Y tế Tiền Giang 'bắt nhịp' chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong ngành Y tế đang và sẽ thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám, chữa bệnh (KCB) để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế.KỲ VỌNG CHO BƯỚC 'CHUYỂN MÌNH'

Để phát huy hiệu quả tối đa thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chú trọng công tác đào tạo để mỗi cán bộ, y, bác sĩ làm chủ được công nghệ mới, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: VĂN THẢO

Với quan điểm của chuyển đổi số trong ngành Y tế là lấy người dân làm trung tâm, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai Bệnh án điện tử nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để triển khai các nền tảng số y tế khác góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế… Đến nay, việc chuyển đổi số y tế bước đầu đã đạt được các kết quả tích cực về: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số; an toàn, an ninh mạng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, ngành Y tế Tiền Giang đã triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) liên quan đến lĩnh vực KCB, như: “Triển khai thí điểm KCB bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp”; “liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe”; “liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định bảo hiểm y tế”.

Qua thời gian triển khai thực hiện, Đề án 06 đã góp phần giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB, tiến tới KCB không dùng hồ sơ bệnh án truyền thống mà dùng bệnh án điện tử.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang trong giai đoạn hoàn tất Đề án Xây dựng Bệnh án điện tử, tiến tới một bệnh viện không giấy, một hệ thống y tế thông minh, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian cho các bác sĩ viết tay hồ sơ bệnh án, tránh sai sót, nhầm lẫn dựa trên các công cụ và phần mềm tích hợp trên hệ thống máy chủ, từ đó bác sĩ sẽ dành được nhiều thời gian cho việc phục vụ người bệnh.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng cho hoạt động chuyển đổi số ngành Y tế sẽ tăng tính khả dụng và tiện lợi. Bảo hiểm y tế được tích hợp trong CCCD, khi đó người dân đến khám không cần mang nhiều giấy tờ y tế; lưu giữ những thông tin quan trọng một cách thông suốt và minh bạch. Các hồ sơ bệnh nhân điện tử và các hệ thống quản lý y tế số hóa cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng và hiệu quả giữa các cơ sở y tế khác nhau.

Đồng thời, một bệnh nhân có thể chuyển tiếp hồ sơ y tế của cá nhân với các bệnh viện khác một cách dễ dàng, giúp cung cấp thông tin liên quan và nhanh chóng phục vụ cho quá trình chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế có thể tối ưu hóa quy trình làm việc của nhân viên y tế như hệ thống hẹn lịch trực tuyến và tư vấn y tế từ xa giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bác sĩ và bệnh nhân. CNTT cũng có thể hỗ trợ quản lý kho thuốc, theo dõi dược phẩm và quy trình giao nhận, giúp giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu suất…

THÁCH THỨC

Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, như: Nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế; nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu và yếu do thiếu cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số y tế.

Hệ thống lấy số thứ tự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang giúp người dân thuận tiện khi đến khám bệnh. Ảnh: VĂN THẢO

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Văn Trầm cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đòi hỏi đầu tư về cơ sở hạ tầng, phần mềm và quá trình đào tạo nhân viên, điều này có thể gây ra áp lực về tài chính. Một số nhân viên y tế và bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với công nghệ mới và cảm thấy không thoải mái khi sử dụng các hệ thống số hóa.

Điều này đòi hỏi sự đào tạo và hỗ trợ thích hợp để đảm bảo rằng mọi người có khả năng sử dụng và tận dụng tối đa lợi ích của chuyển đổi số. Trong giai đoạn đầu khi triển khai KCB bằng thẻ CCCD, đa phần người bệnh chưa được định danh điện tử mức 2 nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng chưa được triển khai thuận lợi do thói quen sử dụng tiền mặt của người sử dụng dịch vụ KCB.

Thực tế hiện nay, trong lĩnh vực y tế, có nhiều hệ thống và phần mềm khác nhau được sử dụng bởi các cơ sở y tế khác nhau. Sự không tương thích và thiếu chuẩn hóa có thể gây khó khăn trong việc chuyển đổi số và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống này. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác và chuẩn hóa giữa các bên liên quan trong lĩnh vực y tế.

Một trong những khó khăn khác là đảm bảo độ tin cậy và sẵn sàng của hệ thống số hóa y tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp mất kết nối mạng hoặc sự cố kỹ thuật, khi việc truy cập và chia sẻ thông tin y tế có thể bị ảnh hưởng. Cần có các biện pháp phòng ngừa và dự phòng để đảm bảo rằng dữ liệu y tế luôn sẵn sàng và tin cậy.

Tại hội nghị chuyển đổi số trong công tác y tế tỉnh Tiền Giang năm 2023 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu hy vọng rằng, trong thời gian tới, tất cả các cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác điều trị và phòng bệnh.

Ngành Y tế tỉnh nhà cần phải đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, phòng bệnh và quản lý sức khỏe người dân dựa trên các nền tảng.

Đây được coi là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, cần phải thực hiện thống nhất, đồng bộ trong các hoạt động của ngành. Ngành Y tế phải có kế hoạch phát triển chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng, theo lộ trình từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã để đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn cũng như quản lý tốt sức khỏe của người dân…

Theo Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Y tế, có 4 danh mục nền tảng số y tế. Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là một y bạ điện tử cho mỗi người dân, ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi; đây được coi là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh. Nền tảng Quản lý tiêm chủng cung cấp công cụ, dịch vụ cho mọi cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc tổ chức tiêm phòng cho người dân tại Việt Nam.

Nền tảng này cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, cho phép cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm, lập danh sách tiêm, thực hiện tiêm và tổng hợp thông tin sau tiêm; nền tảng này sẽ tích hợp dữ liệu với Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử. Nền tảng Hỗ trợ tư vấn KCB từ xa cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hằng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ.

Nền tảng này sẽ giúp người dân tiếp cận được dịch vụ KCB có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Đối với nền tảng Trạm Y tế xã/phường đảm bảo tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Dương cho biết, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung triển khai Đề án 06, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, bám sát các văn bản hướng dẫn, các chương trình, đề án của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đặc biệt là tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số y tế để các cơ quan, đơn vị, người dân hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số y tế; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi KCB bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế…

HÀ NAM - LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202310/y-te-tien-giang-bat-nhip-chuyen-doi-so-994262/