Xuân biên cương ấm lòng dân bản

Tại vùng biên giới Tổ quốc, Tết năm nào cũng đầm ấm, rộn ràng tiếng cười, thắm đượm tình quân dân.

Xuân nơi biên giới bao giờ cũng về sớm hơn. khi nhà nhà rộn ràng tiếng cười nói ngày đoàn viên, nơi rẻo cao biên cương vẫn có những bước chân thầm lặng của người lính quân hàm xanh.

Xuân về, cũng là lúc miền đất biên cương rợp sắc cờ hoa, mừng Đảng, mừng xuân, mừng năm mới. Với cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng Pò Mã (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), mỗi cái Tết đều mang một cảm xúc riêng.

Vừa nhận công tác tại đồn biên phòng Pò Mã, trung úy Nguyễn Hữu Phong vẫn không quên năm đầu tiên đón Tết ở biên giới. Anh tâm sự: “Hồi còn là học viên năm hai của Học viện Biên phòng, tôi được phân công lên hỗ trợ tại tổ, chốt biên giới, thời điểm dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Ngày xách ba lô ngược bản, trong tôi là vô vàn cảm xúc, bởi có lẽ, đó thực sự là thử thách đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhưng rồi, mỗi bước chân trên đường tuần tra giữa bạt ngàn núi rừng, với muôn loài hoa khoe sắc, tôi hiểu rằng, trọng trách mình đang mang trên vai là niềm tự hào, là nhiệm vụ cao cả và là sự tin yêu mà nhân dân gửi gắm”.

Năm nay là năm thứ hai đón Tết ở biên cương, nhưng cậu học viên ngày ấy giờ đã là sĩ quan trẻ, trong lòng lại mang nỗi háo hức khác biệt. “Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tôi cảm nhận rõ hơn không khí nhộn nhịp của Tết vùng cao. Đi chợ Tết, tôi được ngắm những em nhỏ hai má ửng hồng, nở nụ cười tươi bên các sạp đồ thổ cẩm, được tìm hiểu về phong tục, tập quán văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây. Đôi điều hạnh phúc nhỏ bé ấy sẽ giúp tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà”, trung úy Phong trải lòng.

Tại đồn biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), vẫn còn 6 tổ, chốt trực tại các điểm biên giới, khu đường mòn, lối mở ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm. Trung tá Hoàng Trung Hiếu, chính trị viên đồn biên phòng Ba Sơn tâm sự: “Tết mà, ai cũng muốn được về sum vầy với gia đình. Nhưng với chúng tôi, ‘thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi’, đón Tết tại biên giới là niềm vinh dự, tự hào vì được góp chút công sức nhỏ bé, hòa vào niềm vui chung của đất nước”.

Bám trụ với núi rừng, họ chấp nhận gác lại hạnh phúc cá nhân, dẫu biết rằng, phía sau là mẹ già, là con nhỏ đang trông ngóng. Có đồng chí mẹ mắc bệnh nặng, nhà lại neo người, thương mẹ, thương vợ con, nhưng chỉ có thể động viên người thân qua những cuộc gọi vội vã, những lần về phép tranh thủ mà đơn vị tạo điều kiện. Có đồng chí vừa lập gia đình, đôi vợ chồng son vẫn “nợ” nhau một tuần trăng mật, cũng đành gác lại vì nhiệm vụ chung. Mỗi người một nỗi niềm trăn trở, nhưng ở những người lính ấy đều có chung ý chí lớn lao, một tinh thần sẵn sàng chiến đấu, một “tình trong ngực và đất nước trên vai”.

Xuân biên giới của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng với bà con dân bản năm nào cũng đong đầy ấm áp. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cấp ủy, chỉ huy các đồn biên phòng luôn chú trọng thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” (Bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Các đồn biên phòng còn đóng góp mua quà là nhu yếu phẩm, quần áo ấm, chăn, mũ... tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách, các em học sinh.

Các đồn biên phòng cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và chế độ theo quy định của quân đội; đẩy mạnh các hoạt động tăng gia sản xuất; tổ chức dọn dẹp, trang trí lại đơn vị; liên hệ, phối hợp với các đoàn thể trong xã, huyện đến đơn vị cùng gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ đêm giao thừa...

Những quan tâm tưởng chừng nhỏ bé ấy cũng đủ để những người lính cảm nhận được sự yêu thương mà nhân dân, hậu phương gửi gắm. Cứ độ xuân về, bà con trong bản lại mang những thức quà đặc sản lên đồn, cùng cán bộ, chiến sĩ nhâm nhi” hương vị đầu tiên của một năm mới.

Trung tá Đỗ Văn Phúc, Chính trị viên đồn biên phòng Pò Mã cho biết, hai ngôi nhà Đại đoàn kết, được đồn phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ xây dựng, kịp trao tặng cho bà con khó khăn đón năm mới ấm áp, đủ đầy.

Khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” càng thêm ý nghĩa mỗi độ Tết đến xuân về. Từ những chương trình “Ấm lòng dân bản”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”..., mỗi người lính như có thêm một mái ấm, được thắp lửa bằng trái tim nồng hậu, bằng tình yêu thương và tiếng cười vang mỗi ngày.

09/02/2024 03:00

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/xa-hoi/lo-tet-don-tet-cung-dan-vung-bien-20240209015927941.htm