'TP.HCM là đô thị đặc biệt mà không có trực thăng PCCC'

Chiều 6.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH).

Hội thảo đã có 11 lượt đại biểu tham gia phát biểu với nội dung đầy tâm huyết, sát với thực tế địa bàn TP.HCM trong thời gian qua. Các đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật PCCC-CNCH mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một luật rất quan trọng và yêu cầu đặt ra trong xây dựng luật là để thực hiện hiệu quả công tác PCCC-CNCH, đặc biệt là ở một đô thị lớn như TP.HCM.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề xuất bổ sung “pháp nhân” để tương thích với các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự hiện hành và nhiều luật khác. Luật sư cũng nhấn mạnh việc có thêm chương về cứu nạn cứu hộ trong luật là thể hiện sự phát triển và cần thiết.

Hình ảnh chữa cháy ở nước ngoài - Ảnh: Internet

Nêu ý kiến từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, hiện nay trang bị PCCC còn thiếu thốn do kinh phí còn hạn chế. Ở khoản 2 điều 55 nêu ngân sách cho hoạt động PCCC nhưng còn nêu chung chung, nên có định lượng hàng năm chi bao nhiêu % cho PCCC-CNCH.

“Địa phương còn thiếu thốn. Đặc biệt, các vụ cháy ở chung cư cao tầng thì phương tiện không đủ. Tôi thấy như ở TP.HCM là đô thị đặc biệt, có hơn triệu dân mà không có trực thăng PCCC. Muốn vậy thì phải có ngân sách để đảm bảo trang bị mua sắm. Mà trường hợp có trực thăng, muốn bay cũng phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng vì không phải thẩm quyền của công an”, ông Chánh nói và cho biết cần có nghiên cứu, đề xuất về ngân sách đảm bảo trang bị, phương tiện cần thiết, hiện đại và cách thức phối hợp.

Ở góc độ đơn vị nghiệp vụ, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TP.HCM đánh giá, việc ban hành mới Luật PCCC-CNCH trong thời gian tới là rất cần thiết và cấp bách. Đáng chú ý là việc đưa vào luật mới nội dung cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.

Theo thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, khoản 3 điều 42 của dự án luật (quy định về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC-CNCH cơ sở, chuyên ngành) cần điều chỉnh thành "tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý; các cơ sở, địa bàn khác khi có yêu cầu".

Kết luận hội thảo, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận xét các ý kiến đóng góp hết sức phù hợp với dự thảo, đoàn sẽ nghiên cứu, tiếp tục thảo luận trong thời gian tới để tham gia phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-la-do-thi-dac-biet-ma-khong-co-truc-thang-pccc-216908.html