Xuất khẩu gạo đã đến lúc cần chú trọng chất lượng và giá trị

Các chuyên gia trong ngành lúa gạo khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có lợi như hiện tại, không nên chạy theo số lượng và giá cả nhất thời, mà cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt theo hướng xanh, ít phát thải.

Tập kết hàng gạo xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam

Không vội hài lòng với kết quả đang có

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá xuất khẩu bình quân 699 USD/tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, xuất khẩu năm 2024 đối với sản phẩm gạo dự tính mang về 5,3 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về sản lượng lẫn giá trị kể từ khi Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo năm 1989 đến nay.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu gạo có thể được coi là một điểm sáng với nhiều thành tích đáng ghi nhận sau những nỗ lực xuyên suốt của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân.

Tuy nhiên, tình hình thị trường thương mại gạo diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu…

Khâu tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.

Nhiều tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024

Theo dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng. Cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo, cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn.

Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Thu mua lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Sơn Nam

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho biết, giá cả biến động lớn đã khiến chuỗi cung ứng gạo bị đứt gãy, nhiều nhà cung cấp không giao hàng cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu theo các hợp đồng ký trước, trong khi DN vẫn phải giao hàng cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký. DN Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ. Những đơn hàng có giá cao, cần thương hiệu thường có số lượng rất nhỏ.

Theo các chuyên gia, sự thành công của ngành lúa gạo trong năm qua ngoài yếu tố nội lực, còn phải kể đến yếu tố khách quan khiến thương mại gạo toàn cầu chuyển sang trạng thái cung không đủ cầu, lợi thế thuộc về các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục về xuất khẩu vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững.

Theo GS TS. Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030...

Các chuyên gia khuyến cáo, giá gạo xuất khẩu tăng cao trước tác động của tình hình lương thực toàn cầu, nhưng ngành gạo được "nhắc nhở" cần kiên trì tổ chức sản xuất hiệu quả theo hướng tăng chất lượng, giữ đơn hàng và thị trường.

Cần bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường gạo biến động và khó đoán định, ngành sản xuất lúa gạo trong nước phải tổ chức sản xuất tốt, bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm, giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ đơn hàng và giữ được thị trường xuất khẩu.

Do đó, các doanh nghiệp, địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất, tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị”.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-gao-da-den-luc-can-chu-trong-chat-luong-va-gia-tri-146225.html