Xuất khẩu rau quả còn tiềm ẩn rủi ro

Năm nay, xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ lập tiếp kỳ tích về doanh thu khi đang có nhiều tiềm năng kết hợp với những điều kiện thuận lợi. Song với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chủ lực, luôn tiềm ẩn các rủi ro khó dự đoán và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mục tiêu này liệu có đạt được?

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc hết quý I/2017 đạt 512 triệu USD, chiếm 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm. Địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, rau quả đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc và có nhiều bước tiến lớn tại các thị trường khó tính.

85% xuất rau quả thô

Tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ đạt trung bình 818 triệu USD/năm giai đoạn 2010 – 2014 (tăng trung bình 27,5%/năm) và năm 2015 đạt 1,8 tỷ USD (tăng 23,5% so với năm 2014). 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam ở nhóm hàng này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga và Hà Lan.

Trong giai đoạn 2010 – 2014, thị trường Trung Quốc chiếm 35% thị phần xuất khẩu và sang năm 2015, tăng gấp đôi thị phần, tăng trưởng đến 60% (đạt khoảng 1,195 tỷ USD năm 2015). Các thị trường tăng trưởng nhanh khác trong giai đoạn 2010 – 2014 chủ yếu nằm ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Trong năm 2015, rau quả Việt Nam chiếm thị phần khoảng 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới, tăng gần gấp 3 điểm phần trăm so với năm 2011, với 85% giá trị rau quả xuất khẩu ở dạng tươi hoặc đông lạnh hoặc chưa qua chế biến.

Trong năm 2016, nhóm hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, tăng 33,6%, theo hướng ngày càng tập trung vào thị trường Trung Quốc (tăng trưởng tới 46%), nâng thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam lên hơn 70%.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2016 đạt 2,46 tỷ USD và lần đầu tiên vượt gạo (với kim ngạch 2,17 tỷ USD) do đây là năm thời tiết không thuận lợi đối với nông nghiệp Trung Quốc, khiến nhu cầu thị trường nước này về các mặt hàng nông sản, trong đó có rau quả, tăng cao.

Trước đó, Báo cáo Xuất khẩu năm 2016 của Bộ Công Thương cũng cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao, 45,8% đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD.

Song có một thực tế đang diễn ra là dù được xem như mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, nhưng rau quả vẫn chưa thoát khỏi phụ thuộc thị trường, nhất là khi thị trường đó đã tăng trưởng nhiều năm song Việt Nam vẫn chưa xác định đúng được nhu cầu “thị trường Trung Quốc cần gì”.

Mới đây, sau khi phân tích thị trường dưa hấu ở Trung Quốc, thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, tuy Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dưa hấu chủ lực của Việt Nam nhưng dưa hấu Việt Nam trồng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng 03 – 04kg/quả, dưa hấu Việt Nam lại có trọng lượng cao hơn.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả các loại trên thị trường thế giới trong giai đoạn 2011 – 2015 bình quân tăng khoảng 3,6%/năm, trong khi khả năng tăng trưởng sản xuất toàn cầu chỉ ở mức 2,6%/năm.

tiềm năng lớn song xuất khẩu rau quả vẫn tiềm ẩn nhiều rũi ro

Nhiều đối thủ mạnh

Dân số thế giới gia tăng, mức thu nhập của người dân trên toàn cầu ngày càng được cải thiện nên nhu cầu về rau quả tươi cũng như giá rau quả ngày càng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thị trường mở rộng và có tiềm năng lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trên thị trường là điều tất yếu. Đối thủ cạnh tranh về rau quả của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, sức ép cạnh tranh ngày càng cao từ các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Myanmar… kể cả về chủng loại, mẫu mã, chất lượng.

Trong khi đó, tình trạng sản xuất manh mún, các công nghệ chế biến sau bảo quản còn hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhất là những loại rau quả có đặc tính thời vụ cao.

Quay trở lại mặt hàng dưa hấu, ngay cả với thị trường láng giềng – Trung Quốc, Bộ Công Thương cho biết, một lượng nhất định dưa hấu nhập khẩu từ Lào và Myanmar qua các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh với dưa hấu của Việt Nam do có giá rẻ hơn và trùng với thời điểm thu hoạch dưa hấu tại miền Nam Việt Nam.

Chia sẻ khó khăn ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang – Antesco, cho biết, tiềm năng xuất khẩu rau quả sang các thị trường còn rất lớn nhưng hiện nay, đa phần DN trong nước không có đủ vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất.

Hiện tại, các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, manh mún nên chất lượng không đồng đều, quản lý dư lượng hóa chất rất khó trong khi đây chính là những hàng rào kỹ thuật mà các thị trường khó tính như EU, Mỹ “siết” rất chặt.

Theo khảo sát hiện nay, số vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được công nghiệp chế biến tập trung không nhiều. Ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao (Ninh Bình), dứa Lào Cai với tổng diện tích cả hai vùng khoảng 5.000ha, cho sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm, trong đó tới 50% sản lượng để tiêu thụ tươi trong nước và chỉ 50% phục vụ nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Còn vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sản lượng tương đối nhiều, nhưng thời gian thu hoạch và chế biến chỉ trong vòng 1,5 tháng. Các vùng quả đặc sản như cam ở Hà Giang, Hàm Yên (Tuyên Quang)… chỉ phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang rất thiếu hệ thống bảo quản rau quả phục vụ xuất khẩu như kho lạnh, xe tải lạnh, các đơn vị logitics. Ts. Nguyễn Quốc Vọng – chuyên gia quốc tế về nông nghiệp – cho biết chi phí vận chuyển nói chung và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không nói riêng đang chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành của trái cây.

Theo Ts. Vọng, như xuất khẩu trái vải sang Australia hồi tháng 6/2016, giá vải tại Việt Nam chỉ 20.000 đồng/kg (chiếm 12,7% giá thành), song riêng tiền cước máy bay từ Việt Nam đến Autralia là 2,95 USD/kg (chiếm 42,2% giá thành). Nếu tính các chi phí vận chuyển trong nội địa nữa, cước phí chiếm tới 60% giá thành trái vải đến Australia.

Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Khó khăn nhất với chúng ta hiện nay là tháo gỡ đầu ra của xuất khẩu nông sản, nếu xuất khẩu giảm lập tức sẽ ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng. Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang trong tình cảnh hết sức khó khăn, từ gạo, điều, cà phê cho tới rau củ quả… đều phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục ép giá làm khó nông sản Việt Nam. Nguyên nhân là do chúng ta quen với kiểu sản xuất manh mún, công nghệ chậm đổi mới.

Ông Nguyễn Đình Tùng- Tổng Giám đốc công ty ViNa T&T

Ngành rau quả và trái cây cần tới 500 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án hiện hành về nghiên cứu công nghệ bảo quản cho sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi hy vọng việc phân bổ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Nhà nước cho nông nghiệp công nghệ cao tới đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm rau quả và trái cây Việt Nam.

Ts. Nguyễn Hữu Đạt - Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, cách duy nhất là DN phải xây dựng được các trung tâm bán sỉ ngay chính nơi nhập hàng. Đồng thời, DN cần chủ động liên kết với nhau, không chỉ để có chiến dịch quảng bá phù hợp mà còn tập hợp đủ sức mạnh, từng bước tiến vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu, bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại đây.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/xuat-khau-rau-qua-con-tiem-an-rui-ro_n22693.html