Xuân ở chợ hoa không ngủ

Những ngày giáp Tết, hoạt động mua bán hoa kiểng ở khu vực quảng trường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) diễn ra xuyên đêm. Đây là điểm bán hoa kiểng dịp tết lớn nhất của tỉnh Kiên Giang.

Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Không khí mùa xuân hiển hiện ở chợ hoa kiểng tại quảng trường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá rõ hơn bao giờ hết. 24 giờ mỗi ngày, người dân, tiểu thương tất bật mua bán những gốc mai, cành đào, chậu hoa cúc, vạn thọ… rực rỡ sắc màu, chuẩn bị trang hoàng trong nhà trong mấy ngày xuân.

Hoạt động mua bán hoa kiểng ở quảng trường Trần Quang Khải diễn ra từ ngày 20-1 (nhằm mùng 10 tháng Chạp). Từ trước đó, đơn vị quản lý là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Rạch Giá chủ động phân chia thành 326 lô để phục vụ tiểu thương các nơi đăng ký, làm không gian bày bán hoa kiểng.

Một góc chợ hoa kiểng tại quảng trường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Rạch Giá Trần Kim Quới cho biết, có hơn 90% số lô hàng được tiểu thương trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đăng ký từ khá sớm. Sau mùng 10 tháng Chạp, tiểu thương các nơi lần lượt vận chuyển hoa kiểng về đây bày bán, nhộn nhịp nhất từ ngày 25 tháng Chạp đến những ngày cận Tết.

Khu vực chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải ít sử dụng không gian của quảng trường mà trưng dụng 4 tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Ba Tháng Hai, Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa để làm nơi bày bán hoa kiểng. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiểu thương trong việc mua bán và vận chuyển hoa kiểng.

Tiểu thương Nguyễn Văn Bảy, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chăm sóc 10 chậu mai vàng, được bày bán ở quảng trường Trần Quang Khải.

Theo nhiều tiểu thương, giá hoa kiểng dịp Tết năm nay ở mức bình ổn so với những năm trước. Mai vàng là một trong số những loại hoa kiểng được bày bán nhiều nhất, giá dao động từ vài trăm ngàn đồng mỗi chậu cho đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng/chậu. Đơn cử có trường hợp “lão mai” được chào bán với giá 2,2 tỷ đồng, đắt nhất chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải.

Ngoài mai vàng, các loại hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa giấy được tiểu thương trong tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh ở miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… bày bán với số lượng lớn. Giá trung bình mỗi cặp hoa cúc khoảng 80.000 đồng, giá mỗi cặp hoa vạn thọ được bán khoảng 50.000 đồng.

Tiểu thương vận chuyển hoa giao cho khách.

“Là đơn vị quản lý, chúng tôi tạo điều kiện để tiểu thương có không gian mua bán thuận lợi. Thêm vào đó, việc bố trí điện, nước được chú trọng, nhằm đảm bảo nhu cầu của tiểu thương, nỗ lực tạo dựng hình ảnh TP. Rạch Giá hiền hòa, thân thiện và năng động”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Rạch Giá Trần Kim Quới cho biết.

Tiểu thương dùng xe cẩu vận chuyển chậu mai cho khách.

Ngoài điểm chợ hoa này, tại TP. Rạch Giá còn có vài điểm bán hoa kiểng dịp Tết quy mô lớn như chợ hoa tại khu vực quảng trường Khu đô thị Phú Cường, Công viên văn hóa An Hòa. Cũng tại thành phố biển, rất nhiều điểm bày bán hoa kiểng nhỏ, lẻ khác nằm rải rác ở khắp các tuyến phố phường, phục vụ nhu cầu mua hoa kiểng trưng Tết của người dân.

Tiểu thương chăm sóc hoa kiểng tại chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải.

Theo nhận định của nhiều tiểu thương tại chợ hoa kiểng quảng trường Trần Quang Khải, lượng khách dịp tết năm nay có phần giảm so một vài năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà không khí xuân “giảm nhiệt”. Mọi người vẫn hy vọng trong ngày 29, 30 tết sắp tới, việc mua bán sẽ có doanh thu tốt hơn vì đây là “thời điểm vàng” người dân hay mua hoa kiểng nhất.

Một người dân TP. Rạch Giá làm nghề vận chuyển hoa kiểng thuê, giao hoa cho khách hàng bằng xe lôi. Anh cho biết mỗi ngày anh thu nhập khoảng 500.000 đồng từ công việc này.

Buổi chiều là thời điểm chợ hoa nhộn nhịp nhất. Theo nhiều tiểu thương, đấy là lúc người dân đi làm về nhà, có thời gian rảnh rỗi để dạo chợ mua sắm. Thêm vào đó, không khí mát dịu của buổi chiều và tối khiến việc di chuyển, mua hoa của người dân ít nhọc hơn lúc nắng nóng, hoa mua về nhà cũng được tươi hơn.

Mang hoa xuân về nhà.

Sự nhộn nhịp ở chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải không chỉ đến từ việc mua và bán của tiểu thương, người dân. Các hoạt động duy trì, chăm sóc, bảo quản hoa kiểng 24/24 giờ của tiểu thương cũng góp phần tạo không khí mùa xuân đặc biệt nơi phố biển. Nhiều người có lý do khi gọi đây là khu chợ hoa xuân không ngủ.

Nhiều bạn trẻ dạo phố ngắm hoa kiểng, chụp ảnh tại khu vực quảng trường Trần Quang Khải.

Ở chợ hoa kiểng quảng trường Trần Quang Khải, nhiều em là sinh viên, học sinh đi cùng gia đình, trực tiếp tham gia hoạt động bán hoa kiểng ngày tết. Theo nhiều người dân địa phương, đây được xem là điểm “thu hút hơn” những năm trước, khi đứng bán ở gian hàng không chỉ là những cô, chú nông dân chính hiệu.

Theo quan sát của chúng tôi, những "bóng hồng" này thường làm những việc phụ trợ như chào khách, chăm sóc hoa kiểng. Còn việc chốt hàng, vận chuyển nặng nhọc… phần lớn do phụ huynh hoặc người dân của các em thực hiện.

Em Trần Thị Bé Hiền giới thiệu hoa mai cho khách.

Em Trần Thị Bé Hiền (22 tuổi), quê quán huyện An Minh (Kiên Giang) cùng gia đình bày bán khoảng 100 gốc mai lớn nhỏ tại chợ hoa kiểng quảng trường Trần Quang Khải. Em là sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Kiên Giang.

Em Hiền cho biết, mấy ngày nay em thường đến phụ giúp người thân bán hoa kiểng mỗi chiều và tối. Nhờ tính cách hướng ngoại, em được cha và anh trai tin tưởng giao nhiệm vụ mời chào, giới thiệu hoa mai cho khách. Bình quân mỗi ngày, gian hàng của gia đình em bán được vài gốc mai, cũng có ngày bán được hơn 10 gốc. Thoạt nhìn Hiền khá nhanh nhẹn, thường nở nụ cười tươi xinh khi làm việc.

Em Hiền tưới nước, chăm sóc hoa kiểng gia đình bày bán tại quảng trường Trần Quang Khải.

“Gia đình em có nhiều năm làm nghề chăm sóc và mua bán hoa kiểng dịp tết, nhất là mai vàng. Sau nhiều lần đi cùng cha, em đã lành nghề hơn. Thoạt nhìn em, nhiều người không nghĩ em là sinh viên, cứ tưởng là tiểu thương chính hiệu. Nhân đây, em muốn gửi lời chúc xuân an lành đến tất cả mọi người”, em Hiền cười nói.

Cách gian hàng của Hiền vài chục bước chân là gian hàng bán hoa mai, cúc mâm xôi của gia đình em Anh Thư, đến từ TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vượt hơn 100km đến với phố biển TP. Rạch Giá, Anh Thư nói rằng đây là chuyến bán hoa kiểng xa nhà nhất mà em từng tham gia cùng người thân. Anh Thư hiện là sinh viên, học tập tại TP. Hồ Chí Minh.

Anh Thư ở gian hàng hoa tại quảng trường Trần Quang Khải.

“Cúc mâm xôi là sản phẩm hoa đặc trưng ở quê em, được nhiều người biết đến. Mỗi cặp cúc có giá bán từ 120.000 - 160.000 đồng tùy vào độ lớn nhỏ. Đây là loại hoa trưng tết quen thuộc của nhiều gia đình ở miền Tây, hoa đẹp bởi sắc vàng tươi, khá lâu tàn”, Anh Thư chia sẻ.

Buổi tối tất bật của Anh Thư (bìa phải) cùng những vị khách mua hoa kiểng.

Tại nhiều gian hàng khác ở chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải, còn có nhiều bạn nữ trẻ, xinh tươi cùng người thân tất bật hoạt động mua bán hoa kiểng những ngày giáp tết. Theo các bạn, không khí mùa xuân đã đến thật sự gần.

Gia đình anh Phạm Quốc Đạt, ngụ TP. Rạch Giá là chủ nhân của gốc mai vàng được định giá bán 350 triệu đồng. Ngoài “lão mai”, gia đình anh còn bày bán hàng chục gốc mai khác với nhiều kích thước, giá mỗi gốc từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

"Lão mai" được định giá bán 350 triệu của gia đình anh Phạm Quốc Đạt được bày bán ở chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải.

“Lão mai” giá trị cao nhất được bày bán tại gian hàng của gia đình anh Phạm Quốc Đạt là giống mai vàng mọc ở vườn rừng, nguồn gốc tại TP. Rạch Giá. Cây mai khoảng 70 năm tuổi, đường kính gốc đạt 75cm, cao trên 4m. Điểm đặc biệt của cây mai này là có tán cành rất rộng, chi chít hoa vàng 5 cánh, hoặc 6 cánh.

Anh Bảy Bánh.

Anh Bảy Bánh là anh rể của anh Phạm Quốc Đạt, người có thời gian dài chăm sóc cây mai vàng này. Anh Bánh cho biết, trước đây mai mọc ở vườn rậm, được gia đình em rể mua về chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng và cho lên chậu khoảng 6 tháng nay.

“Là giống mai rừng tự nhiên nên việc chăm sóc cây mai khá đơn giản, cơ bản nhất là tưới đủ nước và thỉnh thoảng vun gốc, bón phân hữu cơ. Cây mai vàng có sức sống mạnh mẽ nên mới cho tán cành rộng, đều và cao như vậy”, anh Bảy Bánh nói.

Những chùm hoa chi chít của "lão mai" được định giá bán ba trăm năm mươi triệu.

Anh Thành Hưng, ngụ TP. Rạch Giá là người có kinh nghiệm trong chăm sóc và chơi hoa mai vàng nhiều năm cho biết, gốc mai vàng của gia đình anh Phạm Quốc Đạt giá trị nhất ở độ “hoành tráng” của tán cành. Theo anh Hưng, nếu mai đủ sức, dịp tết đến sẽ cho rất nhiều hoa, tạo sự choáng ngợp và thích thú thật sự cho những ai lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt. Nhiều người dân dạo chơi khu vực lô hàng hoa của gia đình anh Đạt thường dừng xe lại, trầm trồ khen mai đẹp, xin phép tiểu thương tạo dáng chụp ảnh bên gốc mai hàng trăm triệu.

“Tôi là người yêu thích hoa kiểng, chăm sóc mai vàng cũng là một niềm đam mê. Khi có sản phẩm ưng ý, tôi mang ra chợ hoa trưng bày dịp tết để mọi người được tham quan, thưởng lãm, nếu ưng ý và có duyên thì mua ủng hộ, mang không khí mùa xuân về nhà. Tính cách tôi khá nghệ sĩ, làm vì đam mê nên cũng không quá đặt nặng chuyện buôn bán lời lỗ. Mai vườn nhà ở TP. Rạch Giá, nếu bán chậm hoặc không bán được, tôi sẽ mang về tiếp tục chăm sóc, không phải lo lắng gì”, anh Đạt nói.

Đã qua 12 giờ đêm, cô Loan và chồng, ngụ TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vẫn trò chuyện bên gian hàng hoa với hơn 70 cặp hoa cúc vàng. Đây là đêm thứ ba cô Loan không chợp mắt vì ban ngày thì tất bật mua bán, ban đêm thức để canh hoa. Vị tiểu thương này nói rằng dẫu biết gian hàng sẽ không mất mát gì vì an ninh tốt, tuy nhiên ở xứ lạ, nơi nằm nghỉ chỉ là chiếc võng với bốn mặt gió trời nên cô không thể ngủ.

Vợ chồng cô Loan, ngụ TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

“Tôi làm nghề buôn bán hoa kiểng đã 15 cái Tết. Thoắt cái đã mười mấy năm trời thăng trầm. Nếu được chọn lại, tôi vẫn thích công việc mình đang làm, vừa có thu nhập vừa góp phần mang không khí mùa xuân đến với mọi người”, cô Loan chia sẻ.

Cũng theo cô Loan, vì là hoa nhà trồng nên gia đình cô không quá áp lực chuyện lỗ lãi như tiểu thương mua đi bán lại. "Tôi bán cũng không nhiều, thu nhập mọi thứ từ hàng hoa chắc cũng chỉ tầm chục triệu. Khi đến tết phải đi làm nghề, thậm chí đi hàng trăm cây số, chứ ở yên tại nhà không làm gì, tôi thật sự không quen”, cô Loan tâm sự.

Người dân phấn khởi chở hoa xuân về nhà.

Rạng sáng 28 tết, ông Việt, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vẫn chưa thể chợp mắt vì vừa có khách muộn đến hỏi thăm hàng hoa. Dịp tết năm nay, ông Việt cùng 1 người bạn thân vong niên ở quê nhà Bến Tre, vượt hơn trăm km đường đến TP. Rạch Giá bán hoa kiểng.

Ông Việt nói mình từng nghe kể sức hút của chợ hoa xuân ở TP. Rạch Giá, mọi người như kiểu “chịu làm, chịu chi”, nên năm nay ông quyết định đi xa nhà một chuyến. Dịp tết những năm trước, ông Việt bán hoa kiểng ở vài điểm chợ thuộc trung tâm TP. Bến Tre.

Ông Việt bên vườn quất tại quảng trường Trần Quang Khải.

“Tôi có 69 gốc quất, 300 chậu vạn thọ và 150 chậu ớt. Gần 1 tuần lễ ở chợ hoa này, tôi bán mỗi loại được khoảng 30% số lượng, giá cả ở mức trung bình, không cao hơn những năm trước. Tôi và người bạn thân có dự định sáng 30 tết sẽ dọn hàng về lại quê nhà vui xuân, chứ không nán lại để bán muộn đến tối 30 tết như năm ngoái”, ông Việt nói.

Người bạn của ông Việt uống ly trà nóng trong đêm. Ông nói đây là thức uống để ông bớt buồn ngủ khi thức canh hoa kiểng.

Xuyên đêm ở phố biển, ông Việt và người bạn của mình thỉnh thoảng nhâm nhi ấm trà nóng, vừa ngồi trông coi hàng vừa hàn huyên tâm sự. Người bạn của ông Việt nói có cảm giác nhớ nhà, đó cũng là lý do mà hai người quyết định sẽ dọn hàng về quê sớm hơn dịp tết năm trước.

Hoạt động mua bán hoa kiểng diễn ra xuyên đêm.

Khoảnh khắc giao thừa, kết thúc năm cũ chào đón năm mới Giáp Thìn chỉ còn đếm ngược từng ngày. Không khí mùa xuân ngập tràn phố biển TP. Rạch Giá.

Đêm nhộn nhịp ở chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải, đoạn thuộc đường Tôn Đức Thắng, TP. Rạch Giá.

Đêm không ngủ ở chợ hoa quảng trường Trần Quang Khải, chúng tôi được nghe hết, thấy hết những hoạt động nghề nghiệp cùng tâm sự của những tiểu thương phương xa.

Nhóm tiểu thương chào hỏi nhau, bắt chuyện quên thời gian khi đêm muộn.

Có khi họ vội vã lúc đông khách, có khi trầm tư lặng lẽ trong đêm, cũng có nhóm tiểu thương quen mặt đến chào hỏi nhau, bắt chuyện quên thời gian. Nhiều tiểu thương nói họ ngầm cảm ơn lãnh đạo địa phương, đã tạo một không gian đủ rộng, đủ sức hút để mọi người được đến đây bày bán hoa kiểng, góp dư vị để mùa xuân về với mọi nhà.

HOÀNG GIÁM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/xuan-o-cho-hoa-khong-ngu-19006.html