Xúc động những vần thơ về biển đảo

(Cadn.com.vn) - Như thường lệ, các giai phẩm báo Tết đều dành những “diện tích” nhất định để đăng tải trang thơ như một món ăn tinh thần không thể thiếu dành tặng bạn đọc. Điểm đặc biệt nổi lên so với mọi năm là chủ đề về biển đảo thân yêu của Tổ quốc được đề cập khá nhiều trong các trang thơ báo tết dịp Xuân Giáp Ngọ 2014. Điều này như một lẽ tất nhiên như lời giới thiệu trang thơ trong một giai phẩm báo tết:“Việt Nam dải đất hình chữ S thon dài có 3 mặt giáp biển. Bởi thế hình ảnh Tổ quốc luôn in đậm trong tim mỗi người con nước Việt như một phần không thể tách rời. Và tình yêu biển đảo hết sức tự nhiên như đất, như nước, như khí trời...”.

Lần theo những trang thơ trên các giai phẩm báo Tết Giáp Ngọ, người viết thật sự xúc động trước những cảm xúc chân thành và hết sức thiêng liêng của các nhà thơ khi gửi gắm tình yêu vào câu chữ, đặc biệt ở thời điểm đất trời và cả lòng người đang bước vào mùa xuân mới với bao dự cảm tốt lành. Nơi biển đảo thân yêu, người lính nơi đầu sóng ngọn gió phải đón cái Tết xa gia đình, người thân vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc trao cho. Làm sao không xúc động khi đọc lại những câu thơ “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên” (Thơ tình người lính biển- Trần Đăng Khoa).

“Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến theo tôi có lẽ là bài thơ hay nhất viết về biển đảo trên giai phẩm báo tết năm nay. Hãy cùng nhà thơ hòa chung dòng cảm xúc khi nghĩ về Tổ quốc, về dân tộc 4.000 năm không ngơi nghỉ như người mẹ Việt Nam mà nhạc sĩ Hồ Xuân Hương trong bài ca “Dáng mẹ” đã tự hào thốt lên: “Nghiêng vai gánh Trường Sơn, xây lũy cao thành quách/ xoay lưng chắn biển Đông/ Ngăn sóng to cuộn thét...” . Và người mẹ Tổ quốc ấy với tôi và chắc chắn nhiều người nữa sẽ rưng rưng xúc động: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”, hay: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân...". Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng đã đặt ra nhiều từ nếu và trả lời cho nó bằng cả câu chuyện lịch sử chống xâm lăng của dân tộc nhìn ở từng góc độ khác nhau:

“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng”, và:

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/ Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh”... và cuối cùng niềm tự hào dân tộc ấy được đúc kết bởi câu thơ như chân lý tự nhiên, bất di bất dịch: “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Với Nguyễn Khoa Điềm, “Tháng tư ở Trường Sa” là những cảm xúc đằm sâu trong một lần ra đảo. Thiêng liêng biết bao những tên gọi giữa biển trời. Có cảm nhận hết nỗi đau thương mới hiểu niềm tự hào có được: “Song Tử Tây/Sơn Ca/Nam Yết/Trường Sa lớn/Thuyền Chài... hãy đọc thầm tất cả/Dù một lần/Trước sóng gió mịt mù/Bằng tiếng Việt/Buồn vui máu lệ...”.

Nguyễn Thế Kỷ trong “Thao thức Trường Sa” lại đưa ta quay về những trăn trở, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với lịch sử, với thế hệ cha ông từng không tiếc máu xương, thẳng tiến Trường Sa, Hoàng Sa để giữ yên bờ cõi: “Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/Lắng tin xa những cơn bão chập chờn/ Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi /Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn...” bởi vậy “ Ấp cờ đỏ lên, tim bỗng lệ nhòa”. Là người con nước Việt, nguyện được làm một cột mốc giữa biển Đông chắn quân thù xâm chiếm, nguyện làm một cây đèn biển như Nguyễn Bảo trong “Bài thơ tình tặng người gác đèn biển” là “Có tình em tim anh thêm thắm đỏ/ Làm một cây đèn biển sáng trời xa”...

Tình yêu biển đảo, tình yêu đất nước thật sự đã đưa các nhà thơ đến với những mạch nguồn xúc cảm giản dị, trong sáng nhưng lại đằm sâu những nghĩ suy, trăn trở và cả niềm tự hào có thể gọi thành tên. Đến Trường Sa, nhà thơ Nguyễn Thành Phong chợt nhận ra Trường Sa không đâu xa lạ, Trường Sa chính là ngôi làng của mình: “Trưa ngồi dưới bóng phong ba/ Rưng rưng tôi gọi Trường Sa làng mình”. Và với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong “Những ngày đi biển” đã có cách rất riêng khi bật ra thành lời: “Anh làm thơ biển cho anh cảm xúc/Sóng trào lên trắng xóa cách gieo vần...”.

Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_109511_xu-c-do-ng-nhu-ng-va-n-tho-ve-bie-n-da-o.aspx