Xuất khẩu lao động sang Angola: Chưa cấp phép, vẫn đi ùn ùn

Cho đến thời điểm này, Bộ ĐTB&XH vẫn chưa cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thế nhưng, theo điều tra của PV báo GTVT, số người đi làm việc ở Angola đã lên tới con số hơn 45.000 người.

Cho đến thời điểm này, Bộ ĐTB&XH vẫn chưa cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thế nhưng, theo điều tra của PV báo GTVT, số người đi làm việc ở Angola đã lên tới con số hơn 45.000 người.

Nhiều người Việt mưu sinh bất hợp pháp ở Angola

Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ đi XKLĐ sang Angola là con đường kiếm bộn tiền. Tuy nhiên, mưu sinh ở đất nước châu Phi này không hề đơn giản, bên cạnh mong ước giàu sang là đầy rẫy những cạm bẫy, rủi ro. Hậu quả là người lao động đã phải đối mặt với nhiều bất trắc, thậm chí hy sinh cả tính mạng.

Theo thống kê, 2 tháng gần đây đã có 9 lao động các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bỏ mạng tại Angola vì tai nạn lao động hoặc bệnh sốt rét. Nhiều lao động bơ vơ nơi đất khách quê người rơi vào cảnh trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, bị quỵt lương, ốm đau không có ai bảo vệ. Nguyên nhân do họ đi lao động theo con đường bất hợp pháp

Lao động Việt Namlàm việc tại Angola chủ yếu với các nghề: photocopy, xử lý ảnh, sửa chữa ô tô, xây dựng…với mức thu nhập từ 800-1000 USD/tháng). Nhiều người sang 2-3 năm có mức thu nhập cao hơn 1200 thậm chí 1500 USD/tháng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến người lao động bất chấp đi bằng mọi giá. Không ít người Việt đã giàu lên từ đi lao động ở Angola, nhưng cũng không ít người đã phải trở về trắng tay với bệnh tật, thậm chí có người còn hy sinh cả tính mạng.

Lao động sang Angola chủ yếu làm trong ngành xây dựng

Vẫn biết, thị trường Angola hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên không chỉ người lao động mà cả các doanh nghiệp có chức năng XKĐ cũng "nóng ruột". Anh LX, Tổng giám đốc một doanh nghiệp có tiếng trong làng XKĐ cho biết: Các DN đều án binh bất động đứng nhìn các “cò visa” đưa lao động sang Angola bằng visa du lịch, vừa tiếc vừa buồn…

Tại sao các doanh nghiệp XKLĐ không làm việc cụ thể với Cục quản lý lao động ngoài nước- Bộ LĐTB&XH để khai thông thị trường hấp dẫn này? Câu trả lời đã làm nhiều, thậm chí Hiệp hội XKLĐ cũng đã có ý kiến. Nhưng trước những rủi ro quá lớn sẽ đến với người lao động nên Cục chưa cấp phép.

Được biết, chi phí để một lao động sang được Angola làm việc hiện nay từ 6000 - 7000 USD. Với số tiền này, lao động được đưa sang bằng visa du lịch 3 tháng rồi ở lại làm việc tự do, bất hợp pháp. Người lao động không được ký trực tiếp với chủ sử dụng lao động mà qua một công ty môi giới tại. Công ty Việt Nam ký hợp đồng với công ty môi giới này, dạng như một hình thức tổng thầu lao động rồi cho chủ sử dụng thuê lại.

Một góc đường phố ở Angola

“Tôi cho rằng đặc thù của thị trường Angola hơi khác với các thị trường truyền thống nhưng nó có yếu tố thị trường và khi ta tham gia thị trường lao động quốc tế ta cần thích ứng với các luật chơi này. Vấn đề là Bộ ĐTB&XH cần cho phép các doanh nghiệp có chức năng và có thâm niên, kinh nghiệm cũng như năng lực thực sự tham gia thị trường. Các doanh nghiệp này phải bản cam kết về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt và đảm bảo mọi quyền lợi cho người lao động. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng lao động đi “chui” như hiện nay”- Tổng giám đốc một doanh nghiệp XKLĐ lớn vừa đi khảo sát thị trường Angola về cho biết.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh và Người nước ngoài (Angola), hiện có hơn 45.000 người Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Angola. Đây là thị trường lao động phong phú, người lao động chủ yếu làm các nghề giản đơn (như photocopy, xử lý ảnh, sửa chữa ô tô...)

Từ năm 2009, nhiều lao động xây dựng Việt Nam đã được đưa sang Angola làm việc theo hình thức tự phát (tiểu ngạch). Tại thời điểm đó, có những ngày, hàng trăm NLĐ Việt Nam đặt chân đến Angola theo thị thực lao động du lịch. Gần đây, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại rộ lên nhiều đường dây đưa người sang Angola làm việc, bất chấp cảnh báo từ phía Bộ LĐTB&XH, nhiều công ty vẫn ngang nhiên thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Angola. Nhiều lao động vì giấc mơ làm giàu, chấp nhận rủi ro nên đã dính bẫy các “công ty lừa”.

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cũng cho biết: "Hiện, Bộ LĐTB&XH chưa cho phép bất cứ công ty hay cá nhân nào được phép đưa lao động sang Angola vì hai nước chưa ký thỏa thuận về lao động".

Chính vì vậy, người lao động cần đề cao cảnh giác, không để rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".

Thu Hương

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/thi-truong/lao-dong-viec-lam/201305/Xuat-khau-lao-dong-sang-angola-Chua-cap-phep-van-di-un-un-304059/