A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024

Sau 2 năm (2022 - 2023) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay 'bộ mặt' huyện A Lưới đã có nhiều khởi sắc, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

Đầu tư hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo ở A Lưới

Từ khi Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, huyện A Lưới tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. UBND huyện A Lưới đã triển khai xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng lộ trình thoát huyện nghèo đến năm 2024. Chỉ đạo các ban, ngành xây dựng các phương án hỗ trợ, đầu tư cho các chương trình trọng điểm và hỗ trợ các nhu cầu thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của của hộ nghèo.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng (A Lưới) cho biết, là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của huyện, phần lớn người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xác định mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, địa phương đã đề ra những biện pháp, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Hồng Thượng đã huy động, sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, lồng ghép hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững với CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, kết quả giảm nghèo đều đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra.

Cụ thể, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,04% đến nay giảm còn 13,83%, đã giảm được 168 hộ nghèo (bình quân giảm 7,07% hộ nghèo/năm), thu nhập bình quân đầu người đạt 30,41 triệu đồng/người/năm. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn, xã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn và chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân. Sau 3 năm, toàn xã đã hỗ trợ xây dựng được 166 ngôi nhà với tổng kinh phí huy động được trên 6 tỷ đồng.

Theo UBND huyện A Lưới, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó đi lên của A Lưới cùng với nguồn lực thực hiện các CTMTQG được Trung ương hỗ trợ, nguồn kinh phí địa phương và huy động, xã hội hóa, sau 2 năm thực hiện đến nay công tác giảm nghèo ở huyện A Lưới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huyện A Lưới đạt 1.279 tỷ đồng/năm, thu ngân sách đạt gần 27 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,22 triệu đồng/năm và tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm hơn 40%, mỗi năm tạo việc làm mới bình quân 758 lao động đạt 113,6% kế hoạch. Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, A Lưới luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, quá trình thực hiện gắn chặt với thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo như chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Qua việc thực hiện chương trình, đã giúp cho A Lưới xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi,.. tạo điều kiện liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo được xây mới, sửa chữa nhà ở, có nơi cư trú ổn định, an toàn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

A Lưới thực hiện tốt việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ 3 CTMTQG, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các CTMTQG gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với nỗ lực và sự đồng thuận cao trong chính quyền, Nhân dân nên hiện nay huyện A Lưới đã đủ điều kiện làm hồ sơ rà soát, đánh giá, xác định tiêu chí thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024.

Để đảm bảo tính bền vững sau khi huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, huyện A Lưới đề xuất các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương rà soát hệ thống các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình để tích hợp, tinh gọn theo hướng đồng bộ, thống nhất, dễ hiểu giúp cơ sở thuận lợi trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện. Ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của chương trình. Đối với các vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện chương trình, đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổng hợp đầy đủ, báo cáo Bộ tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo tháo gỡ.

Tổng nguồn lực thực hiện 3 CTMTQG (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi) giai đoạn 2021-2025 của A Lưới hơn 846 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 686 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 160 tỷ đồng). Thời gian qua, huyện A Lưới đã tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép 3 chương trình để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và từng bước nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/a-luoi-dam-bao-dieu-kien-thoat-ngheo-trong-nam-2024-140509.html