuất giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” đưa tin Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Trong đó, thông tin giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bàn về vấn đề trên, nhiều bạn đọc đồng tình vì hiện các ngành nghề khác cũng có chứng nhận nghề nghiệp. Ngược lại, không ít bạn đọc cho rằng không cần thiết vì tốn thời gian, tiền bạc, thủ tục hành chính rườm rà.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là cần thiết

“Tôi hoàn toàn đồng ý, điều này đã áp dụng trong ngành Y từ lâu rồi. Giáo dục là tiền đề của sự phát triển của đất nước, không có lý gì mà nghề giáo viên – đào tạo con người lại không đòi hỏi chứng chỉ. Đây là cách làm hợp lý và văn minh để mở ra con đường phát triển bền vững. Theo tôi, để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo phải yêu cầu đủ thời gian công tác, đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn chứ không phải cấp đại trà” – bạn đọc Tố Trinh.

“Tôi đề nghị phải xét thật kỹ đạo đức nhà giáo, đã có quá nhiều tin tiêu cực liên quan đến giáo dục. Việc tốt nghiệp đại học, thạc sĩ,… chỉ mới đạt yêu cầu về trình độ đào tạo, còn việc đi dạy được hay không cần nhiều tiêu chí khác” – bạn đọc Lê Hùng.

“Ngành y tế, giáo dục cần phải có giấy chứng nhận hành nghề vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đạo đức, tư duy,… của con người. Bên cạnh yêu cầu nhà giáo đáp ứng đủ chỉ tiêu đề ra cần hỗ trợ về lương thưởng, bảo hiểm để tạo động lực” – bạn đọc Thu Trần.

Bạn đọc tranh cãi về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Liệu có quá khắt khe?

“Giáo viên bắt buộc phải có bằng sư phạm, tùy giảng dạy theo cấp nào. Khi tuyển dụng phải thi công chức, có kinh niệm 2 năm tập sự mới được chính thức, vậy nếu đòi hỏi thêm một chứng chỉ nữa có phải gây áp lực quá không? Ngược lại, nếu làm vậy thì khác gì các trường sư phạm đào tạo không đúng chuẩn? Nhiều giáo viên đã nghỉ dạy vì lương quá thấp, việc nên làm là quan tâm và động viên, chứ không phải vẽ thêm cái nọ, cái kia” – bạn đọc Phạm Diệu.

“Đừng phức tạp thêm thủ tục hành chính nữa, cái quan trọng là chất lượng giảng dạy. Thước đo trình độ của giáo viên thể hiện qua sự đánh giá của nhà trường, học sinh, sinh viên,… không phải là chứng chỉ nghề nghiệp. Tôi tin rằng với kinh nghiệm 15-20 năm của giáo viên sẽ hơn nội dung bài học thi chứng này” – bạn đọc Quốc Toàn.

“Vậy bằng tốt nghiệp sư phạm dùng để làm gì? Sinh viên trải qua 4 năm học sư phạm, được đào tạo bao nhiêu kỹ năng, kiến thức, kiến tập, thực tập,… mới tốt nghiệp và đi dạy. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo theo tôi là không cần thiết. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng dạy – học và đạo đức giáo viên, học sinh, tránh để xảy ra bạo lực học đường như thời gian qua” – bạn đọc Đăng Long.

“Hiện cả nước có hàng triệu giáo viên. Nếu yêu cầu tất cả các giáo viên có giấy chứng nhận nghề nghiệp thì tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc,… Tôi thắc mắc chứng chỉ này giấy đánh giá dựa trên những tiêu chí nào, trong khi giáo viên đã có bằng cấp sư phạm, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm,…? – bạn đọc Hiếu Đăng.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc-tranh-cai-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-nha-giao-bang-tot-nghiep-su-pham-de-lam-gi-post773296.html