Xử trí thế nào khi trẻ gặp tai nạn giao thông?

Va chạm và tai nạn giao thông gây chấn thương ở nhiều mức độ khác nhau, bên cạnh phòng ngừa, mỗi người cũng cần trang bị cho mình kỹ năng xử trí khi gặp trẻ bị tai nạn.

Ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng cũng là yếu tố làm cho tai nạn thương tích ngày càng nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong và tàn tật ở trẻ em.

Tùy tình trạng bị thương của trẻ sẽ có cách xử trí sơ cứu khác nhau đảm bảo hạn chế thương vong cho trẻ khi xảy ra tai nạn giao thông (ảnh minh họa).

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, trung bình mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do TNGT, cứ 3 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

Phân tích nguyên nhân trẻ em bị TNGT, các chuyên gia cho rằng, do thiếu sự quản lý, giám sát, chăm sóc của người lớn khi để trẻ em tự do vui chơi, nô đùa, chạy nhảy ở những khu vực đường sá đông phương tiện qua lại; do trẻ không quan sát khi qua đường, sang đường; do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Về cách xử trí sơ cứu khi gặp trẻ bị TNGT, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Lào Cai cho biết thêm, với trẻ bị thương nhẹ, có biểu hiện tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và tự đứng dậy được thì cần phải nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

Trường hợp trẻ bị chảy máu, phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông ấn chặt vào vết thương. Đây là động tác đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Đối với trẻ tổn thương mạnh ở xương, như gãy xương tay, chân, cổ, lưng… thì phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì nên lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển tránh gây chuyển động mạnh.

Với trẻ bị thương nặng, trong tình trạng hôn mê thì nên tiến hành sơ cứu theo lần lượt các bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như hà hơi, hồi sức, hô hấp nhân tạo,… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết, cố định bệnh nhân bằng cáng cứng rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Quan trọng nhất là phải phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ, bằng cách không để trẻ đi bộ dưới lòng đường, đùa nghịch trên hè phố, mà không có sự giám sát của người lớn. Khuyến khích tham gia học về kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Khi tham gia giao thông phải luôn tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; giáo dục cho trẻ hình thành kỹ năng đúng khi tham gia giao thông như sang đường, qua đường phải chú ý quan sát trước sau; sử dụng phương tiện giao thông phù hợp với lứa tuổi và tuân thủ các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông,…

Hiểu Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xu-tri-the-nao-khi-tre-gap-tai-nan-giao-thong-192231205170101064.htm