Xuân vẫn về qua ngõ xanh rêu

Tiết lập xuân xứ Quảng từ miền biển đến ngọn nguồn Ngọc Linh, đều cảm nhận rõ bước chân mùa sang rất chậm... Con người dường như mong chờ một sự tươi mới rộ lên, bung nở sắc hoa, trỗi dậy chồi cây xanh tơ lách mình qua lớp thân cây xù xì. Cội nguồn sinh sôi, sức sống mãnh liệt vẫn luôn tiềm ẩn nơi Xứ đất Ngũ Phụng tề Phi này.

Phố cổ Tết nay.

Bùi Giáng nhà thơ dị thường, trên bước đường du hí tam muội vẫn thương về cố quận, ghì chặt hai tay trông vời cõi quê miền trung Việt xa xôi. Mùa xuân cũng mang đầy tâm tư, dự cảm mong manh, nhưng cũng đầy hy vọng: “Niềm vui bất tuyệt cứ tuôn/Xuân xanh bát ngát rẩy run phập phồng/Sát-na hiện tại phiêu bồng/Này băng tuyết nở muôn hồng tương lai”.

Một sớm cuối đông, khí trời lành lạnh, phía đầu hồi đôi chim sẻ rúc rích, nép mình tránh gió chỗ đoạn cong mái ngói âm dương. Phố chậm rãi trở mình chậm chạp như cái cách người già trầm tư nơi hẻm nhỏ này.

Mặt nạ thời gian.

Ông già dậy sớm, nấu ấm nước lá Cù lao Chàm vừa sôi âm ỉ, nghi ngút khói. Phía bên kia đường, ông hàng xóm tóc phơ phơ bạc gốc Triều Châu đã tiến lại bàn nước đặt trước hiên nhà. Đi khập khiễng từ góc đường Hoàng Văn Thụ ghé lại, là bác người Quế Phong xuống đây từ hồi tản cư. Câu chuyện của họ quanh đi quẩn lại cũng chuyện hồi kháng chiến ở căn cứ dưới rừng dừa bảy mẫu, chuyện đổi mới ra sao, chuyện cái gì còn cái gì mất. Có lúc họ cười vang góc phố, có lúc bỗng dưng im bặt, lặng lẽ rót nước cho đầy thêm, mím môi cố giấu câu chuyện riêng mình. Đâu đó thoảng chút hương ưu tư. Đoạn ngã tư đường Lê Lợi, mùi xôi nếp quen thuộc quá đỗi. Chiếc mủng 3 ang to, chứa đầy xôi, khói nghi ngút. Chị gái gánh hàng chè xí mà phủ ngang qua là con gái ông Thiều. Khuôn mặt hiền, tiếng rao và đôi mắt lấp sau nón lá.

Gió chuyển mùa hun hút mang theo ẩm ướt mưa phùn lất phất. Ngày giáp Tết, khắp phố ngạt ngào hương hoa cúc điểm tô trước thềm những ngôi nhà cổ. Mái ngói xanh rêu rơi tí tách những giọt xuân thưa thớt, trong veo. Hoa cúc vàng ươm, từ Cẩm Hà, Trà Quế được hối hả theo xe bò, xe lôi lắc lư chen chân người vào phố. Những chậu quật vừa độ chín vàng, trái sum suê, tấp nập kẻ mua người bán. Nắng hảnh lên đã thấy dọc các con hẻm người ta kê cái ghế đẩu, đặt cái nia phơi củ kiệu, củ cải cắt tỉa hoa khéo léo, chăm chút. Ngôi nhà thờ tộc Trương, cửa hay đóng im lìm, nay vừa thay câu đối mực Tàu đen nhánh, vải điều nơi mắt cửa đỏ tươi. Mấy lồng đèn quả trám được treo lên cành cây trước nhà vừa nhú vài lộc non nâu màu cánh gián. Những mảng địa y dày dọc bờ gạch cũ phủ sương li li như cũng cựa mình trước những xôn xao.

Những ngôi nhà được trông coi cẩn thận, những ân tình thuần hậu, những dư vị của Tết truyền thống là những di sản vô giá. Cái tốt đẹp cần gìn giữ có khi cầm nắm được, có khi chỉ là chút hương xuân. Không khí Tết mà ai cũng muốn hít tràn lồng ngực, lòng bình lặng tình yêu thiết tha với người, với đất đai xứ sở. Gìn giữ được không? Xin chắc chắn trả lời là được. Vì tất cả đã ở trong tim, ăn sâu vào máu thịt thì sao ta dứt lìa được. Chỉ là chúng ta yêu quý, gìn giữ đúng cách, kịp thời, bền bỉ dài lâu.

Một đòn bánh Tét, một ổ bánh tổ, hũ mứt quật mà kể ra thôi, dù ở đâu xa ta cũng khắc khoải nỗi nhớ da diết, cồn cào. Quê nhà là vậy, có khi gói gém, lấp đầy trong ký ức những hương vị Tết vẹn nguyên chỉ muốn chạy ào về. Ở đó tàu lá chuối mơn mởn chưa kịp giật xuống, sợi lạt chưa kịp chẻ ngâm nước cho mềm. Hàng xóm í ới gọi nhau mượn cái này thiếu cái kia ngày tất niên. Hối hả tàu xe, tất tả phận người, kẻ về người ở lại. Họ mong ngóng, chờ nhau, hỏi han rôm rả, những cuộc gọi facetime cũng nhiều hơn, tiếng cười cũng nhiều hơn. Cảm giác người ở quê ngó chừng từng chuyến xe đường dài ngang qua nhà, đợi chờ coi con nhà ai về, háo hức đến nghẹn ngào. Nhà xe mà mở bài “Tình quê”, hay “Yêu cái mặn mà” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn thì cung đường về quê thêm dạt dào bao xúc cảm bâng khuâng.

Nêu Tết Hội An.

Tết người ta nghĩ về những điều vui, đoàn viên về cái mới mẻ sắp tới. Thật lạ, ở xứ sở này làn sóng đổi mới hối hả đã đôi phần chậm lại. Không phải ngẫu nhiên, bởi những bể dâu, binh biến, va đập về văn hóa khiến con người nơi đây gan lì hơn, mà cũng cẩn trọng hơn. Không lạ nếu trên bước đường du xuân cánh Quế Sơn bạn có thể bắt gặp những sân khấu hát bội ở cái sân cỏ rộng cuối thôn. Dù nhỏ thôi, mà đàng hoàng đủ cả mũ áo cân đai, những Điêu Thuyền, Lữ Bố, Trương Phi... Chính họ, những người nông dân hồn hậu thật oai phong vai dũng tướng. Trên sân khấu những mặt cười, mặt khóc, gian hùng, nịnh thần, hay trung dũng uy nghi cứ cuốn theo tiếng trống chầu khi thúc giục, lúc khoan thai. Những niềm vui chân chất, tình thân xóm làng gắn kết hơn... Trong cốt cách, nếp nghĩ, nếp nhà của người làng là lề thói, là góc quê, dân dã nhưng đầy nhiệt huyết, lạc quan, tin yêu cuộc đời này. Họ nuôi dưỡng một miền nhớ xa mênh mông cho những đứa con xa có nơi chốn tìm về sau những vất vả, lo toan. Còn có người theo nghề, vẽ lưu dấu những chiếc mặt nạ thời gian, mặt nạ tuồng cổ vẽ độc bản, một vốn quý trong văn hóa Quảng Đà. Chú Quý Phong ở Hội An, ngôi nhà có khoảng sân nhỏ, lọt thỏm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, nói: chú vẽ là vì sự tri ân tiền nhân, lưu giữ văn hóa và tôn vinh điều thiện.

Mong sao dư vị Tết Việt lưu giữ được những nét đẹp cổ truyền độc đáo. Để hơn ai hết, người trẻ có được không gian vui chơi, lễ hội, vừa như được trở về ngôi nhà, làng xóm đầm ấm, thân tình, yên vui sau một năm đầy lo toan, những áp lực khốc liệt từ xã hội hiện đại. Để các bạn hiểu được rằng, con trẻ hôm nay chính là người tiếp nối, giữ gìn, trân quý những truyền thống. Luôn có những chuyển giao, giao thoa người già, người trẻ, hiện đại và truyền thống... Và mỗi người chúng ta phải nhận về mình trách nhiệm là một mắc xích, cầu nối kế thừa quan trọng. Chúng ta gìn giữ cho chính chúng ta và con cháu chúng ta mai sau còn có những mùa xuân tự do, ấm no, hạnh phúc.

DIỄM HƯƠNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xuan-van-ve-qua-ngo-xanh-reu-post290563.html