Không có chuyên gia nào tốt hơn giáo viên

'Tôi lo sợ không biết em gặp chuyện gì, có đau ốm hay sự cố gì không, trong khi ngày thi đã cận kề. Tôi tìm đến nhà em, mới hay em chịu nhiều áp lực và tổn thương đến vậy', cô Đ.T, giáo viên một trường tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, xót xa.

Cõng theo quá nhiều áp lực đến trường

Câu chuyện của cô T. được rất nhiều giáo viên suy ngẫm trong buổi tập huấn về công tác sức khỏe tâm thần và phòng, chống bạo lực học đường do Sở GD&ĐT phối hợp Trung tâm Công tác xã hội TP. Đà Nẵng tổ chức.

TS. Lê Thị Lâm (khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) khuyến khích các thầy cô giáo đồng hành nhiều hơn nữa với học sinh. Ảnh: Thanh Hiền

TS. Lê Thị Lâm (khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) khuyến khích các thầy cô giáo đồng hành nhiều hơn nữa với học sinh. Ảnh: Thanh Hiền

Cô T. kể, gần tới ngày thi, một học trò trong lớp bỗng nhiên nghỉ học liên miên, cô sốt ruột, gọi điện cho phụ huynh lại chẳng được. Một hôm em tới lớp, cô gặng hỏi thì em chỉ rơm rớm nước mắt.

“Chắc hẳn là học trò của tôi có nỗi lòng nhưng chưa dám nói ra. Vậy là tôi quyết phải tìm tới nhà em. Tới mới hay ba chị em ở với ông bà, bố mẹ em đã ly hôn. Cú sốc đó chưa kịp nguôi thì thời gian gần đây mẹ em chuyển ra ngoài sống với người tình và chuẩn bị có em bé. Em ấy tủi thân vì mẹ ở với người khác, có em bé rồi. Em không còn được mẹ thương nữa….”, cô T. thương cảm.

Cô nói thêm, em học sinh này cảm thấy mình bị “bỏ rơi”, như quả bóng nước có thể vỡ tung bất cứ lúc nào, trong khi lại chẳng thể chia sẻ với ai. Gia đình không hiểu nỗi niềm của em, cứ hối thúc phải đi học. Em đến lớp lại đối mặt bài vở, thua kém bạn bè. Cùng một lúc chịu quá nhiều “đòn đau” nên em không tha thiết đến trường nữa dù ngày thi đã tới gần.

Đó không phải là trường hợp hiếm có. Mới đây, em T.Đ.N, học sinh lớp 6 một trường tại quận Cẩm Lệ, nhảy từ tầng 6 chung cư tự tử sau khi nhắn tin cho mẹ em đang làm thuê ở TPHCM là “con tự tử”. Bà P.T.G, bà ngoại em, thở dài kể rằng, bố mẹ em đã ly thân, ba chị em ở với bà, hằng tháng mẹ gửi tiền về mấy bà cháu tằn tiện sống qua ngày. Gần tới mùa thi, người lớn chỉ biết nhắc nhở học hành, có lúc rầy la khiến em chịu nhiều áp lực. Cộng với hoàn cảnh éo le đã khiến một học trò cấp hai non nớt như em N. bị dồn nén đến bước đường cùng.

May mắn sau cú nhảy định mệnh ấy, em N. chỉ bị đa chấn thương, nay đã qua cơn nguy kịch. Những lúc tỉnh táo, em lại gọi mẹ. “Mấy hôm nay cháu nằm viện, tôi ở nhà giữ kỹ hai đứa còn lại, đi viện phải dẫn cả hai theo cùng chứ để ở nhà sợ nó nghĩ quẩn như N., ám ảnh lắm”, bà ngoại N. lo sợ.

Cô Đồng Thị Hồng Sơn, Trường Tiểu học Quang Trung, quận Sơn Trà, kể rằng lớp cô có nhiều học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương và thường phải dỗ dành, làm bạn với các em mới chịu nói.

“Nhiều em vì nhà nghèo, không được sự chăm sóc của cha mẹ nên chểnh mảng bài vở. Nếu mình cứ dựa trên kết quả học tập mà la mắng thì vô tình tạo thêm áp lực và dồn nén, đẩy trò vào chân tường. Hơn ai hết, mỗi thầy cô cần để ý, yêu thương và đồng hành với trò vượt qua những khó khăn mà trò phải đối mặt”, cô Sơn nói.

Sức đề kháng vượt qua căng thằng

Tiến sĩ Lê Thị Lâm, khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, cho rằng cuộc sống ngày càng phát triển càng có nhiều đòi hỏi với người trẻ. Dù biết đòi hỏi, áp lực đem đến động lực để mỗi người phấn đấu, hoàn thiện hơn nhưng một số bậc phụ huynh yêu thương con chưa đúng cách, thầy cô giáo đặt quá nhiều kỳ vọng vô tình làm gánh nặng cho con trẻ.

“Trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần chia ra các cấp độ, mà nặng nhất có thể dẫn đến hậu quả các em bị khủng hoảng, tự sát. Vì vậy, phải thật sự kề cận, quan tâm và giúp đỡ các em vượt qua”, TS. Lâm nhấn mạnh. Theo TS Lâm, không có chuyên gia nào tốt hơn, đồng hành với các em hiệu quả hơn giáo viên. Trong khi các chuyên gia chật vật để học sinh có niềm tin mà bày tỏ thì giáo viên chỉ cần ân cần, quan tâm, vài lời nói cũng có thể khiến các em trải lòng.

Đồng tình với quan điểm này, cô Đ.T nhắc lại câu chuyện của học trò bỏ học ở trên. “Như những học trò khác nếu bị la xong sẽ cuống cuồng lật sách vở ra học thì em nhìn ra sân với cặp mắt rất ưu tư của người có nhiều tâm sự. Sự khác biệt đó làm tôi đoán chắc em đang có vấn đề”, cô chia sẻ.

Nhiều giáo viên khác cũng nhìn nhận rằng đúng là phải để tâm tới học trò, có trường hợp ngồi một chỗ cắn móng tay đến ứa máu, có trường hợp tự bứt tóc đến hói một mảng đầu… Nếu không ngồi xuống dỗ dành, động viên thì không tài nào biết được trò đang bị khủng hoảng vì bạn xa lánh, bạo hành, bị cha mẹ mắng mỏ…

Theo TS. Lâm, nhà trường và xã hội cần có các chương trình truyền thông, các lớp học kỹ năng để học sinh có thể ứng phó căng thẳng, áp lực. Để giải quyết căn cơ lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ, các em cần được giáo dục thói quen sức khỏe tích cực, như vậy sẽ có sức đề kháng vượt qua căng thẳng. Cần có các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần sớm cho học sinh, sàng lọc khủng hoảng tâm lý để phòng ngừa, can thiệp, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Tại chương trình tập huấn, hàng trăm giáo viên, nhân viên y tế học đường được hướng dẫn nhận diện các vấn đề tâm lí mà học sinh thường mắc phải; các rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở lứa tuổi học trò như: rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, ám ảnh sợ (sợ bẩn, sợ độ cao, sợ đám đông, sợ bị bệnh, sợ trường học…), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần không kiểm soát như rửa tay, tắm, kiểm tra khóa cửa...), rối loạn stress sau sang chấn…

THANH HIỀN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-co-chuyen-gia-nao-tot-hon-giao-vien-post1636901.tpo