'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Đôi bàn chân cát bụi

Chợ quê còm cỏi, mẹ chắt chiu tằn tiện từng đồng cho cả nhà có cái Tết đủ đầy, cho anh chị em chúng tôi có đủ sách vở, quần áo mới, giày dép mới xúng xính như chúng bạn trong ba ngày Tết.

Cứ mỗi độ cuối đông, tôi lại về quê phát dọn cỏ cây, sửa sang lại vườn nhà cho tươm tất, rồi trồng mấy khóm hoa, thêm rau dưa cà bí để Tết đến lỡ như mình bận việc không về thì vườn nhà cũng có hoa, có rau dưa ít ra cũng có khúm cải vàng bông như nhà người ta cho cha mẹ đỡ phần trống vắng, chứ cha mẹ già rồi có còn cuốc đất trồng rau nổi nữa đâu.

Khi nghỉ tay vào hiên uống nước, bất giác tôi ngắm nhìn đôi bàn chân của mẹ mình, thấy nó ngồ ngộ, mười ngón chân cứ xếp nghiêng nghiêng về một hướng và ngoéo lại như những cái củ gừng xinh xinh sắp được làm mứt Tết (dân gian gọi là bàn chân Giao Chỉ - chân của người Việt cổ) hiện còn rất ít. Tại tôi không để ý chứ từ thời còn trẻ, đôi bàn chân mẹ đã cong ngoéo như vậy rồi.

Cà, dưa tác giả cùng mẹ trồng quanh vườn

Tôi thầm nghĩ, mười ngón chân cong ngoéo của mẹ chẳng phải bàn chân của người Giao Chỉ hay người Việt cổ gì cả mà do cuộc sống của người nông dân quá cơ cực, quanh năm lam lũ với ruộng đồng, nắng mưa nên đôi bàn chân mới thành ra như vậy.

Nhưng nghĩ lại cả làng này, xứ này cũng làm ruộng cả mà có bàn chân ai như mẹ đâu? Phải chăng, hồi còn trẻ mẹ tôi thường đi gánh muối bán ở chợ quê (chợ Đình - một chợ quê ở vùng bán sơn địa - thuộc xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), cả hai bận đi về chừng hơn 15 cây số, mẹ đều đi bằng… "chân chim" (quê tôi gọi vui cho người thường đi chân đất).

Chợ trên miền ngược nên con đường hằng ngày mẹ đi cũng nhiều đồi dốc và cách trở, có quãng xa thăm thẳm, qua một cánh đồng hoang, người ta gọi là đồng chổi (vì chỉ có cát trắng và cây chổi - tức cây tràm lá kim - dùng để bó làm chổi, mới mọc và sống nổi ở đất này).

Nói vậy, để biết xứ sở quê tôi khá cằn cỗi, mùa khô cát nóng chân không bước được, mùa mưa thì bão lũ trắng trời. Có lẽ ngày hai buổi chợ, gánh nặng, đường xa sau bao năm tháng dãi dầu nên đôi bàn chân mẹ tôi mới ngoéo lại như vậy chăng?

Nhớ những ngày giáp Tết, hồi tôi còn chơi búng thun, mỗi khi chuẩn bị quang gánh đi chợ mẹ hay xin tôi vài cọng thun để ràng ống quần. Mẹ bảo cột ống quần lại để khi qua truông chổi khỏi vấp trối chổi (gốc cây chổi), cho khỏi té chứ có bữa vấp té đổ muối lộn cát đành lỡ buổi chợ xuân... Cho đến bây giờ (gần năm mươi tuổi) tôi mới biết đó là cách mẹ nói tránh để giấu đi khiếm khuyết trên đôi bàn chân mẹ chứ thật ra là khi gánh nặng oằn vai và những bước chân vội vàng như chạy cho kịp buổi chợ Tết nên hai bàn chân cong ngoéo của mẹ tự vướng vào ống quần mà té chứ có phải vấp trối chổi nào đâu!

"Vội vàng gánh nặng chợ xuân

Vấp chân rách cả ống quần tả tơi

Cho hay cát bụi cuộc đời

Gian truân là mẹ một đời gian truân"

Chợ quê còm cỏi, mẹ chắt chiu tằn tiện từng đồng cho cả nhà có cái Tết đủ đầy, cho anh chị em chúng tôi có đủ sách vở, quần áo mới, giày dép mới xúng xính… như chúng bạn trong ba ngày Tết. Cứ như vậy, mẹ như gánh cả gia đình trên đôi quang gánh oằn vai rong ruổi cả một thời thanh xuân…

Khóm cải vàng bông tác giả cùng mẹ trồng trước nhà.

Qua bao năm tháng dãi dầu, bước chân trần gian truân của mẹ hằn in trên cát bụi đường xa làm cho mười ngón chân mòn vẹt cong ngoéo lại. Anh em chúng tôi đứa nào cũng vậy, cứ mỗi chiều ra đầu làng ngóng mẹ về sau mỗi buổi chiều tan chợ, vì biết trong đôi quang gánh của mẹ bao giờ cũng có quà bánh cho mình.

Có hôm, vì ế chợ do không bán được hàng, hay vì vấp ống quần đổ hết muối, mẹ không dành được tiền mua quà cho anh em tôi, thương con nên sợ con đòi quà khóc, mẹ chỉ vào ống quần và bảo rằng: "Nay đi chợ mẹ bị ngựa rượt, vội chạy vấp té rách cả ống quần nên không kịp mua quà, bánh". Nghe vậy anh em chúng tôi xuýt xoa thương mẹ quá chừng, không đứa nào đòi quà bánh nữa. Lớn lên, mới biết đây là lần nghe nói dối đẹp nhất trong đời mà mẹ dành cho mình!

Mẹ và đôi bàn chân cong ngoéo.

Nếu như có ai đó nói rằng đôi bàn chân cong ngoéo kia có chút thô ráp, vụng về hao hao như người tiền sử thì với anh chị em tôi, đôi bàn chân cát bụi của mẹ vẫn đẹp như một miền cổ tích tự xa xưa truyền mãi đến giờ, như một huân - huy chương mà cuộc đời ban tặng cho mẹ vì sự nghiệp lao động gian truân cả một thời thanh xuân, vì trên vạn nẻo đường đời bước chân của anh chị em chúng tôi đã được nâng trên đôi bàn chân của mẹ từ những ngay còn tấm bé!

Giờ đây, vì công cuộc mưu sinh và vì nhiều lý do khác nhau nên anh chị em chúng tôi lớn lên phải xô dạt trên vạn nẻo đời nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về nỗi nhớ quê vẫn canh cánh bên mình với biết bao ký ức tuổi thơ đẹp nhất dẫu biết rằng cuộc sống hôm nay đã thay đổi rất nhiều…

Lê Khánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-doi-ban-chan-cat-bui-196240213145651558.htm