Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch của người Việt Nam

Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ Tết Đoan ngọ là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và mang nhiều ý nghĩa khác biệt.

Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên và Việt Nam.

Ở Việt Nam, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.

Người dân thường cúng rượu nếp và hoa quả ngày Tết Đoan ngọ.

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ được “Việt hóa” thành ngày Tết ‘diệt sâu bọ’ và thờ cúng tổ tiên.

Người Việt Nam gọi như vậy vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục phòng bệnh. Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết Đoan ngọ.

Hằng năm cứ đến mồng 5/5 Âm lịch, con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố gắng thu xếp để về.

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật.

Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm.

Cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà...

Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5.

Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

Video: Hoa quả, rượu nếp đắt hàng ngày Tết Đoan ngọ

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ.

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày.

Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

Như vậy, có thể nói Tết Đoan ngọ là Tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khỏe. Tết Đoan ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ Tết truyền thống.

Lưu Ly (tổng hợp)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/giao-duc/y-nghia-tet-doan-ngo-5-5-am-lich-d326194.html