Xuất khẩu tiểu ngạch ồ ạt, chất lượng gạo Việt ảnh hưởng nghiêm trọng

Việc xuất khẩu gạo tiểu ngạch có thể giúp người nông dân tiêu thụ được gạo với giá tốt tuy nhiên, chính những dễ dãi trong quá trình xuất khẩu đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo chính ngạch trong trong năm nay của Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,7 triệu tấn, giảm đến 1 triệu tấn so với cả năm 2012. Ngược lại, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch, chủ yếu sang Trung Quốc lại tăng mạnh, dự báo có thể lên đến 1,5 triệu tấn.

Một năm, bình quân Trung Quốc nhập các loại gạo trên 3 triệu tấn gồm 3 loại là gạo dài, trung và ngắn, trong đó 50% gạo dài từ Việt Nam. Đến giữa năm 2013, gần như hạn ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam đã hoàn thành. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường này còn rất lớn nên buộc các doanh nghiệp phải nhập qua đường tiểu ngạch. Hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tiểu ngạch.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Intimex cho rằng: “Về mặt hàng hóa, việc xuất khẩu sẽ giúp người nông dân tiêu thụ được gạo, giảm bớt căng thẳng về tồn kho. Tuy nhiên, về công tác quản lý, việc xuất khẩu hàng hóa dưới dạng tiểu ngạch sẽ không nắm được số lượng hàng hóa thực tế. Và khi không quản được hệ thống thuế sẽ gây bất lợi cho Nhà nước”.

Ngoài ra, đại diện VFA nhận định, với việc bán gạo qua tiểu ngạch quá dễ dãi như hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Theo Chủ tịch VFA, mới đây trong cuộc họp với Hiệp hội gạo Thẩm Quyến - Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này đã bắt đầu khuyến cáo về chất lượng gạo Việt Nam ngày càng giảm sút.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: “Người ta thường không quan tâm đến chất lượng gạo cũng như màu sắc và độ ẩm khi xuất khẩu tiêu ngạch qua biên giới. Người nông dân cũng không cần quan tâm đến việc thay đổi chất lượng. Việc bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho mặt hàng gạo trong nước khi Trung Quốc ngừng thu mua”.

Trước thực tế này, ông Phong có kiến nghị, nhằm kiểm soát chất lượng cũng như số lượng gạo xuất đi, các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ đều phải đăng ký và được địa phương cấp phép.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ đều phải đăng ký với Bộ Công Thương và được địa phương cấp phép. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát xuất khẩu tiểu ngạch, không để tình trạng xuất lậu này ảnh hưởng đến xuất khẩu chính ngạch.

Quỳnh Như

Nguồn VTV: http://vtv.vn/thi-truong/xuat-khau-tieu-ngach-o-at-chat-luong-gao-viet-anh-huong-nghiem-trong/88734.vtv