Yemen đã trở thành 'địa ngục nơi trần thế' như thế nào?

18 tháng nội chiến ở Yemen đến nay đã làm hơn 6.500 người thiệt mạng, hơn 2,5 triệu người khác phải di dời và gây ra một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng khiến hàng triệu người đứng trước nguy cơ chết đói.

CNN mới đây đã có bài viết về những nạn nhân của cuộc nội chiến tại Yemen với những hình ảnh khiến ai cũng đau lòng.

Ánh mắt sắc nhọn của Saida Ahmad Baghili trên giường bệnh tại một bệnh viện ở Yemen như đang van nài sự giúp đỡ. Cô đã 18 tuổi nhưng trong những bức ảnh mới được công bố hồi đầu tuần, dù khoác lên mình bộ quần áo của trẻ em, thân thể chỉ còn da bọc xương của cô vẫn không thể vừa. Baghii đang được điều trị vì suy dinh dưỡng trầm trọng tại bệnh viện al-Thawra ở thành phố cảng Biển Đỏ, Hodeida.

Người chỉ còn da bọc xương của cô gái 18 tuổi Baghii. Nguồn: CNN

Cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trở nên tồi tệ đối với những người dân Yemen như Baghii khiến Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc lo ngại rằng sẽ có một số lượng lớn người chết đói ở đất nước vốn đã bị chiến tranh tàn phá này.

Tổ chức này cho biết đã cung cấp lương thực cho hơn 3 triệu người mỗi tháng kể từ tháng 2/2016 nhưng đã bắt đầu phải vật lộn với chương trình này. Cơ quan Liên Hiệp Quốc đã chia đều các khẩu phần để có thể đến được tau của 6 triệu người hàng tháng nhưng nguồn lương thực đã bắt đầu cạn kiệt.

“Toàn bộ một thế hệ có thể sẽ bị tàn phá bởi nạn đói. Chúng tôi cần gia tăng các trợ giúp cứu mạng người này tới nhiều người hơn nữa, không chỉ có cung cấp lương thực mà còn các biện pháp điều trị, phòng ngừa thiếu chất. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ người dân Yemen”, Torben Due, giám đốc chương trình ở Yemen, cho biết.

“Chúng tôi cần cung cấp khẩu phần đầy đủ tới mọi gia đình cần hỗ trợ nhưng đáng buồn là chúng tôi lại phải giảm số lượng của các giỏ thức ăn và chia sẻ sự giúp đỡ giữa các gia đình kiệt quệ với nhu cầu ngày càng tăng”, ông Due nói thêm.

Baghii chỉ là một trong số hàng triệu người Yemen phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Nguồn: CNN

Xung đột

Cuộc chiến ở Yemen bắt đầu từ đầu năm 2015 khi nhóm nổi dậy Houthi, nhóm người thiểu số Shia ở phía Bắc đất nước, đánh phá chính phủ do Mỹ hậu thuẫn và chiếm thủ đô Sanaa. Đất nước Yemen trở thành chiến trường giữa Saudi Arab và Iran.

Một liên minh do Saudi dẫn đầu, gồm một vài quốc gia Ả Rập, bắt đầu chiến dịch quân sự từ tháng 3/2015, nhằm khôi phục chính phủ Yemen và ngăn chặn người Houthi và các lực lượng trung thành khỏi các vị trí quyền lực.

Cuộc xung đột kéo dài này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng khi liên minh Saudi vẫn tiếp tục tấn công lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn. Cuộc nội chiến khiến Chương trình Lương thực quốc tế của Liên Hiệp Quốc (WFP) phải cố gắng để đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ lương thực tại đây.

Tổ chức này dự định ngăn chặn nạn suy dinh dưỡng và chăm sóc cho 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và những bà mẹ nuôi con nhỏ. Hiện tổ chức đang tiến hành các hoạt động thông qua nhiều đối tác địa phương ở 2.200 trung tâm y tế tại 14 khu vực trên khắp Yemen.

Vấn nạn suy dinh dưỡng

Yemen là một trong những quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới ngay cả trước khi xảy ra xung đột. WFP lấy ví dụ khu vực Hodeida, nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi lên tới 31%, cao gấp đôi so với các khu vực tồi tệ nhất trên thế giới.

Yemen có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới hiện nay. Nguồn: CNN

Theo một báo cáo hồi tháng 6, 14,1 triệu người Yemen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, trong đó có 7 triệu người ở tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Ở một số vùng tại Yemen, 70% dân số phải vật lộn để kiếm cái ăn hàng ngày.

WFP cũng cho biết tổ chức này cần hơn 257 triệu USD để hỗ trợ lương thực cho Yemen tới tháng 3 năm sau.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/yemen-da-tro-thanh-dia-nguc-noi-tran-the-nhu-the-nao-post212563.info