Yêu và đau đều là quả phúc

Sau bộ thơ ba tập 'Cỏ bạc triền đê' (NXB Văn học, 2021), 'Thắp lửa' là tập thơ mới nhất của nhà thơ Hồng Thanh Quang gồm 110 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trong năm 2022. Nếu như tín hiệu thẩm mỹ 'cỏ' mang đến cho người đọc một cảm giác mãnh liệt về sức sống thì tín hiệu 'thắp lửa' trong nhan đề tập thơ mới này mang đến cho ta một cảm giác tiếp nối và hy vọng.

1. Vẫn là một cái tôi Hồng Thanh Quang nhất quán như trong bao bài thơ anh đã viết, đa đoan và song hành giữa tĩnh và động, giữa buồn và vui, lắm khi giằng xé giữa hai bờ khổ đau và hạnh phúc; song mỗi lần anh nói bằng ngôn ngữ của thi ca là một lần mang đến cách diễn đạt mới mẻ với nhiều hình ảnh thơ lay động người đọc.

Thì đây, ngay mở tập đã là một bài thơ đầy thân phận với tựa đề "Tôi tóc bạc tự khi tôi còn trẻ": "Tôi đã nghĩ yêu như là quả phúc/ Kẻ si tình trong ốc đảo tìm may/ Khi gục xuống tưởng không thể sống/ Thuốc tiên là những đắng và cay/ Rồi định mệnh cuốn tôi cùng rối lẫn/ Quên câu ca tiên đoán chuyện không lành/ Tôi đã đạp chông gai vào quá khứ/ Dâng cho người một đóa hồng xanh". Nhan đề của bài thơ gợi cho ta nhớ đến một câu nói của người xưa: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Lo trước cái lo của thiên hạ/ Vui sau cái vui của thiên hạ).

Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Phải chăng đó cũng là điệu tâm hồn của biết bao thi sĩ trong cuộc đời này. Nhưng dù đau khổ biết bao nhiêu đi nữa thì những câu thơ viết ra cũng không phải là những oán thù cay nghiệt với cuộc đời mà luôn đầy bao dung, yêu thương và che chở; nếu có đắng cay cũng chẳng lụy phiền người khác mà chỉ nhận những giông gió về cho mình, đồng thời luôn khẳng định một niềm kiêu hãnh: "Thiếu khờ dại nên suốt đời lận đận/ Nghiệp văn chương xây núi nặng hai vai/ Anh đã sống khốn đốn chiều nhân mệnh/ Và ra đi như một chân tài" (Xin đừng nói với anh về hạnh phúc)

2. Thế giới của Hồng Thanh Quang không bao giờ thiếu vắng những bài thơ tình. Thi sĩ còn sống là còn yêu và còn say đắm, những xúc cảm có khi rón rén có khi cồn cào, có khi gần gụi có khi xa xôi, nhưng tất thảy đều chân thành tha thiết: "Đêm nay trăng khuyết trên rừng quế/ Hương ủ mây vào trong gió suông/ Đêm nay không biết bao đêm nữa/ Ta sẽ không còn em nhớ thương" (Vọng thi).

Trong tình yêu, chỉ đơn phương, chỉ yêu một mình thôi có khi cũng đã là hạnh phúc bởi bóng dáng ngày xưa đã trôi dạt mãi phương nào, khi mà nỗi nhớ cứ dâng lên trong trái tim người đa cảm: "Rồi thu tới em lại qua phố cũ/ Dốc Hàng Kèn nhiều lắm vụn vàng rơi/ Nếu quên được thì xin em đừng nhớ/ Câu thơ nào đã dẫn lối về tôi" (Thu cảm 2022). Và dù một ngày có gặp lại bóng hình xưa thì tình yêu đâu phải là thứ gì cố níu kéo mà thành, cố cưỡng cầu mà được. Mình tự hiểu trong thẳm sâu lòng mình đã là đủ để đôi khi cứ thảng thốt không nguôi về những phận người: "Đời thác lũ lạc trong câu hát/ Kiếp lục bình cứ mãi nổi chìm trôi/ Lạ lẫm quá những gì quen thuộc cũ/ Em lặng thầm hóa lạnh ngấm vào tôi" (Lạ lẫm quá những gì quen thuộc cũ).

Nhưng tất cả những gì đã từng hạnh ngộ, đã từng mang lại những yêu thương ngọt ngào thì không bao giờ quên được, và thi sĩ tâm sự với chúng ta về một hoài niệm: "Bao giờ lại tới mùa sen mới/ Ta về hái lại sắc hoa xưa/ Ta về gom lại mùi hương cũ/ Để xót thêm lần hương đã xa" (Vọng sen). Hồng Thanh Quang đã từng có cả một tập thơ về Sen với nhan đề "Chút sen còn lại", để bây giờ sắc hoa ấy, hương hoa ấy vẫn còn trở đi trở lại như một hiện tại hay như một dư âm. Những câu thơ có thể khiến ta liên tưởng đến Ký viễn của Lý Bạch thuở nào: "Em còn ở đầy nhà hoa ngát/ Em đi rồi ngơ ngác giường xưa/ Chăn khâu nếp nếp hững hờ/ Ba năm hương mãi bây giờ còn bay" (Nguyễn Bính dịch).

Bìa tập thơ mới nhất của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

"Viết ở miếu Ba Cô" là bài thơ có tứ độc đáo của Hồng Thanh Quang. Những tự sự trong bài là tổng hòa bao chìm nổi của một đời người: có tình ái, có công danh sự nghiệp, có muôn nỗi thăng trầm. Nhưng cái ý thức mạnh mẽ nhất, thường trực nhất là ý thức về nghiệp thi sĩ của đời mình. Và đó cũng là một điểm tựa trong thế giới tinh thần, điểm tựa tâm linh của Hồng Thanh Quang khi anh tin rằng nhà thơ nào cũng có một bà cô ở thế giới bên kia phù hộ: "Và cứ mỗi tháng Ba sang, trong rực hồng hoa gạo/ Tôi hỏi cỏ đê xanh, tôi hỏi gió sông Hồng/ Bà cô của tôi ở đâu rồi, có còn thương thi sĩ/ Ngăn tôi đi, thôi khỏi lụy tang bồng…".

3. Khác với nhiều tập thơ trước của Hồng Thanh Quang, ở "Thắp lửa" lần này, anh dành một phần lớn cho thơ thế sự. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hơn một năm qua gây bao nhức nhối đau thương cho những con người yêu hòa bình trên toàn thế giới. Bản thân nhà thơ Hồng Thanh Quang đã từng có nhiều năm tháng sống và học tập ở nước Nga với biết bao kỷ niệm ân tình. Tôi cảm nhận được trong anh có biết bao giằng xé, đau xót, bao trăn trở ngổn ngang qua hàng loạt bài thơ anh đã viết trong tập "Thắp lửa": "Bi kịch thời loạn cư, Buồn đương đại", "Khúc hát sông Đông mới", "Bên lề", "Chợt thấy", "Thời của những mâu thuẫn": "Những tiếng súng tưởng chìm trong quá khứ/ Lại vang rền suốt cả đêm thâu/ Và máu đổ nhuộm ruộng vàng lúa mạch/ Khi bạn bè thù địch cùng nhau/ Bên nào thắng cũng sạch không kình ngạc/ Vết thương lòng mãi vẫn hờn đau/ Những trang sách có thể tô kiểu khác/ Nhưng những nấm mồ sẽ chẳng đổi màu đâu" (Khúc hát sông Đông mới).

Tôi nghĩ phải day dứt và nghĩ suy nhiều lắm, Hồng Thanh Quang mới có thể viết nên những dòng thơ đau đáu như thế. Nga và Ukraine đã từng là những người anh em dưới một mái nhà chung, vậy mà ngày nay rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt. Còn gì đau xót hơn thế nữa khi máu nào đổ xuống cũng là máu con người, trong đó có biết bao phụ nữ và trẻ em, những thân phận yếu đuối cần được chở che. Trong nhiều trường hợp, những người đứng bên ngoài cuộc chiến chỉ còn biết nguyện cầu và cố gắng bám víu vào một niềm tin bất dịch nào đó: "Chiến tranh không bao giờ là lễ hội hồn nhiên/ Rất đau đớn ngay cả khi gài hoa lên đầu đi ra tiền tuyến/ Chiến binh cùng cầm súng nhằm thẳng nhau mà bắn/ Nằm xuống rồi, sẽ được mai táng liền bên?/ Xin hãy đừng dựng lên những thần tượng mới/ Hãy thôi ảo tưởng về những học thuyết không lỗi thời/ Nhưng vẫn cần luôn tin ở những điều căn cốt/ Giúp chúng ta gắng gượng làm người" (Thời của những mâu thuẫn).

4. "Thắp lửa" có nhiều bài thơ ghi lại cảm xúc của tác giả trên những vùng đất anh đã từng qua: "Viết ở làng Diềm", "Gửi lại Phú Bình", "Ngẫu khúc Úc Đại Lợi", "Ngày mưa Thủy tạ", "Bản Lướt", "Thôn Vỹ", "Giật mình trên đất Mũi", "Ngẫu ca Huế", "Hương Giang", "Hồ Gươm ngẫu nhớ", "Về với Huế", "Chùa Hương", "Viết ở Nha Trang". Ở những bài thơ này, không đơn thuần chỉ là câu chuyện xê dịch, đi chơi thăm thú hay vịnh cảnh ngâm nga mà ta còn gặp biết bao tình người, bao số phận.

Đó có thể là một vùng đất đã từng gắn bó với tác giả những năm tháng trai trẻ mà nay mới có dịp tìm về: "Kỷ niệm cũ ngỡ quên từ lâu lắm/ Ôi Phú Bình, lúp xúp những triền xanh/ Những mái giạ và những cô giáo trẻ/ Tiếng hát trong như chứa tin lành…/ Giờ gặp lại trong miền ảo ước/ Tóc bạc rồi, trái tim bỗng rung lên/ Phú Bình hỡi, vẫn sông Cầu nghẹn sóng/ Tím hoa bèo lặng lẽ tìm duyên". Đó có thể là những mối tình nghệ sĩ, những khoảnh khắc thăng hoa trở thành bất tử: "Đọng lại bóng đêm/ Những nỗi buồn đời anh ngấm nồng men lá/ Những khao khát thời trai/ Trong đôi mắt em huyền/ Thắp lửa" (Bản Lướt). Đó có thể là tình nghĩa anh em bầu bạn gặp nhau ở một xứ sở bên ngoài Tổ quốc mình: "Sắp lại hết một năm lòng côi cút/ Hoa ban ơi như kỷ niệm vô tình/ Trên đất Úc, ai nửa đêm rít thuốc/ Có đau không, khói lại tô hình…". (Ngẫu khúc Úc Đại Lợi)

Từ những bài thơ đầu tiên, Hồng Thanh Quang đã có một hành trình thơ hơn 40 năm với hàng ngàn bài thơ anh đã viết. Tôi nghĩ, anh đã đi qua và thấu hết những buồn vui của kiếp người. Anh gửi tất cả những buồn vui nỗi niềm ấy vào thơ. Thơ là bản thể của anh, là con người anh và cũng là những gì anh muốn trao gửi cho cuộc đời như ngọn lửa được thắp lên trong từng con chữ: "Thêm những sợi tóc bạc lúc cây nẩy mầm non/ Đào cháy đỏ khi lòng ta buốt lạnh/ Mọi sự Tết sinh sôi, tứ thơ ta cần mẫn/ Nhuộm úa vàng trong những rờn xanh" (Vào xuân).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/yeu-va-dau-deu-la-qua-phuc-i696133/