Áp lực của trẻ em và câu chuyện giáo dục mới

Với trẻ em, có lẽ từ khi chưa lọt lòng, đã mang theo nhiều kỳ vọng, trông đợi của gia đình, dòng họ... Những đứa trẻ ấy bị đẩy vào một cuộc chạy đua của chính cha mẹ, gia đình, nhà trường. Trẻ phải học, phải có nghề nghiệp, có tiền, có cuộc sống đủ đầy, viên mãn, trở thành hình mẫu này, hình mẫu kia... Như vậy, áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, gia đình, trong tiêu chuẩn xã hội là một gánh nặng đối với đứa trẻ, khiến chúng không sao ngẩng đầu lên được.

Áp lực đến từ việc không được sống với chính bản thân mình. Đứa trẻ phải sống theo một “phác đồ” mà cha mẹ đặt ra. Sự thực, đó không phải là đời sống của đứa trẻ mà là sự bổ sung vào đời sống của người lớn (vốn dĩ bị thiếu khuyết, sót, lỡ trong cuộc đời người lớn). Đứa trẻ chỉ là một phương tiện, là cánh tay nối dài để hoàn thành tham vọng của người lớn.

Áp lực học tập trở thành mối đe dọa đối với trẻ em.

Giáo dục mới không đặt ra vấn đề đáp ứng hay đối phó với thi cử, điểm số hay tìm việc làm. Đó là sự thất bại của giáo dục. Áp lực từ thi cử khiến cho việc học trở thành sự nhồi nhét, đối phó, và như thế chính là một mô hình giáo dục thiếu tính bền vững nhất. Giáo dục không đơn giản chỉ là dạy học. Đó là quá trình thức tỉnh hạt giống thần kỳ trong mỗi con người, bồi dưỡng nhân cách, làm cho con người nhận ra chính mình. Để đạt được điều đó, giáo dục cần phải được tiến hành trên nền tảng của sự yêu thương, lấy sự phát triển đầy đủ của con người làm trung tâm. Một nền giáo dục lý tưởng là một nền giáo dục hướng đến tất cả mọi người, vì hạnh phúc của con người.

Chúng ta đều rất đau lòng mỗi khi nghe tin một em học trò nào đó vì không thực hiện được những kỳ vọng của gia đình, vì áp lực học tập, vì thi trượt đại học… đã rơi vào trầm uất dẫn đến quyên sinh. Trường hợp em học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tự vẫn (năm 2022) cùng lá thư tuyệt mệnh là sự cảnh tỉnh đầy đau đớn đối với những bậc làm cha mẹ, nhà trường và xã hội. Mỗi mùa thi đến là một lần chúng ta nơm nớp lo âu những dại dột của trẻ. Còn nhớ, ở Nghệ An mấy năm trước, một nữ sinh được cha đèo bằng xe máy, khi đi qua cầu Bến Thủy, xe dừng, chỉ nghe cô bé chào cha rồi lao mình xuống dòng nước. Lý do là em đã không đậu đại học trong kỳ thi vừa qua. Cha mẹ nào có thể chịu đựng được nỗi đau ấy. Có lẽ, những hối hận vì đã tạo nên áp lực cho con lúc này cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa.

Gia đình, nhà trường, xã hội đã đặt lên đôi vai bé nhỏ, non nớt của trẻ quá nhiều nhiệm vụ. Chúng buộc phải thực hiện, phải gò lưng cõng chiếc ba lô từ trường học đến lớp ôn luyện, hết nhà cô này đến thầy khác. Sáng học chính khóa, chiều học phụ đạo tại trường, tối học thêm ở nhà thầy cô giáo. Trẻ không còn thời gian để tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Chúng trở nên xa lạ với chính cuộc sống của mình. Bởi thế, ta hiểu vì sao trong xã hội cứ rộ lên những chuyện trẻ thiếu kỹ năng sống, phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Không khó để chỉ ra trong xã hội ngày càng nhiều những đứa trẻ lớn người nhưng rất non nớt về kỹ năng sống, nhất là ở những thành phố lớn. Phải xem đó là một mối lo âu khi mà đời sống ngày càng bất trắc, nhiều hiểm nguy đang rình rập, trong khi, một đứa trẻ chẳng có gì để có thể đối phó. Thứ kiến thức được nhồi nhét ở trường lớp chỉ càng làm đứa trẻ thêm lúng túng. Những tai nạn đuối nước, hỏa hoạn, giao thông hay những dụ dỗ lừa đảo, bắt cóc, lạm dụng… mà trẻ em là nạn nhân đang gióng lên hồi chuông về kỹ năng ứng phó, sinh tồn, thoát hiểm, tự bảo vệ mình của trẻ. Sự thực là, ngoài sách vở, các em không còn biết gì khác.

Cùng với việc thiếu kỹ năng sống, do bị đẩy vào cuộc đua giành thành tích, thứ bậc, trở thành ông nọ, bà kia đã khiến những đứa trẻ dần trở nên vô cảm. Trẻ vô cảm với chính những người thân của mình. Chúng chỉ biết đòi hỏi mà không hề chia sẻ, cảm thông. Đúng hơn là chúng không có cơ hội để chia sẻ. Giữa cha mẹ và con cái không có thời gian bên cạnh nhau, lắng nghe nhau. Người lớn không dành thời gian để tạo điều kiện cho trẻ biết yêu thương, quan tâm đến cuộc sống, đến những người xung quanh. Những đứa trẻ thành phố đã gần như đoạn tuyệt với gốc gác nông thôn của chúng.

Kỳ vọng của gia đình và nhà trường khiến trẻ em bị trầm cảm.

Ngoài việc luôn bị áp lực, thiếu kỹ năng sống và vô cảm, chúng ta còn nhận thấy, trẻ em càng ngày càng cô độc. Điều này có lẽ cũng chính là hệ quả của việc người lớn không hoặc ít lắng nghe trẻ em nói. Những mối quan tâm, yêu thích, đam mê của trẻ bị cha mẹ và những người xung quanh thờ ơ, hoặc xem là hài hước, thậm chí là ngốc nghếch và dại dột,… Điều đó lại càng làm cho các em co lại và rút lui vào thế giới của mình, không tham gia giao tiếp, cởi mở đối với mọi người.

Tâm lý của người lớn, của bậc cha mẹ xưa nay vẫn là: Khôn chi khôn trẻ. Do vậy, người lớn tự cho mình cái quyền áp đặt kinh nghiệm sống của họ lên trẻ em. Đây hẳn là một ngộ nhận tệ hại. Chưa kể, không ít gia đình, cha mẹ đã sử dụng đòn roi cùng các hình phạt khác khi trẻ em có lỗi hoặc không đáp ứng được đòi hỏi về thành tích học tập, yêu cầu mà cha mẹ đề ra. Họ đâu biết rằng, đau khổ về thân xác vĩnh viễn không giải quyết được vấn đề của tâm hồn, trong các biện pháp giáo dục, đòn roi là thứ không nên sử dụng nhất. Trong nỗi đau của đòn roi ấy, người lớn quên mất rằng, mình đã từng là một đứa trẻ.

Đồng thời, họ cũng quên mất rằng, có những điều trẻ em còn hiểu biết hơn người lớn. Trong một vài chương trình dành cho trẻ em trên truyền hình, tôi nghe một em nhỏ nói rằng, có những điều trẻ em cần phải dạy người lớn, chẳng hạn như chơi Games, sử dụng công nghệ, đọc truyện tranh, thậm chí là ngôn ngữ giao tiếp xã hội của trẻ,… Nếu cứ khăng khăng bắt trẻ phải tuân thủ những kinh nghiệm của mình, chẳng phải đã kéo trẻ vào một quỹ đạo sống khác không thuộc về chúng. Giáo dục sẽ giúp ích gì cho trẻ trong thế giới cô đơn ấy, nếu trẻ không còn tha thiết với cuộc đời?

Về mặt ý thức, gia đình, nhà trường và xã hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với trẻ em, dành cho các em những điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, chính việc nghĩ rằng, trẻ chỉ cần đi học, học thật giỏi, trở thành thiên tài, phấn đấu theo một số hình mẫu trong xã hội,… đôi khi đang đi ngược lại với diễn biến đời sống của trẻ. Những đứa trẻ cảm thấy bị áp lực, trở thành công cụ cho tham vọng của người lớn, cô độc, vô cảm, thiếu kỹ năng sống,… Dường như, trẻ chẳng có gì cho riêng mình, chỉ có thân thể là thuộc về chúng. Bởi vậy, khi bị đẩy đến bi kịch, chúng chỉ còn biết đem thân thể để ứng phó. Quyên sinh là lựa chọn khốc liệt nhất nhưng cũng là lựa chọn mà trẻ dễ dàng nghĩ đến khi không có (không biết) lựa chọn nào khác.

“Cha mẹ là thế giới ban sơ nhất của trẻ thơ” (Chu Vĩnh Tân). Cha mẹ sinh con ra và cùng con trưởng thành đấy chính là triết lý mà nền giáo dục mới cần chú ý, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cha mẹ quá bận bịu với công việc, đã sao nhãng vai trò là người bạn đồng hành với con cái. Gia đình là giá trị khắc cốt ghi tâm của mỗi con người, chính vì thế, lấy gia đình như một hạt nhân là điều mà một nền giáo dục ưu việt cần phải phát huy. Cha mẹ ưu tú biết khơi dậy sự tự giác lao động, học tập nơi trẻ, để trẻ con theo đuổi tận cùng ước mơ của mình. Không làm thay trẻ, nhưng luôn đồng hành, không để mất đi hình ảnh đứa trẻ trong tâm hồn mình ngay cả khi chúng không hiện diện trước mặt. Tin tưởng và yêu thương, bồi đắp tính tự giác, phát huy khả năng và mơ ước nơi trẻ chính là đã thành công một nửa trong hành trình giáo dục.

Áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội đang làm hại chính trẻ em. Giáo dục mới với những định hướng nhân văn thực sự, gỡ bỏ gánh nặng trên vai đứa trẻ, tưới tẩm cho hạt giống yêu thương trong tâm hồn con trẻ, đó là con đường đi tới một tương lai tốt đẹp hơn của con người.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ap-luc-cua-tre-em-va-cau-chuyen-giao-duc-moi-i708727/