Xuất khẩu thủy sản Kiên Giang chủ động vượt khó

KGO - Xuất khẩu thủy sản đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang. Ngay từ đầu năm 2023, các cấp, ngành, cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG MỚI, ĐA DẠNG MẶT HÀNG

Năm 2022, ngành thủy, hải sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang với 280,95 triệu đô la Mỹ (USD), tăng 11,69% so năm 2021. Hiện Kiên Giang xuất khẩu thủy sản qua 37 thị trường, trong đó có Nhật Bản, Hàn quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành là đơn vị đứng trong top đầu xuất khẩu mực và bạch tuộc của cả nước. Công ty đã tăng lợi nhuận hàng năm đến 1,2%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, được Bộ Công thương công nhận là đơn vị xuất khẩu uy tín.

Năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 49 triệu USD, vượt 53% so kế hoạch Sở Công thương tỉnh Kiên Giang giao. Công ty đã khẳng định được thương hiệu xuất khẩu ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha…

Ông Nguyễn Nam Vinh - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam cho biết: “Ban lãnh đạo công ty đã duy trì khách hàng truyền thống, ổn định thị trường hiện có, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Công ty phấn đấu vượt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2023 theo kế hoạch đề ra. Năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam là đơn vị xuất khẩu mực và bạch tuộc nhiều nhất Việt Nam”.

Theo ông Vinh, sắp tới, công ty mở rộng thêm một số mặt hàng nuôi trồng để đảm bảo đầu vào ổn định; kết hợp các sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, thêm một số mặt hàng ăn liền. Trước mắt, công ty sẽ kinh doanh theo hình thức thương mại, liên kết với những nơi nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài, công ty tạo chuỗi liên kết khép kín tự nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chế biến thủy sản xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành biến thách thức thành cơ hội nhờ vào chính sách linh hoạt, kịp thời. Bà Trần Thị Điệp - đại diện Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường nói: "Công ty chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa các mặt hàng để phù hợp với nguồn cung trong nước và phù hợp với thị trường xuất khẩu trên thế giới nhằm tiếp cận thị trường mới, khách hàng mới. Đối với những biến động về ngoại tệ, công ty đã lựa chọn những thị trường ít biến động".

Theo bà Điệp, trước tình hình phí vận chuyển tăng cao, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường đã vận động khách hàng hỗ trợ phí vận chuyển hoặc chuyển đổi hình thức giá FOB thay vì giá CIF. Với nhiều giải pháp trên, công ty hoàn thành vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022, mang về 47 triệu USD từ xuất khẩu.

Năm 2023, với sự mở cửa trở lại của thị trường EU và Trung Quốc, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường nỗ lực tận dụng tốt cơ hội này để xúc tiến thương mại tại EU và khai thác theo từng phân khúc khách hàng tại thị trường Trung Quốc. Công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất ngân hàng...

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Theo các công ty chế biến thủy sản trong tỉnh Kiên Giang, năm nay nguyên liệu thủy sản phục vụ xuất khẩu vẫn còn khó khăn. Trước tình hình ngư trường ngày cạn kiệt, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, Kiên Giang đã chuyển hướng sang nuôi biển để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Năm 2023, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản đạt 300 triệu USD, tăng hơn 6,78% so năm 2022.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, huyện Châu Thành (Kiên Giang) xếp mực vào máy đông lạnh.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, Kiên Giang đã phê duyệt đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030. Kiên Giang cũng là một trong các tỉnh được chọn tham gia đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, từng bước hình thành được mối liên kết trong nuôi cá biển công nghiệp, tạo tiền đề để thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp của tỉnh. Đây là một trong những cơ hội đột phá và điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết: “Sở Công thương thường xuyên rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh, đề xuất kịp thời với bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu”.

Theo đồng chí Trương Văn Minh, để thực hiện đạt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản, từng doanh nghiệp cần giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường mới. Song song đó, có kế hoạch chủ động tháo gỡ khó khăn, xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu, vùng nuôi trồng đến sản xuất và gắn với tiêu thụ, xuất khẩu…

Bài và ảnh: KIỀU DIỄM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/cong-nghiep/xuat-khau-thuy-san-kien-giang-chu-dong-vuot-kho-12817.html