Xuân về trên đảo Hòn Khoai

Hẹn tới hẹn lui nhưng mãi đến những ngày cận kề Xuân mới Tân Mão, chúng tôi mới có dịp ra đảo Hòn Khoai, nằm nơi chóp mũi Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình giao lưu văn nghệ cùng tuổi trẻ đồn BP Hòn Khoai Nằm “khuất” phía biển Đông, lại nhiều sóng lớn nên đảo Hòn Khoai rất ít khách. Sự có mặt của cánh báo chí chúng tôi vào những ngày giáp tết này đã làm cho những người lính trên đảo thêm phấn chấn. Cả 4 lực lượng đóng quân trên đảo, gồm Biên phòng, Hải quân, Hải đăng và Kiểm lâm đều cử đại diện ra đón khách. Đa số anh em làm nhiệm vụ trên đảo là người miền Bắc, miền Trung. Gặp đồng hương, mọi người mừng như gặp người nhà. Họ thay nhau hỏi nhiều điều về miền đất chôn nhau cắt rốn của họ nếu chúng tôi có dịp đi qua. Với diện tích trên 4km vuông và chiều cao 315 mét so với mặt nước biển, Hòn Khoai được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều cảnh đẹp. Đặc biệt hoa mai ở đây đẹp nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây. Cánh hoa to, dày, vàng óng. Ai bất chợt nhìn thấy cũng không đành bước chân đi. Tại đồn Biên phòng cũng có rất nhiều gốc mai đẹp. Nhưng 2 gốc mai ở trước nhà ban chỉ huy rất to, thân xù xì, có nhiều hoa và đẹp nhất. Ngày tết, chỉ cần treo thêm tấm băng-rôn có dòng chữ “Chúc mừng năm mới” phía trên bàn thờ Bác Hồ bên cạnh 2 cây mai là đã thấy không khí tết rồi. Thượng tá Phạm Xuân Thịnh, Đồn trưởng phấn khởi nói với chúng tôi: “Phong trào tăng gia sản xuất (TGSX), trồng rau trên đất mặn, đất cát trên đảo để tự túc đủ rau xanh cho bộ đội đã thật sự đem lại hiệu quả, tạo phong trào và sức lan tỏa mạnh. Không chỉ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, mô hình TGSX còn bảo đảm tự túc nguồn thực phẩm tươi sống cho đơn vị với giá rẻ, hạn chế phụ thuộc vào biến động của giá cả thị trường. Nhờ làm tốt phong trào TGSX, đơn vị đã tạo được một nguồn thu nho nhỏ để góp phần giải quyết chính sách, chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Tết năm nay, đơn vị hoàn toàn tự túc phục vụ cho bộ đội ăn Tết bằng nguồn thực phẩm do mình làm ra, chỉ phải mua gạo và các loại bánh kẹo, gia vị..”. Vừa nói, anh vừa đưa chúng tôi rảo một vòng quanh đơn vị để “mục sở thị”. Chỉ đếm sơ sơ, chúng tôi đã thấy đàn dê gần 40 con, 4 con heo thịt; hàng trăm con gà vịt, ao cá hàng trăm kg và cả vườn rau xanh mơn mởn. Anh Thịnh nói, nếu biển động, nửa tháng không có tàu từ đất liền ra, chúng tôi vẫn đảm bảo thực phẩm và rau xanh cho đơn vị. Chiến sĩ đồn Hòn Khoai luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự bình yên cho nhân dân vui xuân đón tết. Mặc dù năm hết tết đến, nhưng người nào việc ấy, mọi công việc của công tác biên phòng vẫn duy trì nghiêm túc. Theo chân tổ tuần tra quanh đảo, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi gian truân của những người lính Biên phòng khi cả cuộc đời binh nghiệp phải gắn với những nẻo đường nguy hiểm ở đây. Rừng ở đây vẫn còn nguyên sinh. Đi dưới tán rừng giữa trưa của mùa khô mà chúng tôi cũng cảm nhận được sự âm u, lạnh lẽo. Dọc đường đi, chỉ nghe nhẹ tiếng bước chân đạp đất. Thi thoảng còn nghe cả tiếng chim dơi đập cánh bay. Thậm chí một quả sung già rụng xuống cũng làm người lạ giật mình. Những tảng đá to ngăn lối, đất đỏ trơn trượt, cây gai kéo áo, dây leo vướng chân. Đi đến đâu, Thiếu úy Nguyễn Văn Phong cũng nhắc nhở chúng tôi cẩn thận, đề phòng các loại côn trùng độc có thể tấn công. Chúng tôi cũng đã được leo lên đỉnh cao nhất của đảo là ngọn hải đăng sừng sững, hằng đêm tỏa sáng soi đường cho tàu thuyền qua lại. Ngọn hải đăng này cao gần 25 mét so với đỉnh cao nhất của đảo Hòn Khoai. Từ đỉnh hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, thấy vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc hiện lên với trập trùng sóng bạc. Những chiếc tàu đánh cá của ngư dân chỉ nhỏ bằng bàn tay đang lặn ngụp trên biển. Trong chuyến ra Hòn Khoai lần này, chúng tôi gặp Thượng úy Phạm Trọng Cầu, người thuyền trưởng dũng cảm của tàu BP 19-09-01 đã cùng đồng đội cứu sống 62 ngư dân bị lốc xoáy đánh sập hàng đáy ngoài khơi. Anh kể lại, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, nhận được tin báo có 62 ngư dân làm đáy bị giông giật, nhấn chìm, đang trôi dạt trên biển. Đồn trưởng lệnh cho tàu chúng tôi xuất kích. Phải cứu được ngư dân. Đó là mệnh lệnh của đồn trưởng truyền cho chúng tôi trước khi tàu xuất kích. Trời đang mưa, giông to, gió lớn như muốn nhấn con tàu chìm xuống đáy biển. Từ 3 giờ sáng tới 21 giờ đêm, không có một hạt cơm nào bỏ vào bụng. Ai cũng đói lử nhưng nấu cơm không được. Vì cứ nhấc nồi lên bếp, sóng lại đánh lật ngang. Đành ăn sống mỳ tôm rồi uống nước qua bữa. Nhưng sự gian nan của chúng tôi cuối cùng cũng được bù đắp. Sau 18 tiếng vật lộn với sóng to gió dữ, tàu BP19-09-01 đã tìm và cứu hộ được toàn bộ 62 người gặp nạn”. Tính đến năm nay, Phạm Trọng Cầu đã có 13 năm gắn bó với biển đảo Cà Mau. Anh cũng đã có tới 9 lần cùng đồng đội đón xuân trên đảo. Anh nói, Tết ai lại không muốn về với gia đình. Nhưng mình có chút ít kinh nghiệm trên biển, nên xung phong ở lại. Phần vì nhiệm vụ, phần sợ ngày Tết ngư dân hay chủ quan...”. “Mùa xuân đã về trên cành lá”, chúng tôi càng hiểu và trân trọng hơn nhiệm vụ, sự hy sinh thầm lặng của các anh, những người lính giữ biển đảo phía Tây Nam Tổ quốc. Đăng Ngọc - Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/phong-su-ky-su/xuan-ve-tren-dao-hon-khoai/41498.074.html