Bài 2: Có “kiên” nhưng chưa “quyết”

Theo số liệu thống kê từ Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 90 tụ điểm chợ cóc.

Trong đó, có 24 tụ điểm hoạt động dưới lòng đường, 41 tụ điểm trên vỉa hè, 25 tụ điểm còn lại hoạt động trong ngõ và các khu tập thể. Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện, xã phường trên địa bàn Thành phố giải tỏa nhiều lần, nhưng đến nay, công tác giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, quán xá trên vỉa hè vẫn là vấn đề nan giải, làm đau đầu cơ quan chức năng.

Vẫn còn nhiều bất cập

Tìm hiểu được biết, nhiều tụ điểm chợ tự phát hoạt động ở những địa bàn đông dân cư như quận Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Gia Lâm…, đều là những tụ điểm tự phát, phục vụ nhu cầu mua bán tại khu dân cư và khách vãng lai có thói quen tiện đâu mua đấy. Nhưng, những bất cập mà chợ cóc, chợ tạm, quán vỉa hè đem lại cho người tham gia giao thông và mỹ quan đô thị là không nhỏ.

Một số tiểu thương tại chợ cóc phố Tân Mai bám trụ bằng cách rút vào nhà dân để kinh doanh.

Ví dụ, chợ cóc mọc ở chân cầu Lủ (địa bàn giáp gianh quận Thanh Xuân và Hoàng Mai) thu hút một lượng lớn khách hàng, nên thường xuyên gây cảnh ùn tắc. Hay như trên các tuyến đường Trương Định, Nguyễn An Ninh (thuộc quận Hoàng Mai), vỉa hè bị chiếm dụng để bán hàng và dựng xe máy, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn rất nhiều tai nạn nguy hiểm. Chưa hết, chợ cóc, chợ tạm và quán vỉa hè, mỗi ngày xả ra một lượng lớn rác thải, nước bẩn từ việc rửa rau, rửa cá, thịt, gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người dân rất bức xúc.

Điển hình trong “Tháng văn minh đô thị”, từ 17/10, UBND phường Tân Mai (Hoàng Mai) đã huy động lực lượng liên ngành gồm công an, dân phòng, đoàn thanh niên phường để ra quân dẹp chợ cóc và làm thông thoáng vỉa hè. Nhưng công tác giải tỏa chợ cóc họp ở ngõ 240 phố Tân Mai còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết, xuất phát từ nhu cầu mua bán của người dân mà hình thành chợ cóc, chợ tạm. Phường Tân Mai hiện có 2,5 vạn dân, người già, cán bộ hưu trí nhiều, họ không thích đi xa đến các chợ chính để mua bán, nên việc phát sinh chợ tại chỗ phục vụ nhu cầu người dân là điều dễ hiểu. Chợ cóc họp ở ngõ 240 phố Tân Mai đã có lịch sử lâu đời từ hơn 30 năm nay. Việc xóa bỏ một thói quen lâu đời hay tước đi kế sinh nhai của người dân trên địa bàn là điều không hề dễ dàng. Để tránh né sự dẹp đuổi của lực lượng chức năng, các tiểu thương tại chợ cóc đã chui hẳn vào trong nhà hoặc các ngõ riêng của các hộ dân để kinh doanh buôn bán. UBND phường chỉ có chức năng dẹp đuổi những hàng quán bày bán ra lòng đường, vỉa hè; còn khi người bán “chui” vào nhà dân để bán thì chúng tôi cũng khó giải quyết.

Tạo chỗ thay thế cho tiểu thương

Để tạo điều kiện cho các tiểu thương, UBND phường Tân Mai đã xây dựng một chợ tạm diện tích 1.900m2, đủ chỗ cho hơn 100 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chợ tạm vẫn đang trong thời gian dựng ki-ốt, lượng tiểu thương sang chợ tạm rất ít. Thói quen mua bán trong chợ cóc vẫn được duy trì. “Có rất nhiều tiểu thương ở chợ cóc ngõ 240 Tân Mai đã đặt cọc thuê chỗ để kinh doanh tại chợ tạm. Họ đang tiến hành các bước chuẩn bị để ổn định chỗ ngồi ở chợ mới. Trong thời gian chuẩn bị, các tiểu thương vẫn tạm thời buôn bán ở chợ cóc để mưu sinh”, ông Huy cho biết.

Theo Báo cáo 291/BC-SCT của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến 27/10, qua tổng hợp số liệu báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đã giải tỏa được 90 tụ điểm chợ cóc trên địa bàn Thành phố, tụ điểm chợ cóc còn tồn tại là 58. Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tiếp tục triển khai Kế hoạch số 420/KH-SCT ngày 28/1/2016 về việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” trong năm 2016 của ngành Công Thương, có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện triệt để công tác giải tỏa theo đúng tiến độ và báo cáo Ban chỉ đạo 197 Thành phố.

Về thông tin “mua chỗ tại chợ mới tới mấy chục triệu đồng”, ông Huy khẳng định đấy chỉ là “tin đồn” thất thiệt của một số tiểu thương không chấp hành quy định. Đến thời điểm hiện tại, UBND phường mới chỉ tạo điều kiện cho tiểu thương thuê chỗ. Mỗi tháng, tiểu thương chỉ phải nộp khoảng trên 700.000 đồng để duy trì việc kinh doanh cho tiền thuê mặt bằng và các khoản phí chợ, phí vệ sinh môi trường, điện, nước, ngoài ra phường không thu thêm bất cứ khoản nào khác.

Theo một số chuyên gia kinh tế, vấn đề dẹp chợ cóc, vỉa hè đã triển khai nhiều năm nhưng chưa thật sự hiệu quả. Vấn đề ở đây không phải là do chính quyền không kiên quyết mà do vấn đề kinh phí, nhân lực thực hiện. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như ý thức của người dân, điều kiện môi trường, phân bố dân cư, giải tỏa đô thị, đến vận hành bộ máy quản lý, giao thông công chính vẫn manh mún, thiếu sự đồng bộ, nên dẫn đến tình trạng “kiên” nhưng không “quyết” được.

“Người dân không có nghề, không có tiền mua chỗ, tiện đâu ngồi đấy để mưu sinh cũng là điều dễ hiểu. Công an, dân phòng các địa phương cũng không có sức mà đuổi mãi. Cứ đến đợt giải tỏa thì đi vài ngày, rồi đâu lại hoàn đấy. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh thì cần phải có cách giải quyết quy mô, đồng bộ, phải quy hoạch lại, giải tỏa dần những khu đông dân cư, tạo cho tiểu thương có chỗ để kinh doanh, chứ không thể cấm người ta bán hàng”, TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện Trưởng Viện chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Nguyễn Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-2-co-kien-nhung-chua-quyet-44450.html