Xúc động chương trình giao lưu 'Nữ tình báo - Chuyện bây giờ mới kể'

Những tràng pháo tay liên tục, không ngớt của các em học sinh, đại biểu đã thể hiện sự khâm phục những chiến công qua phần kể chuyện đầy thông minh, dí dỏm, pha lẫn hài hước của các cựu điệp viên tình báo trong chương trình giao lưu 'Nữ tình báo- Chuyện bây giờ mới kể' vào sáng 20/10/2023, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

SÔI ĐỘNG, HẤP DẪN

Phải nói ngay rằng chủ đề chương trình giao lưu “Nữ tình báo- Chuyện bây giờ mới kể” đã tạo nên sức hấp dẫn, sự lôi cuốn đặc biệt nên số lượng cựu quân nhân, cựu điệp viên, quân nhân, công nhân, viên chức, các em học sinh đến tham dự rất đông.

Sự thành công của chương trình được cộng hưởng thêm rất nhiều khi nhân vật được mời tham gia giao lưu toàn là các nhân chứng sống, những cựu điệp viên lừng lẫy công trạng một thời như các ông, bà: Phạm Thị Tư- Quân báo J90 lực lượng Quân báo Bộ Tư lệnh Sài Gòn; Nguyễn Thị Hồng Châu- Ban Quân báo, Trinh sát Biệt động Sài Gòn; Nguyễn Ngọc Huệ- Trạm Giao liên, Tình báo Biệt động Sài Gòn; Hồ Duy Hùng- chiến sĩ Quân báo Quân khu Sài Gòn- Gia Định.

Các khách mời tham gia giao lưu

Bà Nguyễn Thị Thắm- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ- cho biết: Nhằm thiết thực kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2023), hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tình Báo Việt Nam (25/10/1945-25/10/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu “Nữ tình báo- chuyện bây giờ mới kể” và trưng bày chuyên đề ảnh “Bác Hồ với Phụ nữ miền Nam”.

Hoạt động tình báo là một công việc rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự bản lĩnh, luôn sáng tạo, thông minh, linh hoạt, mưu trí, ứng biến nhanh trong giải quyết tình huống... mới có thể qua được sự theo dõi, những thử thách chặt chẽ của địch để thu thập thông tin mật, vận chuyển vũ khí, thư tín… ra vào nội, ngoại thành, đồng thời mở rộng, xây dựng mạng lưới tình báo, biệt động hoạt động vững chắc, hiệu quả ngay trong lòng địch.

Để đi qua cuộc chiến đầy tàn khốc cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn của đất nước, các cựu điệp báo có mặt để giao lưu trong chương trình “Nữ tình báo- Chuyện bây giờ mới kể” đã chịu rất nhiều hy sinh, mất mát, những đớn đau về thể chất lẫn tinh thần do bị tra tấn dã man nhưng chưa một lần ca thán bởi lý tưởng mãnh liệt nhất của các mẹ, các cô thời điểm đó là hòa bình, thống nhất non sông.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ- Trạm Giao liên, Tình báo Biệt động Sài Gòn

Những huân huy chương gắn đầy, lấp lánh trên ngực áo các cô, các dì phần nào nói lên chiến công hiển hách mà các cựu điệp báo đã lập được. Thế nhưng khi tường thuật lại từng thời khắc, vụ việc phải mưu trí, dũng cảm, vắt óc cân não ứng phó với các tình huống sắp bị bại lộ để bảo mật thông tin, bảo toàn lực lượng và các đồng đội; hay cố sức chịu đựng những trận đòn roi tra tấn dã man của địch vẫn cương quyết không khai báo dù có bị thương tật hay hy sinh, các nữ tình báo lại kể với chất giọng đầy chất dí dỏm, hài hước khiến hội trường tràn ngập những tràng pháo tay cổ vũ không ngớt.

Câu chuyện cô Hồng Châu có hàng tá “người yêu”, “chồng sắp cưới” là một điển hình thú vị. Kể về việc “yêu nhiều”, cô dí dỏm: Để hoàn thành nhiệm vụ điệp báo mà tổ chức đã phân công, tôi suy nghĩ nhiều cách, trong đó có phương kế đi thăm tất cả những người bạn học hiện đang làm quân nhân trong lực lượng cảnh sát, quân đội Sài Gòn. Mỗi người sau khi thăm, tôi đều xin một tấm ảnh làm kỷ niệm.

Chưa kể, tôi còn sưu tầm thêm ảnh các sĩ quan quân đội chế độ cũ có chức vụ. Mỗi khi gặp tình huống khó hóa giải, tôi thường lấy các tấm ảnh quân nhân, các sĩ quan mình mang theo ra, giả vờ hỏi thăm abc, giới thiệu họ là người yêu, anh họ... để binh lính các chốt gác, các tổ tuần tra kiểm soát thấy vậy mà nể tình cho qua. Kế này xem vậy mà hiệu quả nên suốt một thời gian dài hoạt động ở Sài Gòn, tôi đã qua mặt được rất nhiều đợt kiểm tra khắt khe của địch mà không bị bại lộ và hôm nay có mặt ngồi ở đây kể chuyện lại nghe chơi…

KHÂM PHỤC CÁC NỮ TÌNH BÁO!

Là đồng đội cùng nếm trải nhiều phen vào sinh ra tử cùng với một số nữ tình báo, trước khi được mời chia sẻ về hoạt động sôi nổi, ấn tượng của cá nhân mình, điển hình là việc trinh sát, đánh cắp thành công máy bay của địch, chú Hồ Duy Hùng chùng giọng ngậm ngùi: “Từ nãy tới giờ hội trường không ngớt những trận cười, những tràng pháo tay cổ vũ trước cách giải quyết tình huống thông minh, mưu trí, dũng cảm và đặc biệt là rất thật của các nữ tình báo. Nhưng chắc rằng trong chúng ta ít người biết được, sau những trận đòn tra tấn dã man của địch, chị Hồng Châu đã mất đi thiên chức làm mẹ, nhiều chị em có mặt trong buổi giao lưu hôm nay, cũng như các chị trong lực lượng tình báo đã phải gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh thầm lặng. Tại sao tôi nhắc đến điều này, vì hôm nay là ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày ghi nhận những cống hiến của phụ nữ cho Tổ quốc, cho gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu- Ban Quân báo, Trinh sát Biệt động Sài Gòn

Hội trường bỗng trầm lắng, những đồng đội của các cô, các nữ quân nhân, công nhân viên chức… đã lập gia đình sẽ thấu hiểu được nỗi khát khao lớn nhất của phụ nữ là thiên chức được làm vợ, làm mẹ nhưng vì sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc các nữ tình báo dám chấp nhận mọi hy sinh, mất mát, kể cả xương máu, sinh mạng của bản thân mà không đòi hỏi gì hơn.

Tặng hoa khách giao lưu

Em Dương Tuấn Kiệt- học sinh lớp 9, trường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP.HCM- phấn khích: “Chương trình hôm nay rất hay, giúp con mở mang kiến thức về lịch sử, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ quê hương của cha ông ta. Qua câu chuyện người thật, việc thật mà các bà vừa kể, con thấy họ rất dũng cảm, rất xông pha, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Hiểu được những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước, con phấn đấu sẽ học tập tốt, góp phần xây dựng quê hương trong tương lai”.

Mải mê theo dõi chương trình, khi được hỏi về cảm xúc khi tham gia buổi giao lưu, Trung úy Phạm Thanh Hương- Quân y Trung tâm thể dục thể thao Quốc phòng 2, Quân Khu 7- chia sẻ: “Sau khi nghe các cô, các dì nói về quá trình công tác, cũng như những hy sinh, chịu đựng mà đến bây giờ còn để lại di chứng nặng nề, em cảm thấy rất là khâm phục, xúc động trước sự hy sinh mất mát lớn lao đó.

Là một người lính, em cũng tự dặn dò mình phải làm việc thật ý nghĩa để xứng đáng với sự hy sinh của các cô, các dì. Với cương vị một Phó Bí thư đoàn Thanh niên, em sẽ cùng các đoàn viên xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó có những cống hiến của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, chúng em sẽ tổ chức thêm nhiều buổi dã ngoại với điểm đến là các chiến khu, di tích lịch sử, cách mạng...để các bạn trẻ cọ sát thực tế thấm nhuần hơn tình yêu quê hương đất nước và có hành động thiết thực để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp hơn”.

Huệ Trinh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/kham-phuc-nhung-nu-tinh-bao-gan-da-muu-tri-dung-cam_154227.html