Y tế Bình Dương tinh gọn bộ máy, cải thiện về chất

Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, y tế Bình Dương đối mặt với đại dịch COVID-19. Đây là thử thách chưa có tiền lệ, lần đầu đối diện qua đó đã bộc lộ điểm yếu của y tế tỉnh để từ đó nhanh chóng tháo gỡ.

Sau đại dịch, Y tế tỉnh Bình Dương tạo đột phát chọn sắp xếp tổ chức bộ máy y tế công lập theo hướng tinh – gọn – mạnh.

Từ năm 1998 đến năm 2004: trên địa bàn tỉnh Bình Dương y tế tuyến huyện chỉ có một đơn vị sự nghiệp y tế là Trung tâm Y tế trực thuộc Sở Y tế.

Các năm 2005-2012: Tách Trung tâm Y tế tuyến huyện thành Phòng Y tế trực thuộc UBND huyện, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn, quản lý trạm y tế.

Tinh gọn bộ máy của y tế Bình Dương, giúp tỉnh này "cân bằng" được tình trạng đang thiếu bác sĩ

Trung tâm Y tế dự phòng, BVĐK và Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện là đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Y tế.

Đến năm 2013, ngành Y tế đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiến hành sáp nhập các Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện thành 1 Trung tâm Y tế đa chức năng

Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chia tách và sáp nhập lại mô hình y tế tuyến huyện.

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy Bình Dương khóa XI, đánh giá:

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chú trọng, nhất là chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp và huy động sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong cả nước để nhanh chóng khống chế dịch bệnh COVID-19, chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ người có công và người có hoàn cảnh khó khăn trước, trong và sau đại dịch được triển khai thực hiện sâu rộng, kịp thời "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ngành y tế Bình Dương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Qua 6 năm thực hiện chủ trương này của Trung ương và tỉnh, ngành y tế Bình Dương đã giảm đáng kể số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoặc tực chủ một phần, tăng số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

Ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để người dân được yên tâm điều trị

Ngành Y tế đã tham mưu sáp nhập, tinh gọn các Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh (HIV-AIDS; Phòng chống bệnh xã hội, Truyền thông giáo dục sức khỏe; Sức khỏe Lao động và Môi trường; Y tế dự phòng) thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Sáp nhập nhiều phòng, ban của các đơn vị y tế công lập, giải thể Trung tâm tư vấn thuộc Chi cục Dân số & KHHGĐ...

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngành Y tế giảm được 4 đơn vị đầu mối, đồng thời tăng 2 đơn vị tự chủ tài chính; giảm số lượng cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức quản lý, hành chính, tăng số lượng viên chức làm việc chuyên môn tại các đơn vị sau khi sáp nhập lại.

Việc tổ chức lại các đơn vị y tế đã tập trung nguồn lực về một đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, phát huy tối đa khả năng phục vụ chuyên môn khám, chữa bệnh.

Sở Y tế Bình Dương đã giảm số các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, tăng số lượng lớn các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

Việc sắp xếp, phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhất là các cơ sở nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, ngân sách đầu tư những lĩnh vực phục vụ đối tượng yếu thế, các lĩnh vực không thu hút được tư nhân đầu tư, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nhà nước, đa dạng các nguồn lực đầu tư của xã hội.

Tiếp tục giảm số lượng đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế quản lý theo hướng rà soát chức năng nhiệm vụ chồng chéo.

Tăng số lượng đơn vị tự chủ tài chính, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, trong đó tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí đào tạo và khấu hao tài sản trong lĩnh vực y tế.

Bình Dương: Chi cục DS-KHHGĐ chuyển thành Phòng DS-KHGĐ thuộc Sở Y tế

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tiến hành tinh gọn bộ máy thực hiệnsáp nhập Chi cục Dân số & KHHGĐ vào Sở Y tế, trở thành phòng Dân số & KHHGĐ của Sở Y tế.

Giải thể Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, chuyển chức năng khám chữa bệnh sản phụ khoa cho Khoa Sản-BVĐK tỉnh, chuyển chức năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Bình Dương đang rất thiếu bác sĩ, địa phương này đang có nhiều chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực khám, điều trị cho người dân

Nghiên cứu sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng vào Bệnh viện Y học cổ truyền để tận dụng vai trò chuyên môn có thể hỗ trợ nhau giữa các chuyên khoa PHCN và YHCT. Hướng tới phát triển thành mô hình bệnh viện điều trị và chăm sóc dài hạn. Thành lập các Trung tâm Thuốc đông dược; trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng xoa bóp bấm huyệt, xông tắm lá thuốc, trung tâm điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ thuộc bệnh viện. Thành lập khoa an dưỡng thuộc bệnh viện, tổ chức an dưỡng cho người bệnh và đối tượng khác có nhu cầu.

Hiện tại các Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện đa chức năng: Khám chữa bệnh, dự phòng và dân số. Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các Trung tâm Y tế cấp huyện cho UBND huyện quản lý, trước mắt tổ chức thực hiện thí điểm tại một số địa phương đủ điều kiện, phấn đấu đến hết năm 2025 chuyển toàn bộ TTYT huyện về địa phương quản lý.

Do mô hình hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực không còn thích hợp trong tình hình mới và hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh không hiệu quả. Do vậy, từng bước giải thể các phòng khám này, chuyển chức năng khám chữa bệnh của của các phòng khám đa khoa khu vực về Trạm Y tế xã.

Với các phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng kiên cố, đủ các chuyên khoa thì tiếp tục phát triển thông qua hình thức xã hội hóa (kêu gọi tư nhân tham gia khám, điều trị bệnh; tái cấu trúc lại theo hướng đầu tư công, quản trị tư) hoặc thành lập mô hình phòng khám vệ tinh của TTYT huyện.

Tiếp tục cải tổ bộ máy, tăng cường năng lực các đơn vị công lập

Giảm các đơn vị công lập trong ngành y tế mặc dù có nhiều thuận lợi do thu gọn đầu mối, giảm lực lượng gián tiếp nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, nhất là giảm tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Hơn nữa việc tiếp tục giảm số lượng các đơn vị công lập ngành y tế cũng sẽ đến lúc có giới hạn. Tuy nhiên nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh Bình Dương là địa phương có nguồn lực y tế (bác sĩ/vạn dân và giường bệnh/vạn dân) thuộc hàng thấp nhất trong toàn quốc.

Vì vậy cùng với việc thu gọn đầu mối, giảm các đơn vị công lập thì cũng cần phải thành lập các đơn vị công lập mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và của xã hội.

Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập mới phải đáp ứng 3 nguyên tắc:

Không tăng thêm biến chế hưởng lương từ ngân sách. Phải tự chủ chi thường xuyên hoặc có lộ trình tự chủ cụ thể, sắp xếp, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để hạn chế đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước. Các phương án dự kiến phát triển trong thời gian tới như sau:

Phát triển bệnh viện đa khoa tỉnh với khả năng thực hiện nhiều kỹ thuật tuyến cuối tiến tới thành lập các trung tâm chuyên môn sâu như: trung tâm Tim mạch, trung tâm đột quỵ, trung tâm chấn thương chỉnh hình, trung tâm Ung bướu và trung tâm cấp cứu ngoại viện;

Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các mô hình mới để chuyển đổi hình thức hoạt động các khoa (khoa tâm thần, khoa nhiệt đới, khoa sản, khoa nhi…) thành các trung tâm chuyên khoa trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành cơ sở 2 của bệnh viện tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động. Khoa sản và khoa nhi sẽ tổ chức, sắp xếp lại nếu đủ điều kiện thì thành lập Bệnh viện sản - nhi.

Xây mới và nâng cấp các TTYT huyện, thị, thành phố lên hạng I và II theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính, có thể tách bệnh viện từ hạng II trở lên ra khỏi Trung tâm Y tế. Mở rộng và phát triển các hình thức xã hội hóa tại tuyến y tế cơ sở

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, ngành y tế đã thực hiện rất tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, thu gọn đầu mối, giảm các đơn vị y tế công lập đồng thời cải tổ bộ máy, tăng cường năng lực các đơn vị công lập để đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Thanh Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y-te-binh-duong-tinh-gon-bo-may-cai-thien-ve-chat-169230920120713617.htm