Xung quanh vụ việc hàng tấn lá Khat về Việt Nam: Lộ rõ những kẽ hở của pháp luật

(HQ Online)- Đầu tháng 7-2016, Cục Hải quan Hà Nội chính thức thông tin việc phối hợp triệt phá thành công chuyên án E316, bắt giữ các lô hàng thảo mộc sấy khô (lá Khat) chứa chất ma túy, vận chuyển qua đường Bưu chính quốc tế, tang vật thu giữ gồm 199 kiện hàng, tổng trọng lượng khoảng 2,5 tấn.

Lô hàng thảo mộc sấy khô (lá Khat) chứa chất ma túy, vận chuyển qua đường Bưu chính quốc tế bị bắt giữ. (Ảnh: N.LINH)

Trước đó, các tháng 5, 6 Cục Hải quan TP.HCM đã liên tiếp phát hiện các lô hàng có tính chất tương tự, thu giữ khoảng 3 tấn lá Khat NK. Theo nhận định của Ban chuyên án, đây là một đường dây vận chuyển trái phép thảo mộc khô có chứa chất ma túy (thành phần Cathinone-một chất ma túy cực mạnh) có diễn biến phức tạp, có tổ chức, quy mô lớn, phạm vi rộng trên toàn quốc. Mặc dù vậy, để xử lý các cá nhân, tổ chức vận chuyển ma túy thảo mộc này lại không dễ do sự sơ hở trong quy định của pháp luật hiện hành.

Thế giới có loại mới nào, Việt Nam xuất hiện loại đó

Theo nhận định của C47, trong 6 tháng cuối năm, hoạt động tội phạm ma túy tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng chú ý có sự gia tăng hoạt động của các đường dây ma bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm vận chuyển ma túy qua đường biển, đường hàng không, đường bưu điện. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C47 đánh giá, mỗi năm xuất hiện loại ma túy mới. Thế giới có loại mới nào thì Việt Nam xuất hiện loại đó. Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy, nhất là tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, C47 và các ngành liên quan đã tham mưu Bộ Công an và lãnh đạo các ngành có biện pháp chủ động đấu tranh ngăn chặn thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc chuyển đi nước thứ ba. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, các lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan kiểm soát chặt các tuyến trọng điểm này.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng C47)

Các đối tượng lợi dụng Việt Nam là nước XK chè, khi làm thủ tục XNK, các cá nhân và DN đều khai báo với cơ quan Hải quan là cây thảo mộc sấy khô, cây chùm ngây khô, chè khô để thông quan các lô hàng này đến nước thứ 3. Thủ đoạn của các đối tượng rất mới, chúng mượn đường Việt Nam sau khi NK về đóng lại theo mác cây ở Việt Nam để xuất đi các nước trên thế giới. Đáng chú ý, có một số lượng lá Khat đã “qua mặt” Cục Kiểm dịch thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và được cơ quan này cấp giấy phép xuất khẩu đi Mỹ. Do khai báo gian dối cộng với giấy phép chứng nhận lá khô nên lô hàng này nếu không kịp thời bị phát hiện sẽ được thông quan và XK. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ.

Trước sự việc này, ông Hoàng Trung-Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Theo đúng quy trình và đúng chức năng thì cán bộ kiểm dịch thực vật của đơn vị có nhiệm vụ kiểm tra số hàng hóa này. Khách hàng đến khai báo là lá chè và có kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước XK. Hơn nữa tên khoa học thể hiện rất rõ, nhìn thì cũng đúng là lá khô rồi. Cũng vì là lá khô nên những nguy cơ về kiểm dịch thực vật không cao. Hiện chúng tôi đã yêu cầu cả hệ thống kiểm dịch thực vật tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhanh chóng, kịp thời đối với các loại lá khô ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các loại lá như lá Khat. Chúng tôi cũng đang ra những văn bản gửi cho các nước XK yêu cầu giải thích tại sao gọi đó là chè và cấp giấy chứng nhận cho lá đó là chè, trong khi về Việt Nam thì cơ quan chức năng lại phát hiện đó là lá Khat”.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chưa đáng lo ngại bằng việc... khó có thể xử lý hình sự vụ vận chuyển lá Khat bởi những văn bản quy phạm pháp luật lộ ra những kẽ hở đối với loại tội phạm về ma túy.

Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ghi rõ Cathinone nằm trong danh mục I, đứng thứ 9, là một chất ma túy cực mạnh tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Nhưng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (đang được sửa đổi) và Bộ luật Hình sự 2009 thì lá Khat lại chưa được quy định.

Theo Trung tá Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an, do Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi một số Điều, nên lá Khat mặc dù quy định trong danh mục I nhưng lại chưa được quy định cụ thể trong Luật nên C47 đang xin ý kiến cấp trên để xử lý.

Về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C47, Bộ Công an chỉ rõ, Bộ luật Hình sự năm 2015, tại Điều 247 quy định từng mức phạt tù cho "Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy". Luật để mở các loại "cây khác" chính là nhằm khi phát hiện cây ma túy mới, ngoài 3 loại cây cô ca, cần sa, thuốc phiện, thì sẽ xử lý được về mặt pháp luật. Như vừa qua lá Khat chính là "các loại cây khác có chứa chất ma túy". Nhưng tại các Điều sau đó như 247, 248, 249, 250 lần lượt quy định mức phạt tù về "Tội sản xuất trái phép chất ma túy"; "Tội tàng trữ trái phép chất ma túy"; "Tội vận chuyển trái phép chất ma túy", khi cụ thể hóa từng hành vi trong các Điều, Luật lại chỉ xử lý hình sự với người nào tàng trữ mua, bán, vận chuyển "lá, thân, rễ cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cô ca". Như vậy, các “cây khác”, trong đó có lá Khat đã bị bỏ qua. Đây thực sự là kẽ hở trong Bộ luật Hình sự.

Ông Tuấn cho biết thêm, kẽ hở trong Luật đã được C47 báo cáo Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Luật. Đồng thời, có văn bản báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để cơ quan này xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ lá Khat, xử lý hình sự những người vi phạm liên quan đến loại lá này.

Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển ma túy đang ngày càng tinh vi, tập trung vào các mặt hàng thông thường dễ qua mặt cơ quan quản lý như: Đồ may mặc của Việt Nam xuất đi các nước, giày dép, ép vào tranh ảnh, đưa vào thiết bị máy, thậm chí gửi quà cho các cá nhân nước ngoài dưới hình thức chè, cà phê; hay gói trong giấy bạc, giấy carbon tránh thiết bị soi, chó nghiệp vụ. Thời gian gần đây cơ quan Hải quan đã phát hiện hiện tượng NK hạt giống cần sa mang về Việt Nam gieo trồng, đang phối hợp với các lực lượng đấu tranh với loại tội phạm mới này. Bước đầu phát hiện có những vụ vận chuyển ma túy với khối lượng không lớn qua đường chuyển phát nhanh. Theo đánh giá của lực lượng Hải quan, đối tượng đang "dò đường" nếu như trót lọt sẽ gửi số lượng lớn.

Để tăng cường công tác đấu tranh, lực lượng Hải quan đã tăng cường CBCC có kinh nghiệm để rà soát toàn bộ lô hàng XNK qua đường bưu chính. Áp dụng quản lý rủi ro vào nghiệp vụ đối với hàng hóa chuyển phát nhanh, tăng cường rà soát đối tượng, phân tích tuyến trọng điểm để điều tra, xác minh kỹ. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Cục Hải quan Hà Nội, C47, C54 (Bộ Công an), PC45 - Công an Thành phố Hà Nội để tăng cường công tác triệt phá đường dây vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh.

(Ông Hoàng Minh Tú - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan
chuyển phát nhanh- Cục Hải quan Hà Nội)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xung-quanh-vu-viec-hang-tan-la-khat-ve-viet-nam-lo-ro-nhung-ke-ho-cua-phap-luat.aspx