Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định: Bộ GD&ĐT xử lý thế nào?

Theo Bộ GD&ĐT, hơn 56.000 chứng chỉ IELTS của IDP bị kết luận sai phép, vẫn được dùng trong thi, tuyển sinh và đào tạo.

Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định: IDP nói gì?

Ngày 8/5, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, trụ sở tại quận 3, TP.HCM. Theo kết luận do Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường ký, ngày 17/11/2022, Bộ GD&ĐT mới cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng từ đầu năm IDP đã làm việc này sai quy định.

Thông tin này đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng, đặc biệt là thí sinh được cấp chứng chỉ IELTS trong giai đoạn IDP tổ chức sai quy định.

Về phía Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, công ty này đã có phản hồi như sau: "IELTS là bài kiểm tra ngôn ngữ có giá trị cao và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Chúng tôi biết rằng vấn đề về tính hợp lệ của chứng chỉ IELTS trong năm 2022 đang thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như các thí sinh. Chúng tôi xin khẳng định các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp làm việc chặt chẽ với Bộ GD&ĐT như từ trước đến nay để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại".

Theo kết luận thanh tra, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1-31/12/2022, Công ty IDP đã liên kết tổ chức thi IELTS Test Report Form cho 67.195 người, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS. Địa điểm thi được trải rộng cả nước từ Hà Nội, TP.HCM và 16 tỉnh, thành phố.

Từ 1/1 đến ngày 9/9/2022, công ty đã tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp khoảng 46.600 chứng chỉ IELTS. Sau đó, từ 10/9 đến 16/11/2022, công ty tổ chức gần 100 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm khoảng 9.600 chứng chỉ.

Tổng cộng, IDP đã cấp hơn 56.200 chứng chỉ IELTS trước khi Bộ GDĐT cho phép. Lệ phí thi thời điểm đó là 4,6 triệu đồng một lượt. Theo quy định, các chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.

Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT: Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định sẽ không bị ảnh hưởng

Chiều 9/5, Bộ GD&ĐT phản hồi sau kết luận Thanh tra vụ hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định. Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Như vậy, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

IELTS viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết.

Đây là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế quan trọng và phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập, làm việc và định cư với hơn hai triệu thí sinh dự thi. Hàng năm, có trên 2 triệu thí sinh thi IELTS với mục đích du học, định cư hay xin việc làm. IELTS được hơn 11.000 cơ sở đào tạo và tổ chức tại 135 quốc gia công nhận như Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand,...

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hon-56000-chung-chi-ielts-o-viet-nam-bi-cap-sai-quy-dinh-bo-gddt-xu-ly-the-nao-169240509183623623.htm