Xung đột vũ trang không chỉ gây thương vong trực tiếp cho các bên mà còn 'tiếp tay' cho dịch bệnh lây lan, hoành hành.

Xung đột vũ trang không chỉ gây thương vong trực tiếp cho các bên mà còn 'tiếp tay' cho dịch bệnh. Đây là phát biểu của bà Melita Vujnovic- đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga.

Bà Melita Vujnovic

Hãng tin TASS dẫn lời bà Vujnovic: “Tất cả những cuộc xung đột trên toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến đều có thể ảnh hưởng đến tình hình lây lan của Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác. Vì vậy, đây là một tình huống đầy thách thức đối với đội ngũ nhân viên y tế”.

Như tại Ucraine hồi đầu năm khi xung đột mới xảy ra, chỉ trong một tuần của tháng 3, đã có gần 800 ngàn người Ucraine bị mắc Covid-19 và gần 8 ngàn ca tử vong là dân nước sở tại và vùng lân cận. Tình trạng thiếu thuốc men, ô xy dự trữ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị Covid-19 và các bệnh khác. Người tỵ nạn cũng làm cho dịch bệnh phức tạp thêm. Quá trình họ tìm nơi lánh nạn có thể vô tình mang bệnh truyền cho người khác và dễ lây nhiễm từ người nhiễm bệnh.

Hồi cuối tháng 10 năm nay, phát biểu trên truyền thông Đức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới diễn ra ở Berlin, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên thế giới, mặc dù số ca tử vong trong đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh.

Trong đại dịch Covid-19, số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng mạnh, trong đó riêng các trường hợp trầm cảm và lo âu tăng 25%. Nhóm người bị ảnh hưởng nặng nhất là trẻ em vì phải nghỉ học trong thời gian dài. Bạo lực gia đình cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là trong các gia đình có không gian sống chật hẹp.

Covid-19 chưa kết thúc thì bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang lan rộng, dịch Ebola ở Uganda và dịch tả đã được báo cáo từ 27 quốc gia, trong đó 11 quốc gia chưa từng xuất hiện dịch tả trước đây.

Về cảnh báo mới đây của bà Vujnovic, đại diện WHO dẫn từ khía cạnh lịch sử, những cuộc xung đột vũ trang và các bệnh truyền nhiễm thường song hành với nhau. Mọi tình huống xung đột đều có thể làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bà Vujnovic cho rằng chưa thể xem dịch Covid-19 là bệnh theo mùa như cúm mùa, bởi thế giới vẫn đang "trong giai đoạn đại dịch" dù không nghiêm trọng như giai đoạn người dân hoàn toàn không có miễn dịch. Theo phân tích của bà, năm đầu tiên bùng phát dịch là thời điểm nghiêm trọng nhất, sang năm thứ hai dịch bệnh vẫn đặt ra thách thức đáng kể. Quan chức WHO khẳng định đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, virus vẫn gây nhiều ca bệnh và làn sóng lây nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp.

TS ( từ TTXVN, Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Y tế)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/741/202211/xung-dot-vu-trang-khong-chi-gay-thuong-vong-truc-tiep-cho-cac-ben-ma-con-tiep-tay-cho-dich-benh-lay-lan-hoanh-hanh-5795003/