Yêu cầu xử lý, nộp khoản chênh lệch hơn 3.000 tỷ đồng khi cổ phần hóa Tổng Cty Vicem

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chưa thực hiện việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch 3.011 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa Vicem, điều này không tuân thủ quy định.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, qua đó chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại cần phải khắc phục, xử lý.

Theo TTCP, tại thời điểm thanh tra, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Tổng công ty Vicem) vẫn chưa giải quyết triệt để một số khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 4 công ty, gây lỗ lũy kế lên đến 4.397 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu và vốn điều lệ của Tổng công ty Vicem là 100%, và đã đầu tư vào 4 công ty khác nhau. Trong đó, Vicem Tam Điệp đang ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 1.087 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng có số lỗ lũy kế là 161 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vicem Hạ Long ghi nhận số lỗ lũy kế là 3.435 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư từ Tổng công ty Sông Đà từ năm 2016. Cuối cùng, Vicem Sông Thao có số lỗ lũy kế lên tới 380 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư từ Tổng công ty HUD năm 2017.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cho thấy, việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018 đã có vi phạm tài chính tại Tổng công ty Vicem.

Tại thời điểm thanh tra, Tổng công ty Vicem cùng 3 Công ty TNHH MTV (Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Thạch) vẫn chưa hoàn thành quá trình cổ phần hóa nhưng qua kiểm tra, xem xét việc xử lý tài chính để cổ phần hóa cho thấy khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại tổng công ty phải được xử lý (tạm tính) lên tới 3.011 tỷ đồng.

TTCP cho rằng, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Vicem chưa thực hiện việc xử lý và thu nộp khoản tiền chênh lệch nghìn tỷ nêu trên vào ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa Vicem là không tuân thủ quy định của Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, TTCP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của Tổng công ty Vicem là 2.910 tỷ đồng, cũng như xử lý khoản chênh lệch 101 tỷ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty Vicem Hải Phòng theo quy định.

Mặt khác, TTCP còn yêu cầu rà soát, xác định lại và được ghi nhận vào phần vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Vicem khoản tiền tạm tính 1.507 tỷ đồng mà Công ty kiểm toán AASC, Tổng công ty Vicem không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ của 3 Công ty Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Thạch.

Sau quá trình thanh tra, TTCP còn kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định 2 vụ việc liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen). Vụ thứ nhất, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137m2 có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229 Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai. Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/yeu-cau-xu-ly-nop-khoan-chenh-lech-hon-3000-ty-dong-khi-co-phan-hoa-tong-cty-vicem-post1550684.tpo