Xung đột Nga - Ukraine: Quốc gia Baltic bi quan vì 'kỳ vọng quá cao' vào Kiev, Pháp tính đổi hướng

Ngày 3/1, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte thừa nhận, nước này có lẽ đã quá lạc quan về cơ hội chiến thắng của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Xung đột Nga-Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 3 với những tuyên bố cứng rắn từ cả hai bên. (Nguồn: Adobe Stock). (Nguồn: Adobe Stock)

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia LRT, Thủ tướng Simonyte đã đề mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với Lithuania, chia sẻ rằng: “Có lẽ sẽ không quá cường điệu khi nói rằng chúng ta mong đợi một kết quả rất khác từ cuộc chiến năm 2023 so với những gì chúng ta có được trên thực tế".

Theo bà, với chiều hướng của cuộc xung đột, "phải bắt đầu tính đến thực tế là kịch bản sẽ không diễn ra như những gì chúng ta mong muốn từ đầu (năm 2023), trước khi chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu”.

Nữ lãnh đạo quốc gia Baltic nói rằng, Lithuania “có lẽ đã xem nhẹ tình hình một chút”, khi kỳ vọng Ukraine “thực sự bảo vệ các giá trị của cả châu Âu và phương Tây” bằng tất cả các loại vũ khí và sự hỗ trợ mà Kiev đã nhận được, song ước muốn này “đã không trở thành hiện thực”.

Tuyên bố, tất cả những người tin rằng quân đội Ukraine sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước quân đội Nga đều “vội vàng trong đánh giá của họ”, Thủ tướng Simonyte khẳng định năm 2024 có thể sẽ “khó khăn” từ cả giác độ quân sự và chính trị.

Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trên đài phát thanh France Info, Đại sứ Pháp tại Kiev Gael Veyssiere cho biết, Paris dự định tiếp tục duy trì chiến lược hỗ trợ Ukraine, song sẽ dần thay đổi bản chất tới mục tiêu là sản xuất nhiều vũ khí hơn ngay tại quốc gia Đông Âu, thay vì chỉ tiến hành thông qua quyên góp hoặc mua bán.

Nhà ngoại giao Pháp nhận định, sẽ “mất chút ít thời gian” để thay đổi chính sách, theo đó, 2024 sẽ là “năm mà hoạt động sản xuất vũ khí ở Ukraine phải tăng lên và là lúc mà Kiev ngày càng phải có khả năng dựa vào nguồn tài nguyên của chính họ, được sản xuất trên lãnh thổ của họ”.

Phát biểu của Đại sứ Pháp được cho là tương tự quan điểm được Washington áp dụng trong nhiều tháng qua, khi Mỹ và các đồng minh cạn kiệt kho vũ khí mà họ có thể gửi tới Ukraine.

Pháp đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá hơn 3,2 tỷ Euro (3,51 tỷ USD), bao gồm 30 pháo tự hành Caesar, xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép chở quân, tên lửa chống tăng và phòng không, cũng như “vài chục” tên lửa tầm xa Storm Shadow, cùng các loại vũ khí khác.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-quoc-gia-baltic-bi-quan-vi-ky-vong-qua-cao-vao-kiev-phap-tinh-doi-huong-256134.html