Yêu cầu Hà Nội giải quyết ngay 4 vấn đề "nóng"

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt một số chỉ đạo của Thủ tướng tới lãnh đạo Hà Nội...

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra tại UBND thành phố Hà Nội ngày 26/9.

An toàn vệ sinh thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, an toàn giao thông… là những vấn đề nổi cộm Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải có chuyển biến trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng nhằm kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao cho UBND thành phố Hà Nội, ngày 26/9, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt một số chỉ đạo của Thủ tướng tới lãnh đạo Hà Nội, trong đó yêu cầu thành phố phải khẩn trương giải quyết 4 nội dung quan trọng nhằm chấn chỉnh, giảm thiểu tới mức thấp nhất những tồn tại, bất cập đang gây bức xúc trong dư luận. 4 việc mà Thủ tướng giao Hà Nội phải giải quyết ngay là: An toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn giao thông; chống buôn lậu, hàng giả và quản lý thất thoát trong chỉnh trang đô thị.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh một số tồn tại nêu trên mang tính “thâm niên”, thời gian gần đây, Hà Nội cũng nổi lên một số vấn đề “nóng” gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có vụ việc 8B Lê Trực, chuyện thất thoát trong quản lý cắt tỉa cây cỏ đường phố…

Báo cáo với tổ công tác, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết từ đầu năm tới ngày 15/9, Chính phủ, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện 95 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, còn 48 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện, không có nhiệm vụ nào quá hạn.

Tuy nhiên, tổ trưởng tổ công tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng qua theo dõi, Hà Nội hiện có tới 9 nhiệm vụ quá hạn, trong đó nổi bật là vụ xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, đã quá hạn tới 76 ngày.

Đặc biệt, tại buổi làm việc, báo cáo của một số lãnh đạo sở ngành Hà Nội về xử lý các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng không làm “hài lòng” tổ công tác.

Đơn cử là vụ việc 8B Lê Trực, dù Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo phải làm quyết liệt, song đến nay mọi việc vẫn ì ạch.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình, hiện đang tiến hành giai đoạn 1 việc phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, cụ thể là đã phá xong phần sàn tầng 19 và đang chuẩn bị phá dỡ các dầm, cột của tầng này. Dự kiến đến ngày 28/9 sẽ tiến hành cắt dầm, cột để hoàn tất việc cắt tầng 19 trong tháng 10.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa ra lý do chậm trễ là do công trình sát mặt đường, dân cư đông nên phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn. Hơn nữa cũng phải bảo đảm an toàn cho chính công trình vì đây chỉ là cắt ngọn chứ không phá dỡ toàn bộ…

Không hài lòng với lý giải trên, Bộ trưởng Mại Tiến Dũng đặt câu hỏi: “Gút lại là bao giờ xong, cắt bao nhiêu tầng và còn bao nhiêu tầng?”

Theo Chủ tịch Ba Đình Đỗ Viết Bình, công trình 8B Lê Trực sai phạm 1 tầng, giấy phép 18 tầng, làm 19 tầng, còn cấp phép chiều cao 53 m nhưng làm 68 m, sai phép 15 m. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng lên phương án cho giai đoạn 2 – giai đoạn xử lý chiều cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, vụ việc này khá nổi cộm nên lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở nhưng Hà Nội vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo.
“Công trình vi phạm cả số tầng và chiều cao, nhưng quan trọng là chiều cao. Phải lên phương án tổng thể cắt chiều cao công trình này, có thời hạn hoàn thành cuối cùng, chứ nói bây giờ đang cắt tầng, sắp tới trong năm 2017 sẽ xử lý chiều cao thì không hay. Đừng để người dân, dư luận hiểu khác đi”, Bộ trưởng Dũng nói.

Một nội dung khác cũng được tổ công tác truy lãnh đạo Hà Nội và chi phí cho việc cắt tỉa cây cỏ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kinh phí duy tu, duy trì cắt tỉa cây xanh và các vườn hoa thảm cỏ năm 2011 là 215 tỷ đồng. Đến năm 2016, thành phố dự toán 886 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhận thấy kinh phí này không hợp lý, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo 3 việc, trong đó có gặp gỡ đối thoại với 24 doanh nghiệp theo công thức đặt hàng. Sau đó, đơn giá định mức đã giảm từ 886 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng, giảm được 708 tỷ đồng.

Trước phản hồi của dư luận, Chủ tịch Hà Nội khẳng định, thành phố vẫn sẽ vẫn tiến hành cắt tỉa cây xanh, thảm cỏ, nhưng trong hơn 1 tháng qua, do tạm dừng để làm theo quy trình, định mức, đơn giá mới nên có một số tuyến đường chưa kịp cắt. Hà Nội sẽ vẫn làm và làm đẹp hơn, nhưng tiết kiệm hơn, Chủ tịch Hà Nội khẳng định và cho biết, sẽ đặt hàng chuyên gia thiết kế dải phân cách 4 tầng để hạn chế tưới nước, trồng mật độ dày chắn được ánh sáng của xe đi ngược chiều.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/yeu-cau-ha-noi-giai-quyet-ngay-4-van-de-nong-20160927091444722.htm