Ý tưởng về chiếc máy bay lớn nhất thế giới chỉ chuyên chở một mặt hàng

Ý tưởng chiếc máy bay lớn nhất thế giới chỉ phục vụ vận chuyển một loại hàng đặc biệt, là mặt hàng phổ biến trong thời đại năng lượng tái tạo lên ngôi.

Ý tưởng “càng lớn càng tốt” chắc chắn được áp dụng cho tuabin gió. Tuy nhiên, những cánh quạt khổng lồ cần thiết cho các tuabin gió ngoài khơi mạnh nhất hiện nay không thể dễ dàng vận chuyển trên đất liền, khiến việc sử dụng chúng bị hạn chế.

Mặt khác, trong thời đại mà năng lượng tái tạo không chỉ là sự lựa chọn, mà còn là điều cần thiết, nhu cầu về các tuabin gió lớn hơn và hiệu quả hơn đang gia tăng. Với những tuabin khổng lồ có cánh quạt dài bằng sân bóng đá, các trang trại gió ngoài khơi là minh chứng cho mục tiêu này. Những gã khổng lồ về năng lượng tái tạo đang hướng tới điện gió ngoài biển, bởi tiềm năng to lớn của chúng chưa được khai thác nhiều so với trên đất liền. Tuy nhiên, hình thức này cũng phát sinh bất cập đó là việc vận chuyển các công trình tuabin gió khổng lồ bằng các phương tiện thông thường.

WindRunner của Enter Radia sẽ là máy bay lớn nhất thế giới từng được chế tạo. (Ảnh: Enter Radia)

Chính vì thế, mới đây, một công ty khởi nghiệp về năng lượng có trụ sở tại Colorado tin rằng, họ đã có câu trả lời cho vấn đề này: Đó là một chiếc máy bay khổng lồ được chế tạo, nhằm mục đích vận chuyển những cánh tuabin siêu khủng về kích cỡ.

Enter Radia vừa tiết lộ kế hoạch chế tạo chiếc máy bay lớn nhất thế giới. Được mệnh danh là WindRunner, chiếc máy bay khổng lồ này hứa hẹn sẽ cách mạng hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo, bằng cách đơn giản hóa việc vận chuyển các cánh tuabin gió kích cỡ khổng lồ.

Kích thước khổng lồ của WindRunner thậm chí còn lớn hơn cả những chiếc máy bay thương mại mang tính biểu tượng nhất. Với chiều dài đáng kinh ngạc là hơn 108 m, chiều cao 24 m và sải cánh gần 80 m, nó vượt xa chiều dài của chiếc Boeing 747-8 tới 32 m. Kích thước đặc biệt giúp phương tiện có khả năng chuyên chở khổng lồ lên tới 80 tấn - gấp 12 lần so với chiếc Boeing 747.

Nhiệm vụ chính của WindRunner là vận chuyển những cánh quạt tuabin gió khổng lồ. (Ảnh: Enter Radia)

Tất nhiên, hình dạng khổng lồ của WindRunner sẽ cần có cơ sở hạ tầng chuyên dụng. Sẽ cần có các đường băng dài hơn 1.800 m tại các địa điểm nơi các cánh tuabin được sản xuất hay bãi đáp công trình để phục vụ cho việc hạ cánh, và cất cánh an toàn, bền vững, hiệu quả.

Nhiệm vụ chính của WindRunner là vận chuyển những cánh quạt tuabin gió khổng lồ. Chúng có thể đạt chiều dài từ 45-90m và có thể nặng tới 35 tấn. Thực tế, những kích thước khổng lồ này bị hạn chế nghiêm trọng các phương thức vận chuyển hiện có.

Enter Radia tuyên bố trên trang web của mình: “Các tuabin gió lớn nhất hiện nay và trong tương lai không thể được vận chuyển đến các trang trại năng lượng gió ngoài khơi dễ dàng thông qua cơ sở hạ tầng mặt đất. Rào cản hậu cần này chính là nguồn cảm hứng đằng sau dự án máy bay WindRunner ra đời”.

HUỲNH DŨNG (Nguồn: Interestingengineering)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/y-tuong-ve-chiec-may-bay-lon-nhat-the-gioi-chi-chuyen-cho-mot-mat-hang-ar859245.html