Xuân về trên những bản làng vùng cao

Xuân về là lúc ghi dấu thời khắc đất trời bắt đầu một vòng quay mới, sắc xuân rực rỡ, vui tươi rộn ràng lan tỏa đến bản làng, thổi làn hơi ấm, rạo rực len lỏi vào từng căn bếp nhỏ, sưởi ấm lòng người. Trong không khí xuân rạo rực và tươi vui ấy, những xóm, bản vùng cao đồng bào dân tộc Mông, Dao như bừng lên sức sống mới.

Đón xuân với diện mạo mới

Xóm người Dao ở Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình), ai cũng tất bật trang hoàng lại nhà cửa, dọn dẹp đường xá xung quanh nhà và xóm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Xóm có 34 hộ đồng bào Dao Tiền. Xóm lưu giữ được nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Dao với cảnh quan thiên nhiên yên bình và thơ mộng.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, đưa xóm Hoài Khao trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, xóm xây dựng 7 homestay, 3 nhà trưng bày đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất, 3 bộ bàn ghế tại 3 chòi nghỉ dừng chân, thực hiện dịch vụ ngâm chân tại 1 nhà, lắp đặt 9 thùng rác, nâng cấp nhà văn hóa, bảo tồn một số phong tục, tập quán; trồng các loại hoa, hàng rào 2 bên đường phù hợp với bản sắc địa phương; đầu tư trên 25 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở gồm các tuyến đường, mương thủy lợi, điện... phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Người dân xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều tuyến đường được bê tông hóa, có hàng rào và hoa, đường đi lại khang trang, sạch, đẹp. Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị tổ chức bồi dưỡng cho người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên… Bên cạnh đó, Hoài Khao tập trung gìn giữ và phát triển giá trị nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao Tiền, đó là dùng sáp ong để tạo hoa văn, họa tiết trên những bộ trang phục truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Ông Lý Hữu Nhất, xóm Hoài Khao chia sẻ: Tết Nguyên đán, người dân trong xóm giữ được nếp xưa trong thờ cúng tổ tiên. Từ khi xây dựng xóm du lịch cộng đồng, ngày tết cũng có khách du lịch đến xóm để trải nghiệm nên khách có thể ăn tết cùng gia đình, cùng vui chơi, sinh hoạt theo gia đình và tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong xóm.

Người dân Hoài Khao sống gần gũi với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường. Với những cánh rừng cổ thụ giàu giá trị đa dạng sinh học và nét văn hóa truyền thống cổ xưa, rất nhiều du khách đã tìm đến để được đắm mình vào thiên nhiên, trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tiền sau những ngày làm việc vất vả nơi phố thị, giúp Hoài Khao trở thành điểm đến của nhiều du khách, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng bào Mông rộn ràng đón tết

Cứ mỗi độ xuân về, khi những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng, các bản làng rộn rã tiếng khèn cũng là lúc đồng bào Mông tưng bừng đón Tết cổ truyền. Các gia đình người dân tộc Mông ở xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (Trùng Khánh) tất bật với lá dong, gạo nếp, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón chào năm mới với hy vọng về một cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Sắc xuân của núi rừng hòa quyện với tiếng nói cười của người dân bản tạo nên không khí xuân nhộn nhịp khắp xóm làng.

Nhiều nhà chuẩn bị cho tết con lợn béo, gà trống thiến, gạo nếp làm bánh chưng, bánh dày, bột ngô làm mèn mén… Những làn khói trắng trong các căn nhà tỏa ra hòa quyện vào nhau làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp, rộn ràng. Mùa xuân này, cái khó khăn, nghèo đói dần được thay bằng cuộc sống mới no đủ hơn, bởi bà con biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ thu nhập ổn định nên không khí đón tết của đồng bào dân tộc Mông ở Thang Sặp thật vui vẻ. Khắp xóm làng rộn rã tiếng cười nói, những bước chân vội vã, người chuẩn bị lá dong để gói bánh, người tẽ ngô, sửa sang, quét dọn nhà cửa, lau các vật dụng trong gia đình…

Những năm gần đây, xóm được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt, điện, đường... cùng với việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đến nay cuộc sống của người dân đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều gia đình mua sắm những phương tiện sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, máy xát thóc, xe máy; trẻ con được đi học đúng độ tuổi. Bà con luôn đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động. Vui nhất là mấy năm trở lại đây, qua tuyên truyền, vận động, bà con dân tộc Mông trong xóm không tổ chức ăn Tết sớm và dài ngày như trước đây.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (Trùng Khánh) ngày càng được nâng lên.

Anh Lý Văn Sì, Trưởng xóm Thang Sặp cho biết: Xóm có 53 hộ, 270 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Nhờ vốn đầu tư từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với sự đóng góp của người dân nên hiện nay chúng tôi được đi lại trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, bà con tận dụng, khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương phát triển chăn nuôi trâu bò, trồng mía. Kinh tế được nâng lên, bà con tích cực, nhiệt tình tham gia phong trào do các cấp phát động. Xóm thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Các phong trào, cuộc vận động được triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được giữ gìn, phát huy; tệ nạn xã hội được đẩy lùi, hủ tục từng bước được xóa bỏ; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2023, xóm có trên 88% hộ đạt gia đình văn hóa.

Cuộc sống vật chất ngày càng nâng lên, đời sống tinh thần của người Mông cũng rất phong phú. Bà con quan niệm rằng sau một năm vất vả ngày tết là dịp để nghỉ ngơi, nhìn lại những thành quả sau một năm lao động. Sau khi ăn tết ở từng gia đình, những chàng trai, cô gái người Mông tập trung ở một khu đất rộng để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Những điệu múa khèn, quả còn sắc màu như những lời yêu thương của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông trao cho nhau trong mùa xuân mới. Đó cũng là sự kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp được người Mông gìn giữ từ bao đời nay.

Diệu Hoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xuan-ve-tren-nhung-ban-lang-vung-cao-3167343.html