Xung đột tại Ukraine: Nổ gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, IAEA kêu gọi 'kiềm chế quân sự tối đa', báo Mỹ nói Hungary ngăn EU làm điều này

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine đã trở thành tâm điểm giao tranh kể từ khi lực lượng Nga kiểm soát hồi tháng 3/2022.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Ngày 23/2, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi kêu gọi “kiềm chế quân sự tối đa” sau khi xảy ra một loạt vụ nổ lớn gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Trong tuyên bố, ông Grossi cảnh báo các vụ nổ lớn đã làm rung chuyển ZNPP, đồng thời nhấn mạnh cần phải kiềm chế quân sự tối đa để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân.

Bên cạnh đó, người đứng đầu IAEA cho biết, không thể xác định chính xác nguồn gốc hoặc hướng của các vụ nổ, ngoại trừ vụ việc xảy ra hôm 22/2. Ban quản lý ZNPP mô tả đây là hoạt động huấn luyện tại hiện trường, nhưng không có vụ pháo kích hay bất kỳ thiệt hại nào đối với nhà máy.

Các quan chức IAEA đã có mặt tại hiện trường để giám sát ZNPP kể từ tháng 9/2022. 6 tổ máy, trước xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022) sản xuất khoảng 1/5 lượng điện của quốc gia Đông Âu, đã ngừng hoạt động.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã trở thành tâm điểm giao tranh kể từ khi lực lượng Nga kiểm soát hồi tháng 3/2022. Cả Moscow và Kiev đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm sự an toàn của ZNPP.

Trong diễn biến khác liên quan tình hình xung đột, tờ Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn tin tiết lộ, Hungary đã ngăn chặn các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ký tuyên bố chung đánh dấu 2 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tuyên bố chung dự kiến được đưa ra trong ngày 23/2, song kế hoạch này đã thất bại do lập trường phản đối của Budapest. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã đưa ra tuyên bố chung của riêng 3 nhà lãnh đạo này.

Cũng có thông tin cho rằng, lý do dẫn đến sự phủ quyết của Hungary hiện vẫn chưa rõ ràng. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, một quốc gia thành viên EU không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ nghi ngờ đối với một số nội dung trong tuyên bố.

Hungary có vị trí đặc biệt trong EU liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Budapest ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của cộng đồng những người nói tiếng Nga.

Quốc gia Trung Âu tìm cách giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại kinh tế từ các biện pháp trừng phạt Moscow và duy trì đối thoại với Nga, đồng thời kêu gọi triển khai giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-tai-ukraine-no-gan-nha-may-dien-hat-nhan-zaporizhzhia-iaea-keu-goi-kiem-che-quan-su-toi-da-bao-my-noi-hungary-ngan-eu-lam-dieu-nay-261890.html