Xung đột lợi ích giữa các ban, ngành khiến bảo tồn biển đảo khó khăn

Đó là thực trạng được chia sẻ tại Diễn đàn “Nhà báo với môi trường và biển đảo Việt Nam năm 2017" do Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, CLB Người làm báo TN&MT tổ chức vào ngày 22/6 .

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: TH

Tại Diễn đàn, rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường biển và biển đảo được hỏi và giải đáp. Trong đó, câu hỏi liên quan về an toàn nước biển miền Trung sau sự cố Formosa được các phóng viên đề cập đến.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Thức (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho biết, lâu nay, các viện, trung tâm quan trắc đã quan trắc rất thường xuyên đối với môi trường biển miền Trung.

Từ tháng 11/2016, Bộ trường Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã khẳng định trước Chính phủ rằng biển miền Trung an toàn. Hiện nay, cứ 2 tuần, cơ quan chức năng lại lấy mẫu nước quan trắc tại rất nhiều điểm tại vùng biển miền Trung. Các mẫu nước được lấy từ mặt, đáy và trầm tích.

Ông Hoàng Văn Thức khẳng định: “Biển miền Trung an toàn tuyệt đối”.

Tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Thức đánh giá, thời gian qua báo chí có phần rất lớn nâng cao nhận thức của người dân về môi trường. Đầu năm 2017, Nghị đinh xử phạt về môi trường có tính răn đe rất mạnh đã chính thức có hiệu lực. Bộ luật Hình sự dành hẳn một chương nói về tội phạm môi trường rất mới có tính định lượng với nhiều hành vi gây hại môi trường. Chủ doanh nghiệp xả thải vượt ngưỡng có thể bị phạt tù.

Theo thống kê, trong 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì 70% có lượng nước thải ra trên 100m 3 /ngày. Nếu doanh nghiệp không hiểu biết về quy định này rất dễ vướng vòng lao lý. Tới đây, Bộ có đề án giám sát để phòng ngừa nguy cơ gây hại môi trường. Đề án sẽ được triển khai đến các tỉnh, TP, giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra theo các tiêu chí để đánh giá trước nguy cơ xả thải của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thức, việc xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay là vấn đề đáng quan tâm. Theo thống kê, mỗi ngày có 7 triệu m 3 nước thải sinh hoạt được thải ra nhưng chỉ xử lý được 16%. Trong đó Đà Nẵng xử lý được 80%, Hà Nội xử lý 20%, TP HCM 25%.

Ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: Biển đảo không chỉ có giá trị về tài nguyên, là nơi sinh sống, có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, với tinh thần làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng và trình ban hành Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo.

Nhìn chung chúng ta đều thấy, biển đang bị băm nhỏ, xung đột lợi ích giữa các ban, ngành dẫn đến việc bảo tồn TN&MT cũng trở nên khó khăn hơn. Việc áp dụng phương pháp tổng hợp trong phát triển kinh tế cũng đang được chú trọng để phát triển đi đôi với bảo vệ TN&MT, chúng ta sẽ khắc phục và chú trọng dần.

TH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/xung-dot-loi-ich-giua-cac-ban-nganh-khien-bao-ton-bien-dao-kho-khan_t114c1143n120625