'Xuân sum vầy – Tết sẻ chia': Đi tìm mùa xuân

Nhiều năm ăn Tết xa quê, Tết này thì trông cô vui hẳn: 'Năm nay cả nhà em sẽ về quê chị à. Em đã mua vé rồi!'.

Những ngày cuối Chạp, thời gian dường như trôi nhanh hơn. Có thể vì ai cũng muốn kéo dài trạng thái vui vẻ của những ngày chờ đợi và chuẩn bị cho Tết. Nhiều người nói những ngày này còn "Tết" hơn cả những ngày Tết thực thụ. Cộng vào đó là cái thời tiết tuyệt diệu, trời se se vào mỗi sáng sớm rồi nắng lên, nắng trong suốt sưởi ấm những nụ cúc, nụ mai chờ nở, sưởi ấm cả hồn người rồi nhẹ nhàng nhen lên trong ấy những niềm vui cùng khát khao đoàn tụ.

Cô đã mua được chiếc xe đạp điện

Rộn ràng những ngày tháng Chạp

Cô ấy nói rằng cô cũng thích không khí của những ngày cuối tháng Chạp khi đạp xe len lỏi qua các ngõ xóm ngắm nhìn sự rộn rịp. Nhiều nhà dọn dẹp, "tống cựu nghênh tân" đồ đạc trong nhà nên xe ve chai của cô ngày mấy bận đi về lặc lè. Mồ hôi đẫm áo mà vòng xe cứ thấy nhẹ tênh.

Chiều tôi nghỉ làm, cũng soạn được mớ đồ rồi "ới" cô.

Như mọi khi cô ghé vào, bao tay khẩu trang kín mít và tiếng cười réo rắt không lẫn vào đâu được. Cô nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt hơi gãy nhưng nụ cười rộng với hàm răng trắng đều nên trông như một bông hoa xòe nở. Trộn lẫn trong tiếng cười trong vắt ấy là tông giọng lúc nào cũng cao vút, mà lạ, nó khiến người cô như tỏa ra một luồng năng lượng thật mạnh mẽ. Và tôi như bị cuốn vào đó…

"Ông chồng em vừa rồi bị lừa mất triệu hai. Em dằn vặt miết làm anh ý phải trốn sang nhà bạn. Nhưng mà em tội, lại đi tìm rồi thông báo là vợ đã tha thứ..."

"Con gái lớn em năm nay vào 12 rồi đấy. Người ta hỏi: mẹ ăn gì mà trẻ thế! Nghe sướng trong lòng, không lẽ đáp vì em lấy chồng từ thưở mười ba..."

"Ngày nào cũng như ngày nào chị à, em cứ hay chạy vòng lối xuống bờ rạch chỉ để nhìn mấy cái nhà nhỏ nhỏ xinh xinh dưới đấy. Chả hiểu...".

"À mà em mới sắm được chiếc xe đạp điện cũ, đỡ mệt lắm ạ!"

...

Những câu chuyện trên trời dưới đất, chắp nhặt không đầu không cuối nhưng lại khiến tôi thấy quý cô; quý sự chân thành, quý cái tính nhân hậu, chịu thương chịu khó cùng chút hài hước, lạc quan mà giữa những bộn bề cuộc sống, nó như những tia sáng hiếm hoi lấp lánh.

Cô như con kiến cần mẫn tha mồi

Tết một mình nhưng không cô đơn

Câu chuyện chiều nay của cô là "Tết". Những Tết xưa và Tết nay, rằng không phải cứ Tết là vui. Nhưng may mà Tết luôn là điểm hẹn của một vòng quay để người ta có quyền chờ đợi, hy vọng ở những Tết khác rộn ràng hơn.

Hôn nhân tan vỡ khi tuổi đời còn quá trẻ, cô bồng con gửi mẹ rồi một tối chạy theo những người làng xuôi tàu vào Nam kiếm việc. Tiền tích cóp cô gửi về nhờ mẹ nuôi con. Bằng cấp, tiền bạc, tay nghề đều không có nên cô chọn nghề mua ve chai để kiếm sống. Đêm cô khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ con…

Tết đầu tiên ở phương Nam, cô suốt ngày ngồi thu lu trong phòng trọ. Màu nắng ươm vàng ấm áp dễ chịu lại khiến cô nhớ đến cái lạnh thấu xương và màu trời đùng đục lất phất bụi mưa. Nhìn nhành mai vàng thắm mà nhớ cành đào nụ chúm chím nụ hồng bố đem về lúc trời sụp tối. Lại xót cho con gái đón cái Tết đầu tiên trong đời mà không có mẹ bên cạnh...

"Tết nhứt bây hỏng đi đâu chơi ha?" - bà chủ trọ đi qua hỏi bằng giọng Nam bộ rổn rảng rồi lát sau đem xuống cho cô một đòn bánh tét. Trông nó như một cây pháo to khủng nhưng khi "tét" ra vị lại không khác bánh chưng bởi cũng nếp, cũng đậu xanh và thịt heo ở giữa.

Đòn bánh tét ấy khiến cô cảm thấy ấm lòng. Bà chủ trọ hay mắng sa sả khi có khách ăn ở mất vệ sinh, ăn nhậu ồn ào nhưng thật ra bà tốt lắm, hay giúp cho cái này cái nọ, nhất là trong đợt dịch COVID-19. Có lẽ cô là trường hợp hiếm hoi suốt gần 20 năm không chuyển chỗ trọ. Ân tình nhiều lắm!

Rồi có những người cô đến lấy ve chai, họ cho không, thậm chí còn tặng những đồ dùng còn rất mới nữa. Rồi những người cùng chung phận đời tha hương cầu thực trong xóm trọ, tối lửa tắt đèn giúp nhau... Thì ra ở đây cô đâu phải cô đơn!

Tết này cô đã được về quê

Tìm thấy mùa xuân

Và một tết khác, cô gặp anh, một người cũng vì nghèo mà phải rời xa quê hương giống như cô. Hiểu nhau rồi thương. Đêm giao thừa, anh chở cô bằng chiếc Wave cũ lên cầu vượt để xem pháo hoa. Qua Giêng thì dọn về ở chung tiết kiệm được tiền trọ, rồi thành vợ thành chồng. Khi cuộc sống ổn hơn, anh nói: "Em đưa con vào cho nó đi học!"... Đến Tết sau đó, cô nằm ổ, sinh đứa con chung của cô và anh. Cô nằm nghe tiếng pháo bắn xa xa, cảm nhận hạnh phúc trong sự thắc thỏm.

Bao mùa xuân nữa đi qua, cô vẫn cặm cụi đạp xe trên đường. Thân hình nhỏ bé như lút khuất sau những bao hàng kềnh càng, như con kiến nhỏ cần mẫn tha mồi. Chiều muộn lại hấp tấp lao về đón con, lo cơm nước. Quanh quẩn với cơm áo gạo tiền để rồi nhận ra đã bao nhiêu cái Tết chưa về thăm cha thăm mẹ, lòng vì vậy mà đầy những xốn xang. Nhưng tới Tết này thì trông cô vui hẳn: "Năm nay cả nhà em sẽ về quê chị à. Em đã mua vé rồi!"...

Mừng cho cô. Tôi ngó theo chiếc xe lặc lè rời đi. Và tôi hiểu vì sao cô ưa đạp xe vòng xuống bờ rạch để ngắm nhìn những căn nhà nhỏ xinh ấy. Đó là mơ ước, là mục tiêu cho những cố gắng của cô. Những chuyến xe cứ túc tắc mỗi sớm mỗi chiều len lỏi qua từng ngõ xóm.

Trong cuộc mưu sinh vất vả này, cô cũng như tôi, như mọi người, mỗi chúng ta đều đang nỗ lực tìm kiếm cho mình một mùa xuân…

Bài và ảnh: An Phúc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-di-tim-mua-xuan-196240206121905615.htm