40 tiêm kích F-16V Viper cực nguy hiểm của Mỹ tham gia biểu diễn màn 'voi đi bộ'

Dịch vụ phân phối Thông tin hình ảnh Quốc phòng của quân đội Mỹ (DVIDS) vừa phát video về sự kiện 'voi đi bộ' khá độc đáo khi kết hợp giữa máy bay chiến đấu có người lái F-16V Viper và máy bay chiến thuật không người lái MQ-9.

Những chiếc F-16V Viper tham gia sự kiện "voi đi bộ" lần này đến từ Phi đội tiêm kích 8, 311 và 314 thuộc không quân Mỹ.

Chúng kết hợp với các UAV chiến đấu MQ-9 lại thuộc Phi đội tấn công 6, 9 và 29

Được biết sự kiện diễn ra vào ngày 21/4 tại căn cứ không quân Holloman, bang New Mexico, Mỹ.

Tổng cộng có 49 máy bay chiến đấu tham gia, bao gồm 40 chiếc máy bay chiến đấu có người lái F-16V.

Cùng với đó là 9 chiếc máy bay chiến thuật không người lái MQ-9.

"Voi đi bộ" là hoạt động phô trương sức mạnh thường được không quân Mỹ thực hiện.

Đây vừa mang tính biểu tượng thị uy sức mạnh, vừa có tính năng kiểm tra hiệu suất hoạt động ở cường độ cao khi cần, lúc mà các máy bay nối đuôi nhau liên tiếp cất cánh để thực hiện nhiệm vụ.

Việc cho một lượng lớn máy bay chiến đấu cất cánh một lúc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các bên liên quan. Một sơ sảy nhỏ cũng có thể gây ra hậu quản đáng tiếc.

UAV MQ-9 và F-16V Viper được đánh giá là hai trong số những vũ khí uy lực nhất hiện nay làm nên sức mạnh của không quân Mỹ.

F-16 Block 70 hay còn biết tới với định danh F-16V Viper là phiên bản hiện đại của F-16, dòng tiêm kích thế hệ thứ tư được Mỹ và các đồng minh sử dụng phổ biến trước khi tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ra đời.

Phiên bản F-16V Viper Lockheed Martin giới thiệu ngày 15 tháng 2 năm 2012 tại Singapore Airshow 2012.

Hiện nay, nhà máy của Lockheed Martin tại bang Nam Carolina đang nhận hợp đồng sản xuất 128 chiếc F-16V Viper cho Bahrain, Slovakia, Bulgaria, lực lượng phòng vệ vùng lãnh thổ Đài Loan (TQ) và một quốc gia giấu tên.

Con số này có thể tăng lên 136 máy bay với đơn hàng 8 chiếc cho không quân Jordan.

F-16V Viper là phiên bản sản xuất mới hoàn toàn với việc cải tiến toàn diện, theo đó khung thân mới, hệ thống điện tử tối tân và trang bị một động cơ uy lực hơn.

Điểm nổi bật nhất của biến thể này là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, sử dụng nhiều công nghệ từ radar tiêm kích F-22 và F-35.

Tính năng cụ thể của loại radar này không được công bố, nhưng nó có tầm hoạt động, tốc độ quét và số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc vượt trội so với radar trên tiêm kích F-16 đời cũ.

Ngoài ra, máy bay cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tối tân, buồng lái được gắn màn hình độ phân giải cao, mũ phi công đời mới nhất JHMCS II...

Sức mạnh của phiên bản này được cho là đủ sức đối đầu với phiên bản Su-35S xuất khẩu của Nga.

Các nhà phân tích nhận định radar trên F-16V Viper nhạy và có tầm quét

Về trang bị vũ khí, tuy F-16V có một động cơ nhưng chúng có thể mang vác tới 7,8 tấn vũ khí trong khi Su-35S dù trang bị hai động cơ, to lớn hơn nhưng cũng chỉ có khả năng mang theo 8 tấn vũ khí.

Phi công được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay (JHMCS), tăng uy lực cho tên lửa tầm nhiệt AIM-9X nhờ khả năng khóa và tấn công mục tiêu theo hướng nhìn của phi công, thay vì phải chờ máy bay hướng mũi về phía đối phương.

Ngoài vũ khí đối không hiện đại như tên lửa tầm trung AIM-120C AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X, tiêm kích F-16V cũng có thể trang bị tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon, diệt radar AGM-88 HARM, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và bom dẫn đường laser GBU-12.

F-16V được trang bị buồng lái kính tiên tiến với hệ thống điện tử và máy tính điều khiển hiện đại.

Các đồng hồ cơ khí được thay bằng màn hình đa chức năng, cùng một màn hình hiển thị độ nét cao cỡ lớn (CPD) ở giữa hai đầu gối phi công.

CPD tăng khả năng nhận thức tình huống của phi công bằng cách hiển thị thông số kỹ thuật và dữ liệu tác chiến theo thời gian thực.

Đường truyền dữ liệu Link 16 cho phép các tiêm kích F-16V kết nối với nhau, hoặc đồng bộ dữ liệu với đồng minh trong những chiến dịch quy mô lớn.

F-16V trang bị máy tính hiệu suất cao với thiết kế module thay cho ba máy tính điều khiển cồng kềnh của phiên bản F-16 đời cũ.

Thiết kế này tăng cường đáng kể năng lực tính toán, xử lý dữ liệu từ các cảm biến và vũ khí, đồng thời giảm bớt khối lượng cho máy bay.

Phi cơ cũng được lắp thiết bị định vị vệ tinh cùng Hệ thống phòng chống va chạm mặt đất tự động (AGCAS), giúp cảnh báo phi công khi máy bay sắp lao xuống đất hoặc tự động điều chỉnh đường bay khi người điều khiển bất tỉnh.

Hiện F-16V đang được Mỹ chào bán với mức giá khoảng 80 triệu USD/chiếc, trong khi Su-35S Nga bán cho Trung Quốc lên tới trên 100 triệu USD/chiếc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/40-tiem-kich-f-16v-viper-cuc-nguy-hiem-cua-my-tham-gia-bieu-dien-man-voi-di-bo-post538643.antd